Mỗi người phải chủ động bảo vệ thông tin cá nhân

08/09/2022 - 06:17

PNO - Nhiều người chưa ý thức được việc cần bảo vệ thông tin riêng của mình.

 

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM về tình trạng làm lộ, mua bán thông tin cá nhân, ông Nguyễn Đức Thọ - Chánh thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM - cho rằng, có tình trạng này là do quy luật kinh doanh “có cung có cầu” và cũng do nhiều người chưa ý thức được việc cần bảo vệ thông tin riêng của mình.

Theo ông Nguyễn Đức Thọ, hiện có rất nhiều thủ đoạn, mánh khóe để thu thập dữ liệu cá nhân. Người dân thường rất vô tư cung cấp thông tin qua những cuộc thăm dò, qua quy trình làm thẻ ngân hàng, thẻ thành viên các dịch vụ, phiếu mua hàng, chương trình khuyến mãi, tải ứng dụng… mà không biết rằng, đây cũng là một kiểu để lộ thông tin cá nhân.

Cũng theo ông Thọ, nhu cầu sử dụng thông tin cá nhân là có thật. Các dữ liệu quan trọng như số điện thoại, tên tuổi, địa chỉ, email, nghề nghiệp hay sâu hơn là các mối quan hệ, loại bệnh tật, nhóm máu… sẽ được các đối tượng mua bán thông tin tập hợp, sàng lọc thành những dữ liệu để cung cấp cho đơn vị nào cần. Bên mua sẽ dùng những thông tin này để gọi điện thoại lừa đảo, bán sản phẩm thông dụng hoặc mời mua chứng khoán, mua xe, mua mỹ phẩm, tập thể hình, làm đẹp…

Ông Nguyễn Đức Thọ cho hay, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM tiếp nhận rất ít phản ánh của người dân về việc bị làm lộ, bị bán thông tin: “Nhiều người chấp nhận việc bị lộ thông tin cá nhân. Phần lớn các phản ánh mà chúng tôi tiếp nhận là về tin nhắn rác, nội dung quảng cáo vào giờ nghỉ hoặc bị gọi nhiều lần. Về xử lý, sở phải phối hợp với công an và các đơn vị cung cấp thông tin. Sở cũng phối hợp xử lý rất nhiều vụ vi phạm trên mạng internet.

Gần đây nhất là vụ sử dụng hình ảnh căn cước công dân, chứng minh nhân dân để rao bán làm cơ sở dữ liệu. Một số đối tượng mua bán thông tin không ở TPHCM nên cũng khó xử lý”.

Theo ông, các điểm chuyên kinh doanh số thuê bao có thể phát tán thông tin của khách hàng ra ngoài. Nếu phát hiện thông tin của mình bị lộ, bị bán, người dân nên báo cho Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM để sở yêu cầu nhà mạng, các bên cung cấp dịch vụ rà soát, chấn chỉnh. Đối với những vụ việc, hành vi mang tính chất lừa đảo, diễn ra thường xuyên, người dân nên báo công an địa phương để được hỗ trợ. Người dân cũng có thể gọi vào đường dây nóng 1022 để phản ánh, nêu thắc mắc, kiến nghị. 

“Khi có tin báo, có chứng cứ, chúng tôi sẽ xác minh xem đơn vị, tổ chức hoặc cá nhân nào tham gia đường dây lấy cắp, mua bán, cung cấp thông tin. Nếu xác lập được hành vi, thanh tra sở sẽ xử phạt vi phạm hành chính. Nếu mức độ hành vi là nghiêm trọng, gây ảnh hưởng rộng và có tổ chức, sở sẽ chuyển cơ quan điều tra xem xét trách nhiệm hình sự” - ông Nguyễn Đức Thọ nói. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI