Mỗi đêm, em đều viết cho anh những bức thư không bao giờ gửi...

03/08/2020 - 14:11

PNO - Một cuộc tình thật đặc biệt, bởi từ khi mới bắt đầu cho đến lúc một người đã về bên kia núi, họ chưa từng cãi vã, chỉ yêu thương và sẻ chia. Sự ngọt ngào ấy có thể nhìn thấy qua những trang thư mà họ viết cho nhau suốt mấy mươi năm. Bây giờ, bà vẫn viết mỗi đêm những bức thư không bao giờ gửi...

1. Năm 1957, sau khi kết hôn được hai năm, giáo sư Lý Chánh Trung sang Pháp công tác. Lúc đó, bà Bùi Thị Nữ - vợ ông, vừa hạ sinh con trai đầu lòng Lý Chánh Dũng. Bức thư giáo sư viết đầy yêu thương cũng là lời giải thích và khẳng định người ông hết mực thương nhớ chỉ có mỗi mình bà.

“Do bạn bè ông ấy bên Pháp cứ trêu chọc, nói ông về nước cưới vợ sớm như vậy, để cho bao người con gái bên kia tương tư tuyệt vọng. Sợ tôi nghe chuyện lại suy nghĩ rồi buồn, ông viết một bức thư dài để tôi hiểu tình cảm ông dành cho vợ con sâu đậm thế nào” - bà Nữ hồi tưởng lại. 

Những bức thư tình là tài sản riêng tư của ký ức. Mấy chục năm rồi, bà xem đó là kỷ vật quý giá của gia đình, chỉ để lại cho con cháu. Rồi một hôm nhớ ông, giở lại từng trang chữ, bà nghĩ, chia sẻ những tâm tình ngày xưa của ông bà biết đâu có thể giúp ích cho những cặp vợ chồng trẻ bây giờ. 

Bà Bùi Thị Nữ mỗi ngày vẫn viết thư cho chồng - dù phải soi qua kính lúp
Bà Bùi Thị Nữ mỗi ngày vẫn viết thư cho chồng - dù phải soi qua kính lúp

Bà nói: “Bọn trẻ giờ bình đẳng, độc lập quá, ít cởi mở với nhau. Cái gì không thuận nhau thì dễ mâu thuẫn, từ chuyện nhỏ dẫn đến chuyện lớn, rồi không tiếp tục chung sống thì tội nghiệp mấy đứa con”. Ông bà vượt qua những hiểu lầm, buồn giận bằng những bức thư thiết tha, bày tỏ tận tâm can mình. Hạnh phúc vì thế đã đi cùng hai người suốt hơn 60 năm chồng vợ. 

Những bức thư tình qua hai thế kỷ
Những bức thư tình qua hai thế kỷ

Ông bà gặp nhau lần đầu năm 1955, qua mai mối của gia đình và bạn bè. Khi ấy, bà hơn 20 tuổi, là giáo viên dạy tiểu học tại thị xã Vĩnh Long, còn ông vừa du học từ Bỉ về. Trong ký ức của một người già tóc bạc, vẫn còn lưu giữ món quà đầu tiên người chồng đã mất gửi tặng. Đó là cây viết hiệu Pilot - mà sau đó bà đã dùng chính màu mực ấy viết thư đáp lại ông.

Cứ thế, tình yêu bắt đầu và được nuôi dưỡng ngọt ngào bằng những bức thư. “Hồi đó tôi không nghĩ gì đến chuyện yêu đương cả, thấy người chị của mình vướng vào tình ái sao mà đau đớn khổ sở, chia ly chỉ vì thầy bói nói hai người không hợp tuổi.

Đến khi gặp ông, tôi cũng chỉ mong thôi đừng có… dính nhau, mà rồi duyên phận thế nào không tách ra được, lại gắn bó, thủy chung, yêu thương nhau cho đến hết cuộc đời” - bà Nữ bồi hồi. 

Năm ấy, khi Đức Tổng giám mục Vĩnh Long không đồng ý cho giáo sư kết hôn với người ngoại đạo, ông đã viết một bức thư dài gửi Đức Cha, bày tỏ nỗi lòng mình, thiết tha xin được cưới người con gái mà ông đã đem lòng yêu thương, chấp nhận cả việc không được “tham gia rước lễ” ở nhà thờ.

Cuộc tình mà từ khi mới bắt đầu cho đến lúc người đã về bên kia núi, bà Nữ nói rằng chưa từng cãi vã, chỉ toàn yêu thương và sẻ chia. Sự ngọt ngào ấy có thể nhìn thấy qua những trang thư mà họ viết cho nhau suốt mấy mươi năm.

Ông thường xuyên đi công tác, có khi vài ngày, có lúc vài tuần. “Cứ đúng ngày ông đi là tôi gửi thư, khi ông đến nơi sẽ nhận được”- bà Nữ kể. Viết chỉ vì nhớ nhau, muốn kể cho nhau nghe những chuyện dù là nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống thường ngày. Chữ hiện diện như người thương bên cạnh.

Bà bảo ông rất tâm lý, luôn thấu hiểu và biết cách chia sẻ với bà. Ông hoạt động chính trị, có địa vị và cũng phải đối diện với rất nhiều vấn đề, cả những mối nguy hiểm với chính quyền. Nhưng những chuyện ấy, ông ít nói cho vợ con biết, để vợ chỉ tập trung vào chuyên môn và dành thời gian chăm sóc gia đình. 

Đây là một bức thư khác, giáo sư viết cho vợ. Đó là năm gia đình đón người con thứ hai - anh Lý Tiến Dũng (sau này là tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết, đã mất - PV):

“Genive 7/7/59

Nữ của anh! 
Hôm qua vừa đến phòng họp thì được thơ em, mừng quá, nhưng hôm qua bận suốt một ngày, tối còn ăn cơm khách nên đến bữa nay mới viết thơ dài được cho em. Sáng nay trời tốt, nắng đẹp và nóng như bên mình. Nhớ em và các con quá! Nhà vắng em có buồn không? Ráng giỏi đi, chừng nào về anh hôn thật nhiều và mua đồ thật nhiều. Gì gì cũng thật nhiều hết. Chánh Dũng có nhớ ba không? Ba muốn nghe Chánh Dũng nói chuyện máy bay và Tiến Dũng hò hét mà không làm sao nghe được. Chỉ lấy hình ra nhìn hoài…”.

Hình ảnh ông bà thời trẻ
Hình ảnh ông bà thời trẻ

2. Buổi chiều, ngồi trong thư phòng đầy ắp sách và những kỷ vật của bà Bùi Thị Nữ, tôi thấy như mình đang được trò chuyện với một người từ trăm năm khác. Bởi lẽ, suốt một chặng dài yêu thương trao gửi qua những cánh thư của ông bà, tôi còn chưa có mặt trên cuộc đời này. Qua cả một cuộc chiến tranh cho đến ngày đất nước thống nhất.

Bây giờ, những bức thư vẫn được tiếp tục viết. Chỉ khác ngày xưa thư đi tin lại, còn bây giờ là những bức thư không bao giờ gửi. Bà vẫn viết mỗi ngày, mỗi đêm, tâm tình trao gửi trong thinh lặng mà bà bảo rằng, có lẽ ông vẫn luôn kề bên, cảm nhận, hiểu thấu được lòng bà. 

Những bức thư tay từ thế kỷ trước, các con đóng thành tập, đặt tựa đề: Cuộc tình của ba má. Còn những bức thư bà lặng lẽ viết cho ông, được cất riêng thành từng tập. “Sau này có thể coi đó là hồi ký tôi để lại. Còn bây giờ, tôi viết chỉ như là một cách giải tỏa lòng mình. Ông đi rồi, căn nhà trở nên vắng lặng, ngày tháng cũng dài rộng quá…” - bà tâm sự. 

Cố giáo sư Lý Chánh Trung - nguyên là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM, đại biểu Quốc hội khóa VI, VII, VIII - tạ thế đã hơn bốn năm.

Ông qua đời vào tháng 3/2016, một năm sau ngày kỷ niệm đám cưới kim cương của ông bà, hưởng thọ 89 tuổi. Những năm cuối đời, ông vẫn dành trọn sự quan tâm, yêu thương, chăm sóc bà. “Những cặp vợ chồng già thường hay ngủ riêng, nhưng những năm cuối đời, chồng vẫn gác tay làm gối cho tôi ngủ. Gắn bó lắm, cho nên thương nhớ lắm. Ông mất rồi, tôi cứ nhớ từng chút, từng chút một, có lúc cũng chỉ muốn được chết theo ông sớm mà thôi” - bà tâm sự. 

“24 giờ đêm 12/9/2016
Anh yêu của em! 
Đến nay đã ngót sáu tháng anh đã được Chúa đón về. Suốt khoảng thời gian dài đằng đẵng này em như người mất hồn. Không biết là mình tỉnh hay mơ. 

Anh ơi, anh đã yêu em biết bao nhiêu! Bây giờ không có anh bên cạnh em thấy cô đơn, bơ vơ vô cùng. Các con mình, ba đứa đã theo anh về với chúa. Bốn đứa kia đứa nào cũng có gia đình, có sự nghiệp. Các con đâu còn thơ ấu, đâu thể quấn quýt theo mình như xưa được nữa. Ngôi nhà thân yêu hạnh phúc đầy kỷ niệm ấm êm bây giờ sao nó rộng quá, mênh mông quá…”.

Nỗi lòng của một người già chỉ còn biết gửi vào đêm. Đôi mắt người già không còn tinh anh nữa, những bức thư tay được viết qua kính lúp. Vậy mà bà vẫn cặm cụi viết những lúc hừng đông, những đêm thanh vắng, nghe rõ cả tiếng thằn lằn tặc lưỡi, những thanh âm bắt đầu sớm mai. Chiếc đèn bàn trong thư phòng và kính lúp là bạn, chúng lúc nào cũng bên cạnh, sẵn sàng giúp một người già chìm sâu vào nỗi nhớ của đời mình. 

“Có lúc viết đến gần sáng mà tôi cũng không thấy mệt, cảm xúc cứ tuôn tràn, muốn nói với ông nhiều lắm, những kỷ niệm đẹp ngày xưa trở về. Viết để thấy lại tuổi thơ của các con, tôi còn muốn viết cả một cuốn sách Cảm ơn cuộc đời. Vì cho dù có là gì đi nữa, nhìn lại vẫn thấy mình có phúc lắm mới được sống một cuộc đời hạnh phúc đến như vậy” - bà chia sẻ. Cái hạnh phúc viên mãn mà bà Bùi Thị Nữ nói, đó chính là nhận được tình yêu lớn lao của chồng, những yêu thương trọn vẹn từ thân bằng quyến thuộc; là được nhìn thấy các con cháu thành đạt, hạnh phúc. 

… Trăm năm còn lại trong lòng người già là những ký ức xưa cũ, đẹp đẽ, quý giá. Có đôi lúc nghe chuyện, tôi thấy bà như trở về trong hình ảnh của nàng con gái tóc dài Bùi Thị Nữ năm xưa. Bà vẫn nhớ như in thuở đôi mươi làm cô dâu mới, những hôm ngồi sau xe đạp chồng chở về nhà sau giờ tan lớp, những ngọt ngào xốn xang ký ức.

Trong bộ phim Letter to Juliet - Thư gửi Juliet, nhà báo Sophie phát hiện được một bức thư bị mắc kẹt từ hơn 50 năm trước trong ngôi nhà Juliet. Cô đã cất công tìm được cả người gửi và người nhận rồi đưa họ về lại bên nhau. Nhưng tôi không thể như Sophie, để những bức thư tình bà viết hôm nay mãi mãi không thể nào đến tay người nhận… 

Bùi Tiểu Quyên

Đây là một trong muôn vàn lá thư tình của giáo sư Lý Chánh Trung gửi cho vợ yêu:

Ngày 25/7/1957

Le bonheur est dans le prê

Cours-y vite! Cours-y vite!

Le bonheur est dans le prê

Cours-y vite! Il va passes! 

(Paul Fort)

(Tạm dịch: Hạnh phúc đang ở trong sân cỏ/ Hãy chạy nhanh đến đó đi/ Hạnh phúc đang ở trong sân cỏ/ Chạy nhanh đến đó đi, nó sẽ vượt qua rồi đó…)

Hạnh phúc của em không ở trong sân cỏ, hỡi cô vợ cưng của tôi ơi! Cô em cưng bé nhỏ của tôi, nó đang ở trong tay em đó, dễ vỡ và tinh khôi, trong suốt như một cái bình pha lê. Đừng làm vỡ nó nghen em, đừng làm vỡ nó em ơi!

Anh mong muốn trông thấy em luôn tươi cười hạnh phúc. Hãy gỡ bỏ cái màn u ám buồn bã đã che khuất vầng trán của em, cái vầng trán bé nhỏ lì lợm của em, để cho tất cả đều trong sáng giữa hai ta. Bởi vì anh yêu em, em cưng của anh, với tất cả tấm lòng của anh, không một chút đắn đo, không nhìn về một chút nào ở phía trước, phía sau, hay bên phải, bên trái. 

Bởi vì anh yêu đứa con bé bỏng của chúng ta, bởi vì em và con là tất cả cuộc sống của anh trên trái đất này. Và bởi vì anh chỉ có thể sống với em và con mà thôi. Em có hiểu không? Hãy hiểu em nhé! Em có muốn yêu anh không? Và cùng anh từng ngày, từng viên đá một, xây dựng cái tổ ấm tình yêu của chúng ta trên thế giới này, và trên thế giới khác nữa?

Yêu nhau là tự quên mình để chỉ nghĩ đến điều tốt đẹp của người mình yêu. Yêu nhau là cùng nhìn về một hướng: đó là lý tưởng cuộc sống của chúng ta. 

Hãy tự hỏi chúng ta muốn làm gì trên trái đất này? Cả hai chúng ta cùng nhau - có phải là chỉ để sống thôi? Và chúng ta luôn hỏi nhau, chúng ta có thật sự yêu nhau không? Rằng em có yêu anh và anh có yêu em? Có phải là chúng ta trải thời gian để đo lường những hành vi để xem chúng ta có thể đáp ứng với tình yêu của mình không? Mục đích của chúng ta là gì? Thật sự chúng ta nhắm vào cái gì xuyên qua những việc làm hằng ngày?

Hãy tự đặt câu hỏi và cùng nhau tìm câu trả lời. Hãy xác định mục đích cuộc sống của chúng ta và hãy giúp nhau, em cùng anh thực hiện nó. Đó là bài toán thật sự chứ không phải ở đâu khác. 

Mục tiêu mà anh đã có khi anh cưới em rất đơn giản: xây dựng tổ ấm của chúng ta, làm thế nào cho nó trở thành trung tâm của hòa bình và tình yêu, cho chúng ta, cho các con, cho cộng đồng, và cho những người khác. Hãy cố gắng làm điều tốt xung quanh ta với khả năng của mình. Em có muốn mục tiêu đó cũng là của em không? Và chúng ta sẽ cùng nhau theo đuổi nó cho đến khi ta chết?

Vậy thì chúng ta hãy tự hỏi nhau: chúng ta đã làm được gì trong hai năm qua? Chúng ta có được một bước tiến bộ nào chưa? Tổ ấm gia đình của chúng ta đã trở nên thế nào? Và tình yêu của chúng ta nữa?...

“Em không có khả năng để cho anh hạnh phúc”.

Em đã luôn lặp đi lặp lại với anh câu này. Em ơi, anh cũng vậy. Anh cũng không có khả năng đó. Không ai có thể cho ai hạnh phúc. Hạnh phúc không phải là một món đồ mà ai ban cho ai cũng được. Mà nó phải được xây dựng từng ngày, từng giờ, bởi cả hai, cùng nhau. Nó đòi hỏi một cố gắng kiên trì và thật nhiều sự tha thứ. Nó đòi hỏi sự quên mình.

Em cưng bé nhỏ của anh ơi, sáng nay em mệt mỏi và buồn bã như vậy làm anh cũng mệt mỏi theo em, trong lúc tất cả xung quanh ta đều đẹp. Anh muốn nắm lấy đôi bàn tay của em trong tay anh, và nói với em tất cả tình yêu anh dành cho em, cưng của anh ơi! Em không biết là anh yêu em đến bao nhiêu đâu. Hãy yêu anh! Hãy nhìn đứa con bé bỏng của chúng ta. Nó cần biết bao nhiêu tình yêu, sức mạnh, lòng can đảm và niềm vui của chúng ta. Chúng ta có quyền mệt mỏi và buồn bã như sáng nay không? Đứa con bé nhỏ của chúng ta đang tươi cười rực rỡ dưới ánh mặt trời. 

Vậy thì chúng ta hãy coi như cái nỗi ám ảnh vu vơ của đêm hôm qua là cái đêm buồn cuối cùng, mà chúng ta phải xóa đi vĩnh viễn em nhé!

Anh nhắc lại với em lần nữa, không biết lần thứ bao nhiêu, là: chúng ta yêu nhau hết lòng. Ngoài ra không có gì quan trọng hơn. Không có vết tích quá khứ nào có thể xen vào để chia sẻ tình yêu của chúng ta. Em hãy yên lòng: em là tình yêu duy nhất và vĩnh viễn của anh. 

Hãy nhìn đứa con “búp bê” của mình với đôi mắt trong veo, đôi môi mọng đỏ trên một gương mặt rạng rỡ. Nó đang ôm chặt lấy anh, gặm lấy mặt anh, nhễ nhại nước miếng thơm mùi sữa mẹ. Yêu quá em ơi! Anh muốn cắn đôi môi quyến rũ của con một cái cho đã thèm. 
Hôn em và yêu em mãi mãi!

Anh của em

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI