Mỗi người một chỗ ngồi... cô đơn

02/05/2018 - 12:09

PNO - Hơn 10 năm kể từ tập truyện 'Những con đường không đến Seattle', nhà văn Phan Triều Hải mới lại có tác phẩm mới. 'Mỗi người một chỗ ngồi' (nhà xuất bản Trẻ) là tác phẩm đầy sự chiêm nghiệm, nuối tiếc...

Sự ngột ngạt, đơn độc bắt đầu ngay từ truyện ngắn Bia lạnh. Tập truyện chủ yếu khai thác các nhân vật ở ngôi thứ ba, trội nhất vẫn là tuyến nhân vật nam kết nối xuyên suốt bằng sự trải đời, suy niệm, hoài cổ… Tất cả được kể bằng giọng văn chậm rãi và lặng lẽ như chính cách nhìn của tác giả về thế giới xung quanh.

Có hơn một cuộc chia ly, đổ vỡ được Phan Triều Hải chuyển tải trong tác phẩm. Chính vì vậy, Mỗi người một chỗ ngồi như bao trùm cả một không gian cô đơn, nửa phiêu dạt nửa yên ổn, vừa chấp nhận vừa chịu đựng. “Cuộc đời mấy khi như ý và điều chúng ta cần làm đơn giản là tận hưởng nó” là thông điệp tác giả muốn chuyển đến người đọc, qua từng mẩu chuyện.

Mõi nguòi mọt chõ ngòi... co don

Từ Quán bò rừng (giải ba, cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20, lần I, năm 1995) đến Mỗi người một chỗ ngồi là một bước chuyển dài của đời người và trang viết. Dẫu vậy, vẫn là một Phan Triều Hải với giọng văn sắc sảo, tinh tế, đanh gọn. Chỉ khác là cách anh kể chuyện chậm rãi và già dặn hơn, nhiều chiêm nghiệm hơn và cũng cô đơn hơn.

Độc giả muốn tìm kiếm những câu chuyện đầy kịch tích, hay “hiện thực khốc liệt” sẽ không thể tìm thấy trong Mỗi người một chỗ ngồi. Ở đó chỉ có những chi tiết rất đời thường trong những hoạt động, sinh hoạt của đời sống. Nhưng câu chuyện nào cũng có sức dẫn dụ kỳ lạ.

Bia lạnh là nỗi đơn độc, chơi vơi của người chồng trước những lựa chọn của một người vợ hiện đại, lúc nào cũng nung nấu ý nghĩ được đi đến một đất nước khác. Mèo trong gió mùa Đông Bắc là nỗi cô đơn khác của người đàn ông đánh mất người yêu chỉ vì “yêu, nhưng chỉ muốn sống một mình”. Cái tên biến mất, Rồi đâu sẽ vào đó, Mỗi người một chỗ ngồi là những day dứt khởi từ bao tủn mủn trong cuộc sống gia đình, đến những mối liên hệ. Mọi thứ đều xáo trộn, rối bời như chính sự chuyển động của cuộc sống luôn đổi thay, không ngừng nghỉ.

Truyện hay nhất, mà cũng ám ảnh nhất, có lẽ là Tạp chí Địa lý. Câu chuyện kết nối quá khứ - hiện tại, sự sống - cái chết, hồi ức mất mát và những gì đẹp đẽ còn lại... Điều không hay trong tập truyện mới của Phan Triều Hải có lẽ là sự trùng lặp của những cái tên.

Anh đã để cho những Vy, Pha, Huy… trở đi trở lại trong các câu chuyện khác nhau; khiến cho bức bối của nhân vật cũng không thể vượt thoát khỏi không gian ngột ngạt của suy ngẫm, thành ra luẩn quẩn. Tiếc nuối nhất là tập truyện chỉ vỏn vẹn có sáu truyện ngắn - quá ít cho một cuộc trở lại sau hơn 10 năm và trong mong đợi của những độc giả đã từng yêu mến anh. 

Diệp Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI