Mặc dù Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) đã có văn bản nêu rõ, giấy xác nhận thay đổi số chứng minh nhân dân (CMND) do công an cấp có giá trị tương đương với CMND cũ, giấy CMND cũ (9 số), CMND mới (12 số) và thẻ căn cước công dân (CCCD) có giá trị pháp lý như nhau, nhưng hiện nay, một số cơ quan, ban, ngành tại TP.HCM lại không chấp nhận giấy xác nhận thay đổi số CMND khiến người dân phải mất tiền bạc, tốn thời gian, công sức làm thẻ CCCD mới.
|
Người dân chấp hành đổi chứng minh nhân dân thành căn cước công dân theo quy định nhưng vẫn bị một số cơ quan nhà nước làm khó. |
Mất oan 200 triệu đồng
Mới đây, bà Chu Ngọc Liên (ngụ tại H.Hóc Môn, TP.HCM) mất trắng 200 triệu đồng bồi thường tiền cọc bán nhà chỉ vì thời gian chờ cập nhật CCCD quá lâu. Cụ thể, từ trước đến nay, giấy tờ nhà của bà Liên đều mang thông tin CMND cũ gồm 9 số. Năm 2017, CMND cũ hết hạn, bà Liên đi làm thẻ CCCD.
Lúc này, bà được cấp tờ giấy xác nhận thay đổi CMND thành CCCD, được thực hiện trong mọi giao dịch dân sự. Nhưng mới đây, khi rao bán căn nhà tại H.Hóc Môn với giá 2 tỷ đồng, bà Liên được bên mua là một Việt kiều đặt cọc 200 triệu đồng, hẹn 10 ngày sau sẽ đi công chứng, sang tên.
Sau khi công chứng xong, bà Liên quay về chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai H.Hóc Môn (thuộc Văn phòng Đăng ký đất đai của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) để thực hiện giao dịch thì chi nhánh này không chấp nhận giấy xác nhận thay đổi CMND thành CCCD mà công an đã cấp và đề nghị bà Liên phải cập nhật thông tin CCCD vào giấy tờ mới cho giao dịch, thời gian cập nhật là 14 ngày.
“14 ngày làm việc tính ra là hơn 20 ngày bình thường. Việt kiều về nước có thời hạn, nên tôi phải trả tiền cọc và bồi thường 200 triệu đồng vì suýt làm lỡ chuyến bay của người ta, trong khi nhà cũng không bán được. Thật là oan ức” - bà Liên bức xúc.
Nhiều người vay vốn ngân hàng cũng phải chịu lãi suất cao, vướng nợ xấu chỉ vì yêu cầu cập nhật CCCD và thời gian cập nhật quá dài. Anh Võ Đình Thiên (ngụ tại Q.12) cho biết, anh từng thế chấp căn nhà và vay ngân hàng 10 tỷ đồng để làm ăn.
Tháng 8/2018, anh Thiên đến hẹn đáo hạn ngân hàng và có nhu cầu vay thêm 2 tỷ đồng để mở rộng kinh doanh. Ngân hàng đề nghị anh vay tiền bên ngoài chuyển vào ngân hàng, sẽ cho anh đáo hạn, đồng thời tiếp tục cho anh vay thêm 2 tỷ đồng nữa.
Thông qua một dịch vụ bên ngoài, anh Thiên vay 10 tỷ đồng nhưng phải mất phí dịch vụ 3%/khoản vay, lãi suất 0,5%/ngày. Do anh Thiên phải công chứng để thế chấp căn nhà lần nữa mới được ngân hàng cho vay tiếp 2 tỷ đồng (thời gian công chứng thường từ 3 - 5 ngày), anh Thiên chấp nhận khoản vay 10 tỷ đồng với lãi suất 0,5%/ngày trong vòng 5 ngày.
Về việc ghi kèm số CMND cũ lên thẻ CCCD, Bộ Công an cũng đã nghiên cứu nhưng không thực hiện được vì không được Quốc hội thông qua và phải căn cứ theo Luật CCCD.
Xét về thực tế, CMND bị cắt góc còn có giá trị hơn cả CCCD vì thẻ CCCD có thể đổi lại, nhưng CMND cắt góc thì không thể cấp lại.
Do vậy, để tránh rủi ro trong các giao dịch, đặc biệt là giao dịch ngân hàng, mỗi công dân Việt Nam đừng quên lưu lại giấy CMND bị cắt góc và bảo đảm an toàn cho loại giấy tờ tùy thân này.
Luật sư Nguyễn Hà Phong
|
Tuy nhiên, trong quá trình công chứng, chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Q.Gò Vấp không chấp nhận giấy xác nhận CMND và buộc anh Thiên phải cập nhật CCCD. “Phía dịch vụ đáo hạn tăng lãi suất lên thành 1%/ngày. Cứ mỗi ngày, tôi mất 10 triệu đồng oan uổng. Tôi không hiểu cơ quan chức năng làm việc kiểu gì mà phía công an nói thế này, phía tài nguyên môi trường lại nói thế khác” - anh Thiên ngao ngán.
Dân bị hành, không cơ quan nào can thiệp
Luật sư Nguyễn Hà Phong (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, rất nhiều người dân lâm vào cảnh tương tự do họ không biết gì đến việc phải cập nhật CCCD. Họ không cập nhật vì đinh ninh rằng, giấy xác nhận số CMND được mọi cơ quan, ban, ngành công nhận, trong khi các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện lại không chấp nhận.
Rõ ràng, sự thiếu đồng bộ của các ngành đã gây trở ngại, ách tắc, làm mất thời gian, công sức, tiền bạc của người dân.
Dân chịu phiền toái, tốn kém, nhưng hiện không có cơ quan nào đứng ra tuyên truyền, giải thích về việc người dân phải cập nhật CCCD vào những giấy tờ đã sử dụng CMND cũ trước đó.
Với kiểu bất nhất này, không rõ với những giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang số CMND cũ và 50 năm nữa mới phát sinh giao dịch mua bán, người dân sẽ còn “trần ai” tới mức nào.
Cũng do không được giải thích rõ ràng nên hiện nay, có trường hợp một người vừa sử dụng CMND, vừa sử dụng CCCD để mở nhiều tài khoản tại một ngân hàng.
Nghĩa là, nếu nhân viên ngân hàng không biết CMND cũ và CCCD mới là của cùng một người thì người đó vẫn lập được tài khoản khác để giao dịch; hoặc đã có CCCD mới nhưng vẫn sử dụng CMND cũ để điền thông tin trên các hợp đồng. Điều này phát sinh nhiều hệ lụy về sau cho chính khách hàng, bởi pháp luật nghiêm cấm công dân sử dụng cùng lúc hai hoặc nhiều CMND.
“Bộ Công an đã ban hành quy định thống nhất việc cấp giấy xác nhận số CMND kèm với CCCD để người dân trưng ra đối chiếu. Khi người dân đã xuất trình đủ các giấy tờ mà đơn vị, tổ chức nào không chấp nhận, gây khó khăn, kéo dài thời gian là làm trái quy định pháp luật. Nhưng tại sao các chi nhánh thuộc sự quản lý của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM hành dân mà không cơ quan nào đứng ra can thiệp?” - luật sư Nguyễn Hà Phong đặt vấn đề.
Người dân lúng túng vì chưa được tuyên truyền
Sau khi đổi giấy CMND sang thẻ CCCD, khi giao dịch với ngân hàng, khách hàng phải xuất trình CMND cắt góc hoặc giấy xác nhận đã đổi CMND thành CCCD. Có nhiều trường hợp, người dân phải chạy ngược chạy xuôi để bổ sung thông tin, giấy tờ vì họ không hề được các cơ quan chức năng giải thích rõ.
Mới đây, chị N.P.T. (ngụ tại Q.Tân Bình, TP.HCM) đến ngân hàng Vietcombank để rút 100 triệu đồng nhưng nhân viên ngân hàng không cho rút vì cho rằng, chủ thẻ CCCD này có thể không phải là chủ giấy CMND cũ dùng để mở tài khoản. Chị T. đồng ý không rút tiền nữa và yêu cầu nhân viên ngân hàng cho mở một tài khoản mới để chuyển tiền qua bằng thẻ ATM, nhưng chị T. vẫn không được đồng ý với lý do: nếu chủ thẻ CCCD và giấy CMND cũ là cùng một người thì không được mở hai thẻ.
Theo luật sư Nguyễn Hà Phong, do chị T. không có giấy xác nhận đã đổi giấy CMND thành thẻ CCCD nên nhân viên ngân hàng không cho chị T. rút tiền là đúng. Nhưng rõ ràng, chính nhân viên ngân hàng cũng “gà mờ”, không hiểu rõ để giải thích cho khách hàng hiểu rằng, cần phải có giấy xác nhận số CMND.
Do chị T. đã mở tài khoản từ CMND cũ, nên theo quy định, không thể dùng CCCD để mở thêm tài khoản mới. Muốn mở một tài khoản mới bằng thẻ CCCD, khách hàng phải đề nghị khóa tài khoản đã được mở bằng giấy CMND cũ.
|
Thanh Hoa