Mới ngày nào chen nhau coi hát

08/09/2022 - 10:22

PNO - Cầu dao đóng, đồng loạt cả sân bãi sẽ bừng sáng trong ánh sáng vàng của những chiếc bóng tròn dây tóc. Trong thế giới đêm đêm còn leo lét đèn dầu thì những cái bóng điện cổ lỗ sĩ kia vẫn cứ là… siêu phẩm.

Vào quãng những năm cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, ở các vùng quê đa phần chưa có điện. Đêm xuống, mọi sinh hoạt nông thôn hầu như chỉ diễn ra dưới ánh đèn dầu leo lét. Phương tiện thông tin/giải trí cả xóm chỉ hiếm hoi vài chiếc radio chạy pin, vài cái ti vi đen trắng xài bình ắc quy sót lại từ trước năm 1975 của những gia đình có tiền. 

Sinh hoạt vui chơi giải trí sau một ngày vất vả của đại bộ phận dân nghèo chỉ còn trò ra sân hóng mát, nói chuyện tầm phào cho tới lúc dịu trời rồi… đi ngủ! 

Người già quen nếp cũ từ xưa còn chịu được chứ với đám trẻ hiếu động chúng tôi thì làm gì chơi gì cũng không quên ngong ngóng ra cái sân bãi “trung tâm giải trí” đầu xóm; hôm nào nghe có tiếng loa điện rột rẹt rồi “một hai ba a lố a lồ…” là mừng húm, bởi chắc mẩm mười mươi thể nào tối nay cũng có đội chiếu phim hay gánh hát về xóm. Đứa này chạy chuyền tai đứa kia; chớp mắt cả lũ đều hay. Học hành, làm lụng chi mắt cũng cứ lom lom mong… ông mặt trời lặn. 

Lũ trẻ ngày ấy rất háo hức với sự kỳ diệu của chiếu bóng
Lũ trẻ ngày ấy rất háo hức với sự kỳ diệu của chiếu bóng

 

Nhiều nhất là được coi hát. Thời bao cấp, gánh hát lập nhiều. Chắc để đáp ứng cho cái nhu cầu “đói” văn hóa giải trí nơi các miền quê. Đại đa số hát cải lương - loại hình ăn khách nhất trong các bộ môn nghệ thuật truyền thống. Gánh hát to, gánh hát nhỏ, gánh hát nhỡ (vừa) từ Trung ương đến địa phương đua nhau “tác nghiệp”. Mà không; gọi “gánh” là xài… từ cổ chớ lúc ấy người ta kêu “đoàn”: đoàn tuồng, đoàn cải lương, đoàn ca múa kịch…

Mỗi đoàn - ngoài trang bị thiết thân như phông màn, đạo cụ, áo quần, dàn ánh sáng âm thanh, máy phát điện… - còn phải sắm (hay thuê) thêm chiếc ô tô khách loại ba, bốn chục chỗ để chở người và đồ đạc. Họ cứ rong ruổi hết tỉnh này qua tỉnh khác, hết làng này sang xóm khác, đâu hợp đồng được với chính quyền địa phương đoàn sẽ dừng, quây sân bãi, dựng sân khấu, cho xe chạy vòng vòng quanh các xóm thôn lân cận loa loa thông tin tối nay mở hát, mời bà con tới xem.

Và khi ánh mặt trời vừa tắt, nơi khu sân bãi ban ngày vừa được quây kín bởi những tấm tôn dựng đứng nẹp cây cột lạt bắt đầu có tiếng máy (phát điện) nổ xình xịch. Cầu dao đóng, đồng loạt cả sân bãi sẽ bừng sáng trong ánh sáng vàng của những chiếc bóng tròn dây tóc; công nghệ có từ thời… nhà bác học Edison mới phát minh ra đèn điện. Vậy nhưng, trong thế giới đêm đêm còn leo lét đèn dầu thì những cái bóng điện cổ lỗ sĩ kia vẫn cứ là… siêu phẩm.

Sân khấu biểu diễn dưới ghép thùng phuy trên lát ván, coi cũng không tệ. Dàn âm thanh công suất chừng ngang một dàn loa “kẹo kéo” hạng trung bây giờ. Thời đó âm thanh vậy đã “khủng”, đi xa nửa cây số còn nghe. 

Một thời xem chiếu bóng không thể nào quên
Một thời xem phim ngoài sân bãi không thể nào quên

 

Người dân quê thưởng thức nghệ thuật phần nhiều bằng tư thế… đứng. Chỉ bà già, trẻ nhỏ đi sớm mang theo đòn hoặc ghế, “xí” chỗ thuận tiện phía trước mới có thể ngồi xem. Đêm hè oi bức; thêm sân bãi ngùn ngụt bụi, sặc sụa hơi người, mồ hôi chảy ướt sống lưng. Kệ, cả đám đông vẫn lặng yên nghe như nuốt lấy từng lời ca tiếng hát, chong mắt theo từng điệu bộ diễn xuất, khóc cười cùng nội dung từng trường đoạn éo le, gay cấn của các tuồng đời kim cổ trên sân khấu.

Thường tuồng ngắn diễn một đêm. Tuồng dài có khi kéo tới vài ba đêm. Coi xong đêm đầu đương nhiên phải ráng “theo” các đêm sau đặng biết kết cuộc ra sao chứ đâu thể dừng ngang hông? Vậy nên đoàn nào cũng khoái diễn tuồng dài để giữ chân khách. 

Ồn ào, háo hức nhất là khi nghe các đoàn lớn hợp đồng được diễn viên nổi tiếng về cho đêm diễn. Quảng cáo “chạy” vài ba ngày trước trên băng rôn, loa điện. Tới hẹn thể nào sân bãi cũng chen nhau chật cứng cho dù giá vé tăng cao.
Sau này, khi nông thôn bắt đầu điện khí hóa, đời sống đi lên, ti vi đài điện phổ biến, các đoàn hát mất dần “đất dụng võ”.

Và đến khi mạng internet, vi tính, điện thoại thông minh chính thức cập nhật đến cộng đồng thì chuyện “ra sân bãi coi hát” chỉ còn như thứ ký ức mù xa của một lớp người tuổi bắt đầu bóng xế. Nhanh quá, mới ngày nào… 

Y Nguyên

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI