edf40wrjww2tblPage:Content
Đau cột sống là… mổ!
Vừa thoát khỏi một ca mổ bị chỉ định sai, ông N.V.B. (72 tuổi, ngụ Vĩnh Long) kể: “Tôi bị đau thắt lưng do thoát vị đĩa đệm đã hai năm nay, đi đứng không nổi, đến khám tại một bệnh viện (BV) tư ở Q.10 thì bác sĩ (BS) nói cần phải mổ để đặt sáu con ốc và bốn cái nêm vào đốt sống thắt lưng với giá 70 triệu đồng, chưa kể chi phí phẫu thuật. Nhưng, khi tôi khám lại tại BV Chấn thương-chỉnh hình (CT-CH) thì BS nói tôi chỉ cần phẫu thuật lấy nhân đĩa đệm bị thoát ra ngoài là được, tốn khoảng 10 triệu đồng thôi”.
Thiếu BS, giường bệnh, BN mổ cột sống đau đớn nằm chờ đợi ngoài hành lang BV CT-CH |
Ông L.H.H. (59 tuổi, ngụ H.Củ Chi) cho biết, ông bị thoái hóa khớp đã 5 năm nay, khi cử động hay di chuyển đều bị đau ở thắt lưng, tê chân. BS một BV tư cho biết, ông bị thoái hóa cột sống gây nên hiện tượng mất vững. Để làm cột sống vững trở lại, ông H. phải phẫu thuật hàn xương giữa các đốt sống mất vững. Ông H. đi khám lại một lần nữa tại BV CT-CH thì được biết chỉ cần dùng thuốc, phối hợp với các phương pháp vật lý trị liệu trong sáu tháng là được.
Bà N.T.T.L. (65 tuổi, ngụ Đồng Tháp) bị đau thắt lưng hơn ba năm nay nhưng bà… xui xẻo hơn ông B. và ông H. vì “tiền mất tật mang”. Sau hơn hai năm “vái tứ phương”, bà L. đến khám tại một BV ở Q.5. Tại đây các BS chỉ định mổ hàn xương đặt dụng cụ thắt lưng với giá 90 triệu. Nhưng, sau khi phẫu thuật được một năm, vùng thắt lưng của bà L. bị đau trở lại. Bà L. đến BV CT-CH khám kỹ lại thì các BS cho biết bà bị bệnh bướu chèn ép tủy trên ngực gây đau thắt lưng, buộc phải mổ lại.
Theo GS-BS Võ Văn Thành - chuyên viên tham vấn Ban giám đốc BV CT-CH TP.HCM, không phải bệnh cột sống nào cũng cần mổ. Chỉ khoảng 70% các ca chấn thương cột sống phải phẫu thuật, là những ca nặng, liệt tứ chi, tỷ lệ nguy hiểm tính mạng cao. Khoảng 30% bệnh lý chấn thương ngực - thắt lưng cần mổ khi bệnh nhân (BN) bị liệt hạ chi; hoặc các bệnh lý chỉnh hình cần mổ như dị tật cột sống vẹo hay còng.
Đối với các bệnh lý thoát vị đĩa đệm, mất vững cột sống, thoái hóa cột sống lưng hay cổ… hơn 80% có thể điều trị bảo tồn bằng cách phòng tránh từ tư thế hoạt động, sinh hoạt đúng, phục hồi chức năng, thuốc sử dụng hợp lý… Và chỉ mổ khi có chứng cứ lâm sàng rõ ràng, hình ảnh học hiển nhiên và bệnh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Cả nước chỉ có 42 bác sĩ chuyên khoa chính danh
Có nhiều nguyên nhân gây chấn thương cột sống như: dị tật bẩm sinh, bị vẹo vòng cột sống vô căn hoặc bệnh lý, đau thắt lưng, đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm, bệnh thoái hóa cột sống, loãng xương… Trong đó, biến chứng nặng nề nhất là liệt tứ chi, liệt hai chân.
Tuy nhiên, BS chuyên ngành cột sống để đáp ứng cho lượng BN này không đủ. Theo một báo cáo chuyên ngành thì BS chuyên khoa cột sống chính danh hiện nay chỉ có 42 BS trong bốn khoa phẫu thuật cột sống của bốn BV công trên cả nước. Trong đó, chỉ có 20 BS ở hai khoa Cột sống A và B của BV CT-CH TP.HCM.
Tại hai khoa Cột sống A và B của BV CT-CH, mỗi năm có khoảng 36.000 BN bị chấn thương cột sống đến khám và hơn 1.000 ca mổ. Đó là chưa tính số ca mổ theo yêu cầu của BN mắc bệnh cột sống nằm ở khoa Khớp. BS ít, BV quá tải, nhiều BN chọn khám và điều trị ở phòng khám tư nhân.
Ở đó, nếu BS không được đào tạo chuyên nghiệp sẽ không khám kỹ, lệ thuộc vào hình ảnh học (MRI) để đánh giá bệnh và chỉ định mổ tùy tiện. Từ đó dẫn đến nhiều biến chứng không đáng có như mổ nhầm vị trí, nhầm bệnh, BN phải tốn tiền mổ lại. GS-BS Võ Văn Thành cho biết, cứ 10 BN đến khám tại BV đều cho biết mình bị thoát vị đĩa đệm do lời đọc MRI từ BS nơi khác, nhưng khi khám kỹ lại thì không thấy triệu chứng gì liên quan. Trong 10 BN đã phẫu thuật từ nơi khác đến khám có hai - ba BN phải phẫu thuật lại do phẫu thuật nhầm vị trí.
50% bệnh có thể điều trị ở tuyến dưới
Vì thiếu BS cột sống và BS chỉ tập trung chủ yếu ở tuyến trên nên có nhiều BN mắc các bệnh về cột sống có thể điều trị tuyến dưới nhưng phải nằm cáng vận chuyển hàng trăm cây số từ miền Nam, miền Trung vào TP.HCM. Thực tế, tại BV CT-CH, hơn 50% ca chuyển đến từ các tỉnh thành khác không cần mổ.
ThS-BS Tăng Hà Nam Anh - Trưởng khoa CT-CH, BV Nguyễn Tri Phương cho biết, có 50% trường hợp BN cột sống được gửi đến khoa lẽ ra có thể điều trị nội khoa tại tuyến dưới. Nếu có đủ BS, BN không cần mổ thì không phải chuyển lên, những BN cần mổ thì cũng được thực hiện tại địa phương, tránh quá tải.
Mỗi tuần, các BS tại hai khoa Cột sống A và B tại BV CT-CH phải mổ từ 20-30 ca, hầu hết là những ca khó, nhưng vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu của BN, nhiều BN phải nằm chờ ngoài hành lang.
Trong khi đó, cơ sở vật chất tại BV còn nhiều khó khăn. Một phòng nhỏ hơn 10m2 nhưng chứa tới sáu BN và tối thiểu sáu người nhà; khoa thiếu nệm dày đạt chuẩn chống loét; hệ thống oxy và hút đàm không được thiết kế sẵn ở phòng bệnh; khoa hồi sức tích cực dành cho những phẫu thuật lớn như vẹo còng cột sống chỉ có sáu giường.
Các hệ thống nội soi dành cho cột sống, đèn xem phim trong khi mổ, đèn mang trên đầu dành chiếu sáng, màng huỳnh quang chụp hình trong mổ… có tuổi đời hơn gấp đôi BS mới ra trường! Còn tại các BV Nhân dân 115, Chợ Rẫy, Trưng Vương, Nhân dân Gia Định… do không có khoa cột sống nên BN mổ cột sống được thực hiện tại khoa Ngoại thần kinh.
Một trong những nguyên nhân khiến BS cột sống quá ít là không có bộ môn cột sống trong các trường ĐH y khoa tại Việt Nam. BS không được đào tạo chính danh mà phải qua một quy trình đào tạo vòng vo từ bộ môn CT-CH và ngoại thần kinh. Cụ thể, sau khi đã là BS CT-CH, phải làm một thời gian rồi học chuyên khoa 1 trong hai năm. Tốt nghiệp đi làm một thời gian nữa mới được học chuyên khoa 2 hoặc tiến sĩ trong hai năm nữa. Có những BS trên 50 tuổi mới lấy được chuyên khoa 2 và có thể đứng ra mổ cột sống. Chưa kể, phẫu thuật cột sống là phẫu thuật rất khó khăn, phức tạp.
GS-BS Võ Văn Thành chia sẻ, vấn đề đào tạo huấn luyện bài bản chính danh là vấn đề lớn hiện nay. Sự hình thành một bộ môn chuyên khoa cột sống là điều cấp bách, rất cần thiết trong các đại học y khoa trong nước. Cạnh đó, các BS cần được đào tạo nhiều mặt, đặc biệt là kỹ năng phẫu thuật ngoại thần kinh và chỉnh hình.
Sự thiếu sót trong vấn đề đào tạo bài bản là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến thiếu sót trong chẩn đoán, chỉ định điều trị phẫu thuật không chuẩn, chỉ định mổ quá trớn, lạm dụng đặt dụng cụ, thao tác kỹ thuật thiếu đào tạo thực hành… Nếu có biến chứng, tai biến nguy hiểm, BN là người lãnh đủ.
HOA LÀI