Mọi người vẫn nhắc đến Nam Phương hoàng hậu

26/09/2023 - 09:07

PNO - Hoàng hậu nước Nam ta, không có nhiều vị được sử sách đời sau nhắc đến. Riêng trường hợp Nam Phương hoàng hậu, không chỉ đương thời mà đời sau sẽ vẫn còn nhắc đến bà với tất cả sự ngưỡng mộ và kính trọng.

Đến nay, đã có nhiều sách viết về bà như Nam Phương hoàng hậu (Lê Lan Khanh), Nam Phương - Hoàng hậu cuối cùng (Lý Nhân Phan Thứ Lang), Nam Phương - Hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam (Nguyễn Đắc Xuân), Hoàng hậu Nam Phương - Qua một số tư liệu chưa công bố (Phạm Hy Tùng)… 

Mới đây nhất là tập Nam Phương hoàng hậu - vị quốc mẫu tân thời qua tư liệu báo chí 1934-1945 (Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM - 2023) của Tử Yếng Lương Hoài Trọng Tính cũng đang được dư luận chú ý. Qua khảo sát 62 tài liệu sách, báo chí, nhà nghiên cứu đã liệt kê theo thời gian các bản tin, kể cả sự kiện kể lễ cưới của bà có chi tiết ít ai biết đến như ngày 17/3/1934, đoàn đưa dâu từ Sài Gòn ra Trung Kỳ, đoàn rước dâu của hoàng gia đã hẹn gặp nhau tại đèo Hải Vân để làm thủ tục rước dâu… “Báo chí 3 miền đưa tin liên tục vì luồng gió mới mà bà đã mang lại… Từ đó, giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về hoàng hậu - hoàng đế, hoàng thất cũng như những công việc mà hoàng hậu Nam Phương đã làm có ảnh hưởng đến công cuộc trị vì và giúp đỡ cho thần dân của mình lúc bấy giờ”.  

Vậy, bà Nam Phương hoàng hậu đã làm gì? Đó chính là bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, chú trọng đến phát triển giáo dục, tham gia các hoạt động cứu tế xã hội… Đặc biệt, bà đã có biện pháp tích cực chăm lo đến đời sống di dân. Như chúng ta đã biết, vào những năm đầu thế kỷ XX, nhà Nguyễn có chủ trương đưa người dân Bắc Kỳ lập nghiệp tại Đà Lạt, bà cũng đến tận nơi ăn ở của người dân: “Chẳng quản lội bùn, bước qua khắp các dải vườn mới khai phá lại ngự vô trong nhà tranh vách đất của dân cày. Ngài lại ban nhiều lời khuyến khích cho dân, ngài nhắc tới xứ Bắc Kỳ vẫn có tiếng là đất chăm chỉ làm ăn, và dân Hà Đông riêng đã nổi danh là có kỹ nghệ và kiên nhẫn khiến cho di dân sắp hàng đứng nghe lấy làm cảm động”; sau đó, bà trao tiền riêng để giúp người dân ăn tết Trung thu (Báo Tràng An, ngày 18/10/1938).

Năm 1938, Hội Bảo trợ nhi đồng Việt Nam được thành lập: “Vì cái mục đích phước thiện ấy, nên đức Nam Phương hoàng hậu đã chuẩn y lời thỉnh cầu của ông chánh hội trưởng hội ấy, mà nhận chức danh dự hội chủ và ngài lại ân ban cho hội ấy một số bạc hai trăm năm mươi đồng nữa” (Báo Tràng An, ngày 22/11/1938). Bên cạnh đó, bà cũng đã đến thăm cơ sở từ thiện ở Kim Long, Mang Cá (Huế), nhà Bảo Sanh, Viện Dục Anh ở Chợ Lớn, nhà dưỡng lão ở Thủ Đức (Sài Gòn)… “Ngày 20 tháng Chạp ta (18/1/1939) đức Nam Phương hoàng hậu đã ngự viếng các nơi phát cháo mai cho người nghèo đói mà Hội Lạc Thiện chủ trương đã tổ chức” (Báo Tràng An, ngày 24/2/1939); khi đến thăm bệnh viện chữa lao P.Pasquier: “Ngài tỏ lời khen ngợi cách tổ chức chu đáo trong bệnh viện và ân cấp cho bệnh viện hai trăm đồng” (Báo Tràng An, ngày 1/12/1939)…

Các tài liệu báo chí này, đã góp phần giúp chúng ta lý giải vì sao sau năm 1945, khi nước nhà giành được độc lập, hoàng hậu Nam Phương đã có những tuyên bố, hành động ủng hộ, phù hợp với chủ trương kháng chiến và kiến quốc của Chính phủ. Không chỉ trong thời điểm ấy, kể cả sau này khi theo cựu hoàng Bảo Đại sống ở nước ngoài, tấm lòng, việc làm của bà cũng hướng về cố quốc. 

Lê Minh Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI