Mối duyên văn chương Việt - Hàn

03/12/2015 - 07:10

PNO - Trước đây văn học Việt Nam chưa được chú ý nhiều ở Hàn Quốc, nhưng hiện các tác phẩm văn chương Việt đã dành nhiều quan tâm...

Trong hai ngày 30/11 và 1/12, nhà văn Hồ Anh Thái và nữ nhà văn Hàn Quốc Jeong You Jeong đã có buổi đối thoại, giao lưu cùng sinh viên trường ĐH KHXH&NV TP.HCM. Trên tinh thần chia sẻ tương quan văn hóa, giá trị trong các tác phẩm, hai nhà văn mở ra điểm chung trong góc nhìn: văn chương cội rễ là thân phận con người, tác phẩm lan tỏa ra thế giới hay không chính là bắt đầu từ “cái tầm” cội rễ đó trong bản lĩnh thể hiện của nhà văn.

Nhà văn Jeong You Jeong đã có nhiều tác phẩm được đánh giá cao tại Hàn Quốc nhưng độc giả Việt Nam chỉ mới được tiếp cận với Bảy năm bóng tối (Alpha Books và NXB Lao động) của bà. Tác phẩm này từng tạo cơn chấn động trong giới văn chương xứ kim chi vì sự khốc liệt của tội ác và tinh thần nhân văn đẹp đẽ về tình phụ tử.

Moi duyen van chuong Viet - Han
Nhà văn Jeong You Jeong và nhà văn Hồ Anh Thái (thứ hai và ba, từ trái sang) giao lưu tại TP.HCM

Chính vì tập trung vào “vấn đề con người” mà các tác phẩm của Jeong You Jeong được chào đón ở nhiều quốc gia. Trong mối tương quan về tư tưởng, nhà văn Hồ Anh Thái nói rằng: “Khi tác phẩm văn học khai thác đến tận cùng những thân phận, cho dù có là cá nhân ai thì tác phẩm đó cũng sẽ “gặp được nhân loại”; không chỉ đủ sức lan tỏa trong nước mà còn có thể vượt biên giới, được đón nhận ở bất kỳ quốc gia nào”.

Tác phẩm Người đàn bà trên đảo của ông (đã được dịch giả Choi Ha-na dịch sang tiếng Hàn) rất được giới nghiên cứu văn chương đất nước này quan tâm. Câu chuyện về những ẩn ức của phận người thời hậu chiến luôn là đề tài đầy sức lay động.

Dịch giả Choi Ha-na cho biết, trước đây văn học Việt Nam chưa được chú ý nhiều ở Hàn Quốc, nhưng hiện giới nghiên cứu học thuật nước này đã dành nhiều quan tâm cho tác phẩm văn chương Việt.

Ông Nguyễn Minh Nhựt - Giám đốc NXB Trẻ cho biết bốn nhà văn tên tuổi của Việt Nam in sách tại đơn vị cũng đã có tác phẩm được chuyển ngữ, phát hành tại Hàn: Nguyễn Nhật Ánh (Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ), Hồ Anh Thái (Người đàn bà trên đảo), Nguyễn Ngọc Tư (Cánh đồng bất tận) và mới đây là Nguyễn Ngọc Thuần (Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ).

Văn chương Việt lâu nay “xuất khẩu” ra nước ngoài đều đi theo con đường hữu xạ tự nhiên hương, nói như nhà văn Hồ Anh Thái thì “tác phẩm phải gây chú ý trong nước thì người ta sẽ tìm đến mình”.

Nhưng ở Hàn Quốc có cả công ty môi giới chuyên nghiệp để giới thiệu tác phẩm có giá trị sang thị trường nước ngoài. Nhà văn Jeong You Jeong cho biết một trong những tác phẩm của bà được chuyển ngữ sang thị trường Thụy Sĩ thông qua kênh này. Tổ chức chương trình giao lưu tác giả-tác phẩm ở các nước cũng là một cách quảng bá hiệu quả.

Trong mối duyên và tương quan giá trị văn học và văn hóa, người trong cuộc kỳ vọng sẽ có thêm nhiều tác phẩm văn chương Việt đến với độc giả Hàn Quốc.

Song Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI