Mỗi lần chồng đánh con, tôi chỉ muốn ly hôn

25/07/2022 - 21:22

PNO - Chắc chắn, khi biết tác hại của roi vọt, anh ấy sẽ không còn coi đó là một biện pháp giáo dục.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Em kết hôn đã 5 năm, có hai đứa con. Con trai đầu của em cực kỳ hiếu động. Và mọi xung đột giữa vợ chồng em đều xuất phát từ việc dạy cháu.

Việc dạy con trai thực sự thách thức sự kiên nhẫn của vợ chồng em. Em chủ trương không đánh con, còn chồng em thì lại quan niệm "nếu thực sự cần thì cũng nên đánh". Điều này có nghĩa rằng anh cũng không muốn đánh con, nhưng anh vẫn tin rằng nếu con quá bất trị thì việc dùng đòn roi vẫn là chấp nhận được.

Chồng hay dùng đòn roi để dạy dỗ cậu con trai hiếu động - Hình minh họa - XFRAME
Chồng hay dùng đòn roi để dạy dỗ cậu con trai hiếu động - Hình minh họa - XFRAME

Tuy nhiên, hầu như ngày nào con trai em cũng gây ra chuyện gì đó, và nếu có chồng em ở nhà, thì anh sẽ "dạy dỗ". Mỗi lần anh đánh con, em đều hét lên hoặc lao vào can ngăn. Và kết quả là bao giờ anh cũng quay từ con sang em, cả hai vợ chồng lại tranh cãi với nhau trước khi chấm dứt cuộc bạo lực.

Có lần, em mới sinh con thứ hai và nằm trong phòng ở cữ khi nghe chồng đánh con trai ngoài phòng khách. Em ráng nín nhịn để cho con bú. Nhưng cuộc đánh đập diễn ra quá lâu, em bèn để mặc con nhỏ nằm khóc, xông ra lôi chồng ra khỏi thằng bé.

Vì quá căng thẳng với tiếng la mắng của chồng, tiếng khóc của cả hai con, em hét rất to và xua tay hất tất cả ly tách trên bàn sô pha xuống bàn. Trận ấy vợ chồng rất căng thẳng. Trong "cơn điên", em đuổi chồng cút đi và biến mất luôn, đừng về nhà nữa.

Tất nhiên là anh bỏ đi nhưng ngay sáng hôm sau lại trở về. Anh nguôi giận với em rất nhanh dù em luôn quá quắt và hỗn láo mỗi lần anh đánh con. Nhưng em thì rất lâu nguôi giận. Mỗi lần nghĩ đến cảnh con trai tắm trong đòn roi của ba, em lại bức xúc đến chảy nước mắt.

Em thực sự từng nghĩ đến chuyện ly hôn vì quá căm ghét việc chồng đánh con. Em không biết phải giải quyết chuyện này thế nào, và cũng không biết mình sẽ còn làm việc quá quắt gì nếu còn chứng kiến anh đánh con. Mong chị cho em lời khuyên.

Hoàng Anh (Q.7, TPHCM)

Hoàng Anh mến,

Em đã nêu ra mấu chốt vấn đề ngay từ đầu thư. Đây là xung đột quan điểm, chứ không chỉ là những cuộc va chạm trong cơn căng thẳng. Chính vì vậy, em chỉ có thể giải quyết ngay trong lúc êm xuôi, và giải quyết ở góc độ quan điểm để cùng thống nhất với chồng về cách dạy con.

Em chủ trương không đánh con là đúng. Tuy nhiên, điều này sẽ rất thách thức khi nuôi dạy một đứa trẻ quá hiếu động. Thực tế này dẫn đến những quan điểm về đòn roi như quan điểm của chồng em.

Nhưng, cần xác nhận một thực tế rằng trẻ hiếu động không có lỗi. Nếu trẻ hiếu động mà gây ra hậu quả thì lỗi là ở người lớn. Em cần lưu ý tạo một không gian an toàn, cách ly mọi đồ vật có thể gây nguy hiểm, hoặc những đồ vật mà cháu không được phép chơi ra khỏi tầm tay của cháu.

Hạnh Dung từng biết nhiều phụ huynh phải chuyển nhà, hoặc dọn dẹp nhà cửa thành một không gian trống trơn để tạo không gian an toàn cho những đứa trẻ hiếu động. Điều này sẽ giúp trẻ không phải phạm lỗi, không phải chịu những la mắng chỉ vì vô tình chơi phải đồ dùng của bố mẹ, và tất nhiên sẽ giảm bớt việc dạy dỗ bằng bạo lực với trẻ.

Tuy nhiên, nếu trẻ vẫn liên tục phạm lỗi, thì phụ huynh cần có một nhận thức thật sự vững vàng để không vụt roi vào trẻ. Nhận thức đó cần phải chắc chắn như em đang nhận thức: rằng tuyệt đối không đánh con.

Nhưng để chồng em đồng tình với điều này, em cần chỉ cho anh thấy những lý do để ta cự tuyệt bạo lực khi dạy con.

Đã có rất nhiều nghiên cứu của các chuyên gia giáo dục chỉ ra tác hại của việc dùng roi với con trẻ. Em hãy tìm những tài liệu này để chồng đọc. Chắc chắn, khi biết tác hại của roi vọt, anh ấy sẽ không còn coi đó là một biện pháp giáo dục.

Nếu việc trao đổi vẫn chưa thông suốt, em hãy rủ chồng đi gặp chuyên gia tâm lý trẻ em để trao đổi về vấn đề nuôi dạy trẻ hiếu động. Trong cuộc trao đổi ấy, hãy đề cập trực tiếp đến việc dùng đòn roi. Chuyên gia tâm lý sẽ giúp cả em và chồng thấu suốt về vấn đề này, tạo ra sự thống nhất trong cách dạy con.

Hãy quyết tâm trong việc trao đổi với chồng để thống nhất quan điểm về việc dạy con. Hãy làm điều này ngay khi cả hai cùng bình tĩnh và đang hòa thuận, đừng đợi lúc căng thẳng thì mới bắt đầu tranh cãi, em nhé!

Chúc em sớm an vui!

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

 

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Tran Phat 27-07-2022 00:31:50



    Mến chào chị,

    Tôi đang sống ở nước ngoài và muốn góp ý việc này như sau: Ở Việt Nam chúng ta thường không coi trẻ hiếu động là một căn bệnh. Nhưng ở nước ngoài họ gọi những người quá hiếu động là hyperactive behavior và phải uống thuốc. Người lớn có thể kiểm soát hành động của mình và có thể không uống thuốc, nhưng trẻ nhỏ quá hiếu động sẽ được kê toa thuốc. Khi uống thuốc, trẻ sẽ không còn hiếu động nữa. Nhưng lúc đó cha mẹ lại sợ, vì trẻ bị ảnh hưởng của thuốc sẽ yên lặng.

    Trường hợp này đứa trẻ biết thuốc làm nó mệt mỏi bần thần, cha mẹ phải giải thích với con rằng con phải kiểm soát hành động nghịch phá của mình. Nếu không, con phải uống thuốc!

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI