Mỏi mòn làm chế độ cho cha

08/12/2015 - 13:15

PNO - Hàng chục năm vác đơn gõ cửa khắp các cơ quan chức năng để đề nghị công nhận liệt sĩ cho cha mình...

Đó là trường hợp của bà Trần Nguyệt Ảnh, ngụ ấp Tân Bằng, xã Phong Lạc, H.Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đã rất nhiều lần bị bác đơn.

Chỉ vì không làm hồ sơ thương bình

Đến văn phòng báo Phụ Nữ tại Cần Thơ, bà Ảnh mang theo nhiều hồ sơ để chứng minh quá trình công tác và bị thương của cha bà là ông Trần Văn Tuất (Hai Tuất), nguyên Huyện đội phó H.Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Bà Ảnh trình bày: “Ba tôi sinh năm 1930, tham gia cách mạng năm 1957, hơn 25 năm công tác, trải qua nhiều trận đánh và chức vụ khác nhau, đến năm 1982 thì được nghỉ hưu mất sức và hai tháng sau thì mất tại Bệnh viện Quân y 121, được mai táng tại nghĩa trang liệt sĩ H.Trần Văn Thời. Sinh thời, ba tôi cho là việc làm hồ sơ thương binh chỉ để nhận chính sách, chế độ nên ông không bận tâm. Không ngờ, vì vậy mà khi mất ba tôi không được công nhận là liệt sĩ”.

Moi mon lam che do cho cha
Bà Ảnh mỏi mòn với chồng đơn tìm lẽ phải cho cha

Theo hồ sơ bà Ảnh cung cấp, từ năm 1957-1959, ông Trần Văn Tuất tham gia công tác bí mật ở vùng địch, bị địch bắt giam tại khu trù mật, tra tấn dã man. Năm 1960 được ra tù, ông tiếp tục tham gia chiến đấu, trong trận đánh với địch tại thị tứ Sông Đốc, ông bị thương gãy một cánh tay và hai xương sườn. Đến năm 1969, trong trận đánh tại đồn cầu Chữ Y, xã Khánh Hưng A, H.Trần Văn Thời, ông bị pháo Mỹ đánh sập hầm, từ đó vết thương liên tục tái phát.

Trong quá trình làm hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ cho ông Tuất, bà Ảnh đã tìm gặp rất nhiều nhân chứng là đồng đội, người từng công tác trong quân y trực tiếp điều trị cho ông Tuất để xác minh.

Ông Hồ Văn Chiểu (ấp Trùm Thuật, xã Khánh Hải, H.Trần Văn Thời) nguyên là chính trị viên xã đội Khánh Hưng A xác nhận: “Ngày 15/6/1963, đồng chí Hai Tuất chỉ huy trận đánh đồn ở thị tứ Sông Đốc, bị gãy cánh tay phải, bị một vết thương ở be sườn, không giải phẫu viên đạn ra được…”.

Thiếu tá - bác sĩ Nhan Trung Thu, nguyên Chủ nhiệm Quân y tỉnh Minh Hải xác nhận: “Năm 1974, đồng chí Tuất từ bệnh xá quân y H.Trần Văn Thời chuyển đến Quân y tỉnh Cà Mau. Bệnh nhân bị pháo địch đánh sập hầm cộng với vết thương cũ ảnh hưởng đến phổi và tim rất nặng. Sức khỏe đồng chí Tuất kém nên không phẫu thuật được. Đồng chí điều trị hơn ba tháng thì xuất viện. Đến tháng 5/1975, do vết thương tái phát, đồng chí được đưa vào Quân y tỉnh Minh Hải. Lúc này tôi giữ chức vụ Trưởng bệnh xá Quân y, điều trị nhiều lần cho đồng chí Tuất. Đến tháng 11/1982, đồng chí ấ y lại nhập viện Quân y tỉnh Minh Hải. Kết luận là do vết thương tái phát dẫn đến tử vong…”.

Trung tá - bác sĩ Nguyễn Bình Định, Giám đốc BV Quân - dân y Cà Mau cho biết: “Bệnh án từ năm 1982, theo nguyên tắc quá 10 năm thì hủy” nên không tìm được hồ sơ chữa bệnh cho ông Hai Tuất.

Về việc đưa ông Tuất vào chôn ở nghĩa trang liệt sĩ, ông Bùi Văn Định, thường trú ấp Công Nghiệp C, xã Khánh Hưng, H.Trần Văn Thời xác nhận: “Năm 1982, tôi có dự đám tang đồng chí Hai Tuất. Qua bàn bạc mọi người thống nhất đưa thi hài đồng chí Trần Văn Tuất về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ H.Trần Văn Thời vì xét thấy đồng chí Tuất có nhiều thành tích và công lao cống hiến cho đất nước…” 

Mong được giải quyết thấu tình, đạt lý

Theo Nghị định số 31, ngày 9/4/2013 về “Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng” và Thông tư số 28, ngày 22/10/2013, quy định người bị thương và chết do vết thương tái phát, được chôn trong nghĩa trang liệt sĩ thì ông Tuất hoàn toàn có điều kiện được công nhận là liệt sĩ. Tuy nhiên, quyết định 60, ngày 26/3/2014 của giám đốc Sở LĐ- TB-XH tỉnh Cà Mau thì cho rằng: “Ông Tuất chỉ là người có công trong kháng chiến và chết do bị bệnh, không đủ điều kiện xem xét công nhận liệt sĩ”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI