Mỗi năm có 12 triệu trẻ em gái bị bắt kết hôn sớm

03/05/2023 - 13:17

PNO - Ngày 3/5, Cơ quan bảo vệ trẻ em của Liên Hợp Quốc cho biết, nạn tảo hôn đang giảm trên toàn cầu với tốc độ chậm và phải mất hơn 300 năm nữa thế giới mới có thể loại bỏ tục lệ này.

 

Các bé gái chơi đùa trong một thị trấn tồi tàn ở ngoại ô Guwahati, Ấn Độ
Các bé gái chơi đùa trong một thị trấn nghèo ở ngoại ô Guwahati, Ấn Độ

Claudia Cappa - tác giả chính của báo cáo từ Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) - nói với hãng tin AFP: "Chúng ta chắc chắn đã đạt được tiến bộ trong việc từ bỏ tập tục tảo hôn trẻ em, đặc biệt là trong 10 năm qua. Nhưng thật không may, tiến bộ này vẫn chưa đủ".

Theo ước tính của UNICEF, 640 triệu bé gái và phụ nữ ngày nay đã kết hôn khi chưa đủ 18 tuổi. Đồng thời, ước tính có khoảng 12 triệu bé gái trở thành cô dâu trẻ em mỗi năm.

Trong 25 năm qua, tốc độ diễn ra các cuộc hôn nhân trẻ em đã chậm lại. Năm 1997, 25% phụ nữ trẻ trong độ tuổi 20-24 kết hôn trước 18 tuổi. Đến năm 2012, con số này giảm xuống còn 23% và vào năm 2022, con số chỉ khoảng 19%. Tuy nhiên, điều đó vẫn có nghĩa là khoảng 9 triệu bé gái dự kiến sẽ kết hôn trong năm 2030.

"Với tốc độ hiện tại, chúng ta có thể phải đợi 300 năm để loại bỏ nạn tảo hôn", bà Cappa cảnh báo, đồng thời cho biết thêm rằng phần lớn các cuộc hôn nhân liên quan đến các bé gái từ 12-17 tuổi.

Mặc khác, những tiến bộ mong manh đang bị đe dọa khi UNICEF lo ngại rằng sự hội tụ của đại dịch COVID-19, xung đột toàn cầu và tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu có thể đảo ngược những thành quả khó đạt được.

Báo cáo cho biết, chỉ riêng COVID-19 có thể là nguyên nhân gây ra thêm 10 triệu cuộc hôn nhân ở lứa tuổi vị thành niên từ năm 2020 đến năm 2030.

"Thế giới đang chìm trong cảnh khủng hoảng chồng lên khủng hoảng. Điều đó đang dập tắt hy vọng và ước mơ của những đứa trẻ dễ bị tổn thương, đặc biệt là những bé gái lẽ ra phải được đến trường chứ không phải trở thành cô dâu" - Giám đốc UNICEF Catherine Russell cho biết trong một tuyên bố.

Những cuộc khủng hoảng như COVID-19 có thể khiến các gia đình cảm thấy rằng gả con cái sớm là một biện pháp an toàn.

"Mặc dù kết hôn trẻ em rõ ràng là vi phạm quyền trẻ em, các gia đình thường coi đó là biện pháp nhằm bảo vệ các bé gái, mang lại sự an toàn tài chính, xã hội hoặc thậm chí là thể chất", báo cáo lưu ý. Kết hôn sớm cũng là một cách để bớt đi một miệng ăn trong gia đình.

Về mặt địa lý, những cải cách chính sách tại Nam Á là động lực chính giúp tỷ lệ kết hôn của trẻ em gái toàn cầu sụt giảm. Tuy nhiên, khu vực này vẫn chiếm khoảng 45% trong số 640 triệu phụ nữ đã kết hôn trước tuổi 18. Riêng Ấn Độ chiếm 1/3.

UNICEF đặc biệt quan tâm đến tình hình ở châu Phi cận Sahara, nơi dường như đang đi ngược lại xu hướng của thế giới. Báo cáo nhấn mạnh: “Các bé gái ở đó hiện có nguy cơ tảo hôn cao nhất thế giới, với 1/3 trẻ em gái kết hôn trước 18 tuổi”. Dự kiến số lượng cô dâu trẻ em ở khu vực này sẽ tăng 10% vào năm 2030.

Linh La (theo AFP, CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI