Mỗi người phải tự tạo sức đề kháng cho mình

04/12/2024 - 06:20

PNO - Việc ngành y tế làm tốt công tác truyền thông sẽ góp phần giúp người dân tự tạo được sức đề kháng mạnh mẽ với nạn mạo danh, với tin xấu, tin giả, tin vô căn cứ, phản khoa học.

Thạc sĩ Đỗ Thị Nam Phương - Trưởng Trung tâm Truyền thông Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCMchia sẻ tại Hội nghị Công tác Truyền thông Y tế năm 2024 do Bộ Y tế tổ chức - Ảnh: UMC
Thạc sĩ Đỗ Thị Nam Phương - Trưởng Trung tâm Truyền thông Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - chia sẻ tại Hội nghị Công tác Truyền thông Y tế năm 2024 do Bộ Y tế tổ chức - Ảnh: UMC

Y tế là một lĩnh vực đặc thù. Việc truyền thông tốt sẽ giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và thói quen để từ đó nâng cao sức khỏe bản thân. Truyền thông tốt góp phần củng cố niềm tin vào hệ thống cơ sở y tế cũng như rút ngắn khoảng cách giữa bác sĩ và bệnh nhân.

Thời đại công nghệ số mở ra nhiều cơ hội để các cơ sở y tế, các bác sĩ làm công tác truyền thông. Nếu các bệnh viện, bác sĩ vẫn truyền thông theo cách cũ là phát tờ rơi, treo băng rôn thì sẽ không thể nào thu hút sự chú ý của người dân bằng các video đăng trên mạng xã hội Facebook, TikTok, YouTube…

Tuy nhiên, lĩnh vực y tế liên quan trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, tính mạng con người nên bác sĩ cũng ngại nói, chỉ muốn tập trung làm chuyên môn. Mà như vậy, họ sẽ bỏ ngỏ công tác truyền thông. Bệnh viện, bác sĩ cần xác định, truyền thông về y tế là trách nhiệm của mình, vì sức khỏe cộng đồng chứ không phải truyền thông nhằm quảng bá tên tuổi, thương hiệu cho cá nhân hay cơ sở y tế.

Cũng như mọi lĩnh vực khác, truyền thông y tế cũng cần những hình thức sinh động, đáp ứng thị hiếu giải trí của người xem chứ không đơn giản là nói kiến thức y khoa như trong sách vở. Các bác sĩ làm công tác truyền thông cũng cần có khả năng hoạt ngôn, khiếu hài hước, tỏa ra năng lượng tích cực thì mới thu hút người xem, giúp người dân tiếp thu nhanh, nhớ lâu và chủ động làm theo.

Một ví dụ điển hình là khi xảy ra đại dịch COVID-19, clip quay cảnh nhân viên y tế nhảy múa, lồng ghép thông điệp mang khẩu trang, rửa tay… đã rất thu hút người xem, còn các bài viết cảnh báo, nhắc nhở khô khan thì không mấy ai chú ý.

Hiện tại, đã có một số bác sĩ nổi tiếng trên mạng nhờ các clip hướng dẫn chăm sóc trẻ sơ sinh, chăm sóc da, tập luyện cơ xương khớp… hay các clip hoạt hình sinh động, hài hước, dễ hiểu để truyền thông về sức khỏe, tình dục an toàn, khiến nhiều người có thói quen chờ đợi xem những nội dung tiếp theo.

Khi làm công tác truyền thông, mỗi nhân viên y tế trở thành người lan tỏa những kết quả tích cực của ngành y tế đến cộng đồng, từ đó tạo sự tin tưởng của người dân đối với các cơ sở y tế nói riêng, ngành y tế nói chung. Do đó, lãnh đạo các cơ sở y tế nên xem trọng công tác truyền thông, cởi mở hơn, sáng tạo hơn trong việc thể hiện nội dung truyền thông, đầu tư thiết bị, khuyến khích đội ngũ bác sĩ làm truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội.

Dĩ nhiên, để làm truyền thông tốt, các đơn vị và cá nhân trong ngành y cũng cần tìm hiểu, nắm vững bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, các quy định pháp luật để phòng tránh vi phạm.

Việc ngành y tế làm tốt công tác truyền thông sẽ góp phần giúp người dân tự tạo được sức đề kháng mạnh mẽ với nạn mạo danh, với tin xấu, tin giả, tin vô căn cứ, phản khoa học. Nhưng không đợi ngành y “ra tay”, mỗi người dân cũng nên tự học, tự trang bị kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe để tự nhận diện được đâu là bác sĩ thật, đâu là bác sĩ dỏm, điều gì nên tin và không nên tin.

An Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI