Mỗi năm, lượng rác thải nhựa tại Việt Nam tăng 200%

28/09/2019 - 20:32

PNO - Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 1,8 triệu tấn nhựa được tạo ra nhưng chỉ 27% được tái chế. Trong năm qua, Việt Nam lượng rác thải nhựa tăng đến 200%.

Đó là thông tin từ cuộc tọa đàm “Chung tay vì một cộng đồng không rác thải nhựa: Trách nhiệm Nhà quản lý - Doanh nghiệp - Truyền thông” diễn ra sáng nay (28/9), tại TP.Đà Nẵng, do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) phối hợp với UBND TP.Đà Nẵng tổ chức.

Tham dự buổi tọa đàm có Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân và đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ TN-MT cùng lãnh đạo 11 tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Định.  

Tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân cho biết: “Ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề có tính liên vùng, xuyên biên giới. Giải quyết vấn đề cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và từng người dân Việt Nam”.

Là quốc gia đang phát triển, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm do rác thải nhựa ngày càng gia tăng. Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 1,8 triệu tấn nhựa được tạo ra nhưng chỉ 27% được tái chế. Trong năm qua, Việt Nam đối mặt với nguy cơ trở thành bãi tập kết rác toàn cầu với lượng rác thải nhựa tăng đến 200%.

Moi nam, luong rac thai nhua tai Viet Nam tang 200%
Mỗi năm lượng rác thải nhựa tăng 200%- Ảnh minh họa

"Lượng nhựa tiêu thụ tính trên đầu người ở nước ta đã tăng mạnh từ 3,8kg lên gấp 10 lần trong giai đoạn từ 1990 đến 2018. Chúng tôi đã chọn chủ đề Hành động địa phương, tác động toàn cầu nhằm kêu gọi toàn hệ thống chính trị chung tay, đồng lòng thực hiện mục tiêu chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là đến năm 2021, các cửa hàng, chợ đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Phấn đấu đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần" - ông Nhân nhấn mạnh.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng chỉ ra 5 vấn đề cần thực hiện, trong đó nhấn mạnh, đối với 28 tỉnh, thành phố có biển và các đơn vị tại các địa phương ven biển cần tăng cường hoạt động ra quân làm sạch môi trường tại các bãi biển, khu vực ven bờ. Trong đó tập trung vào việc thu gom, thu hồi các sản phẩm làm từ nhựa, bao bì, túi ni lông khó phân hủy và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định; tổ chức bàn giao bãi biển, khu vực ven bờ đã làm sạch cho các tổ chức, đơn vị có trách nhiệm quản lý để không tái diễn tình trạng ô nhiễm.

HK (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI