Mỗi ngày có hơn 20.000 trẻ bỏ nhà cửa và trường học

06/10/2023 - 09:40

PNO - Theo UNICEF ​​và IDMC, số người thiệt hại có thể trở nên tồi tệ hơn khi lũ lụt, bão, hạn hán và cháy rừng gia tăng do khủng hoảng khí hậu.

 

Trẻ em tại một trại dành cho người dân phải sơ tán do Lốc xoáy Biparjoy ở Badin, quận phía nam Pakistan thuộc tỉnh Sindh vào tháng 6. Ảnh: Fareed Khan/AP
Trẻ em tại một trại dành cho người dân phải sơ tán do Lốc xoáy ở Pakistan hồi tháng 6. 

Nghiên cứu mới cho thấy ít nhất 43 triệu trẻ em phải di dời có liên quan đến các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt trong 6 năm qua, tương đương với 20.000 trẻ em bị buộc phải rời bỏ nhà cửa và trường học mỗi ngày.

Theo phân tích đầu tiên của Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ​​và Trung tâm Giám sát Di dời Nội bộ (IDMC), lũ lụt và bão chiếm 95% số trẻ em phải di dời được ghi nhận từ năm 2016 đến năm 2021. Phần còn lại – hơn 2 triệu trẻ em – phải di dời do cháy rừng và hạn hán.

Phải rời bỏ nhà cửa và gia đình là một tổn thương và đáng sợ  với bất kể tuổi tác nào, nhưng hậu quả có thể đặc biệt gây rối loạn và tổn hại cho những đứa trẻ có thể bị bỏ lỡ cơ hội học tập, tiêm vắc xin cứu sống bản thân và mạng lưới xã hội.

Giám đốc điều hành UNICEF ​​Catherine Russell cho biết: “Thật đáng sợ đối với bất kỳ đứa trẻ nào khi một trận cháy rừng dữ dội, bão hoặc lũ lụt tràn vào cộng đồng của chúng. Đối với những người buộc phải chạy trốn, nỗi sợ hãi và tác động có thể đặc biệt tàn khốc, với nỗi lo lắng về việc liệu họ sẽ trở về nhà, tiếp tục đi học hay bị buộc phải chuyển đi lần nữa".

Trung Quốc, Philippines và Ấn Độ có tới 22,3 triệu trẻ em phải di dời - chiếm hơn 1/2. Theo các báo cáo, 3 quốc gia này có số lượng trẻ phải di dời là do dân số đông, địa lý của các quốc gia này dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt như mưa gió mùa và lốc xoáy.

Nhưng tỷ lệ trẻ em phải di dời lớn nhất là ở các quốc đảo nhỏ - nhiều quốc gia trong số đó đang phải đối mặt với các mối đe dọa hiện hữu do tình trạng khẩn cấp về khí hậu - và ở vùng Sừng châu Phi, nơi có xung đột, thời tiết khắc nghiệt, quản trị kém và khai thác tài nguyên chồng chéo.

Một con số đáng kinh ngạc là 76% trẻ em đã phải di dời tại hòn đảo nhỏ Dominica thuộc vùng Caribe, nơi bị tàn phá bởi cơn bão Maria vào năm 2017, cơn bão cấp 4 ở Đại Tây Dương đã làm hư hại 90% nhà ở trên đảo. Bão cũng khiến hơn 1/4 trẻ em phải di tản ở Cuba, Vanuatu, Saint Martin và Quần đảo Bắc Mariana.

Somalia và Nam Sudan ghi nhận nhiều trẻ em phải di dời nhất do lũ lụt, ảnh hưởng lần lượt 12% và 11% dân số trẻ em.

Verena Knaus, người đứng đầu UNICEF ​​​​về di cư và dịch chuyển toàn cầu cho biết: “Đây hoàn toàn là một ước tính thận trọng và có thể chỉ là phần nổi của tảng băng trôi về một số tác động của khí hậu. Khí hậu là nguyên nhân khiến trẻ em phải di dời tăng nhanh nhất nhưng hầu hết các chính sách và thảo luận về tài chính khí hậu đều không xem xét hoặc ưu tiên cho trẻ em".

Nhìn chung, trẻ em chiếm 1/3 trong số 135 triệu người di dời trên toàn cầu có liên quan đến hơn 8.000 thảm họa do đến thời tiết từ năm 2016 đến năm 2021 – và theo các chuyên gia con số có thể còn tồi tệ hơn nhiều.

Adeline Neau, nhà nghiên cứu của Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho biết: “Những số liệu này cực kỳ đáng lo ngại và chứng tỏ nhu cầu cấp thiết của các quốc gia trong việc nhận ra và lập kế hoạch cho mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và tình trạng di dời, nhằm giảm thiểu các tác động lâu dài về sức khỏe, giáo dục và các tác động phát triển khác đối với trẻ em phải di dời”. 

Trọng Trí (theo Guadian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI