Mỗi đứa trẻ, một cây xanh

05/06/2019 - 15:00

PNO - Gieo sự sống từ những mầm cây, đó cũng chính là cách giữ lấy hành tinh xanh mà nhiều quốc gia đang cùng chung tay.

Hạt giống nhỏ bé gieo xuống lòng đất và nơi ấy rồi sẽ có một thân cây vươn mình lớn dậy, giống như hành trình lớn lên, trưởng thành của một đứa trẻ. Gieo sự sống từ những mầm cây, đó cũng chính là cách giữ lấy hành tinh xanh mà nhiều quốc gia đang cùng chung tay. 

Moi dua tre, mot cay xanh

Hạ viện Philippines vừa thông qua đạo luật quy định “chuẩn đầu ra” đặc biệt đối với mỗi học sinh cấp II, cấp III và sinh viên đại học. Mỗi em phải trồng 10 cây xanh mới được ghi nhận đủ chuẩn tốt nghiệp. Đạo luật Di sản tốt nghiệp dành cho môi trường chính là lời cam kết của lớp trẻ hiện tại hướng đến tương lai của chính họ. Đấy là lời họ tự nhắc nhớ bản thân rằng họ đang sống trong môi trường, bầu khí quyển đang từng ngày bị bức tử và cần được bảo vệ bằng những hàng cây đầy sức sống. 

Mỗi năm có 12 triệu học sinh cấp II, 5 triệu học sinh cấp III và 500.000 sinh viên ra trường. Nghị sĩ Gary Alejano, một trong những nghị sĩ đề xuất đạo luật ước tính một khi đạo luật được thực hiện một cách bài bản, nghiêm túc thì mỗi năm, đất nước Philippines sẽ có thêm khoảng 175 triệu cây xanh. Nếu lấy tỷ lệ cây sống sót thấp nhất là 10% thì việc áp dụng đạo luật cũng vẫn là tin tốt lành với những ai yêu môi trường.

Viễn cảnh Philippines “chuyển màu” với những hàng cây xanh mát sẽ chẳng còn xa. Đạo luật này được chính phủ Philippines ủng hộ bởi nó có thể giúp giải quyết được bài toàn biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, sự xói mòn của hệ sinh thái dẫn đến sự gia tăng tình trạng đói nghèo, ảnh hưởng an ninh lương thực. 

Đặt trách nhiệm bảo vệ môi trường lên thế hệ trẻ chính là lựa chọn hướng đến bền vững, bởi đứa trẻ rồi sẽ là người trưởng thành, sẽ tiếp tục gieo ý thức ấy cho những thế hệ tiếp sau. Những gốc cây gắn liền với từng đứa trẻ sinh ra, lớn lên và gắn bó với mảnh đất ấy, đấy chính là thông điệp của dự án nổi tiếng “One tree per child” ra đời năm 2013 ở Úc. Hai nhà môi trường học Olivia Newton-John và Jon Dee đặt tên cho dự án cũng chính là những người đã khai sinh ra ngày Môi trường quốc gia vào năm 1996 và sau đó là ngày Trồng cây ở trường học. 
“One tree per child” bắt đầu với việc kêu gọi những đứa trẻ trước khi rời trường tiểu học hãy lưu giữ lại khoảng ký ức đẹp bằng cách trồng cây ngay trong khuôn viên trường hoặc ở nơi các em gắn bó. Dần dần, “One tree per child” trở thành hoạt động không chỉ dành cho trẻ cấp I mà mở rộng sang các em học sinh cấp II, III và sinh viên ở Úc.

Vào những dịp lễ hoặc các sự kiện cộng đồng, những phụ huynh được khuyến khích cùng con gieo trồng, ươm tưới cây và cha mẹ sẽ cùng con dõi theo quá trình cây lớn lên. “One tree per child” không chỉ tạo tinh thần lan tỏa tích cực ở Úc mà còn trở thành dự án được yêu thích ở Kenya, Ghana, Mali, Nam Sudan, Hà Lan, Đức, Mỹ và Ireland. Đến nay, hàng trăm ngàn cây xanh đã mọc lên từ dự án, gieo hy vọng vào một thế giới trong lành, đáng sống hơn cho các thế hệ mai sau. 

Tháng 3/2016, một tháng sau khi quốc vương Bhutan Khesar Namgyel Wangchuck và hoàng hậu Jetsun Pema chào đón con đầu lòng, hoàng gia đã tổ chức lễ trồng 108.000 cây xanh. Ẩn sau đó là niềm mong ước hoàng tử sẽ lớn lên mạnh khỏe và tiếp tục giữ lấy cách sống chan hòa giữa con người và thiên nhiên.

Ở Bhutan, luật quy định 60% diện tích đất nước phải được phủ xanh và hiện 75% diện tích nước này xanh rì một màu tươi mới. Đó mới là cội nguồn của sự vững bền, là nền tảng của hạnh phúc quốc gia chứ không chỉ dựa vào những chỉ số kinh tế hay những cuộc đua tranh nền tảng công nghệ khốc liệt, vô hồn.

Anh Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI