Mỗi năm TPHCM tốn hơn 3.400 tỷ đồng xử lý rác, duy tu hệ thống thoát nước

13/07/2020 - 19:35

PNO - Chiều 13/7, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm 2020 và tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về “Giải pháp vận động người dân không xả rác và thực hiện phân loại rác tại nguồn” tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TPHCM và Cần Thơ).

Tại điểm cầu Hà Nội, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam - ông Trần Thanh Mẫn chủ trì hội nghị. Đại diện cho TPHCM có bà Tô Thị Bích Châu - Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM.

bà Tô Thị Bích Châu, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM phát biểu khai mạc hội nghị.
Bà Tô Thị Bích Châu - Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM phát biểu khai mạc hội nghị

Trong 6 tháng đầu năm 2020, Ủy ban MTTQ Việt Nam các thành phố và các tổ chức thành viên đã có nhiều giải pháp thực hiện đồng bộ trong công tác phòng chống dịch. Tính đến ngày 30/6 tổng số tiền ủng hộ COVID-19 của 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khoảng 500 tỷ đồng cùng hàng hóa và trang thiết bị y tế.

Trao đổi các giải pháp vận động người dân không xả rác và thực hiện phân loại rác tại nguồn, tại điểm cầu TPHCM, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cho biết: Theo thống kê, mỗi ngày thành phố thu gom và xử lý hơn 9.000 tấn rác. Mỗi năm TPHCM phải bỏ ra hơn 3.400 tỷ đồng cho công tác xử lý rác và duy tu hệ thống thoát nước. Trong đó, riêng kinh phí cho việc quét rác là gần 700 tỷ đồng và hơn 700 tỷ đồng để vớt rác trên sông, kênh rạch.

Thực hiện Chỉ thị số 19 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, Thành phố vận động hơn 1,3 triệu hộ dân ký cam kết không xả rác bừa bãi, bỏ rác đúng nơi quy định; 100% phường, xã, thị trấn tổ chức đối thoại với nhân dân về vấn đề vệ sinh môi trường. Riêng tại 24/24 quận huyện đều triển khai hệ thống tiếp nhận và xử lý thông tin, kết quả đã tiếp nhận và giải quyết hơn 13.000 ý kiến phản ánh của người dân, nhắc nhở hơn 2.700 vi phạm về trật tự đô thị môi trường, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên 5.700 trường hợp với số tiền phạt hơn 47 tỷ đồng.

Thành phố cũng vận động và lắp đặt hơn 23.000 camera an ninh kết hợp giám sát về chất lượng vệ sinh môi trường đô thị, trang bị mới hơn 33.000 thùng rác công cộng tại các tuyến đường, tuyến hẻm, kênh rạch. Có 741/775 điểm đen, điểm ô nhiễm về rác thải đã xử lý, trong đó có 91 điểm đã được chuyển hóa thành điểm sinh hoạt cộng đồng, vườn hoa, khu vui chơi cho thanh thiếu nhi.

Người dân TPHCM ra quân tổng vệ sinh các tuyến đường
Người dân TPHCM ra quân tổng vệ sinh các tuyến đường

Phong trào “Chống rác thải nhựa” đã nhận được sự đồng thuận cao, từ các cơ quan, đơn vị, hệ thống siêu thị, chợ truyền thống, hộ kinh doanh và nhân dân đã chủ động chuyển đổi, hạn chế và không sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Tuy nhiên, hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác sinh hoạt chưa đồng bộ. Công tác xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường chưa đủ sức răn đe, còn nhiều bất cập....

Ra quân cạo xóa các biển quảng cáo, xây dựng mảng tường xanh, văn minh
Ra quân cạo xóa các biển quảng cáo, xây dựng mảng tường xanh, văn minh
Tham gia trồng cây xanh trên các tuyến đường huyện nông thông của Thành phố
Tham gia trồng cây xanh trên các tuyến đường huyện nông thôn của Thành phố

Tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở Tài nguyên Môi trường, mỗi ngày hoạt động sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thải ra từ 4.000 - 5.000 tấn rác, trong đó có khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi ni lông, việc xả rác không đúng nơi quy định vẫn còn diễn ra tại một vài nơi. Để hạn chế việc này, trong những năm qua, Hà Nội đã có nhiều chương trình cụ thể để bảo vệ môi trường, xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp, phát triển du lịch - nơi được mệnh danh thành phố vì hòa bình.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Thanh Mẫn ghi nhận những nỗ lực của các thành phố trong thực hiện phòng chống đại dịch COVID-19, ổn định đời sống người dân, lo cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và vận động toàn dân tham gia phục hồi kinh tế sau dịch. Ông Mẫn nhấn mạnh: Các thành phố cần tiếp tục tuyên truyền, vận động từng gia đình, từng nhà, từng người dân cùng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Cả 5 thành phố phải là thành phố kiểu mẫu để các thành viên khác cùng tham khảo, nhân rộng các mô hình mới.

Thiên Ân

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Linh Ngô 14-07-2020 10:06:48

    Từng địa phương đã không làm tốt vai trò này. Khu vực tôi ở họ thải đầy rác sinh hoạt ra kêng rạch Văn Thánh mà có thấy các vị cán bộ ở phường đi kiểm tra và phạt đâu. Lâu ngày thành thói quen nên họ cứ trải ra sông để mặc cho nhà nước khắc phục hậu quả ...

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI