1. Ấn tượng đầu tiên của tôi về bố chồng là nghiêm nghị và gia trưởng. Nghiêm, thì rõ rồi, bố chồng tôi từng sống trong quân ngũ hơn 40 năm. Gia trưởng - đó là điều tôi được “thổi” vào tai từ những bà, những dì người miền Trung quê tôi (vốn được đánh giá là dễ tính) về những người đàn ông trưởng tộc miền Bắc.
Không sao, tôi thầm nghĩ. Bây giờ chẳng còn là thời phải làm dâu. Bố gia trưởng, bố khó tính nhưng lại cách cả nghìn cây số, có ảnh hưởng gì tới mình đâu cơ chứ. Quan trọng chồng không khó tính là được rồi. Chồng cũng thông cảm với vợ, năm thì mười họa gặp bố một lần, anh nói, nhịn bố một chút.
Chuyện chỉ đáng kể khi tôi sinh cu Tít. Thấy tôi phơi đầu đi giữa nắng, bố bảo: “Vào ngay, đẻ không kiêng, mai mốt chưa già đã đau vật đầu ra như mẹ mày đấy”. Mẹ chồng tôi bị chứng rối loạn tiền đình, dăm bữa nửa tháng lại bị chứng đau đầu hành hạ, chẳng biết có liên quan gì do “đẻ không kiêng” không.
Đến giai đoạn cu Tít lớn một chút mới là vấn đề. Thằng bé có chứng cứ ăn cơm là phải mở quảng cáo để dụ đút từng thìa. Bố chồng vào thăm cháu, bực ra mặt. Ông cho rằng, cho cháu ăn mà mở quảng cáo là tập hư cho nó, thói quen ấy chẳng tốt lành gì, chỉ tổ làm hại thằng bé ăn không thấy ngon, dễ đau bao tử, lại toét mắt ra… Nó không chịu ăn thì phải xem vì sao, có khi là do món ăn nấu không phù hợp…
“Đơn giản vậy mà không biết thì làm mẹ kiểu gì?”. Khi ông hỏi câu ấy, tôi muốn gào lên rằng, vâng bố ơi, ai cũng biết, con cũng biết, nhưng thằng bé không biết. Nó không chịu há miệng ăn thì chỉ khổ nó, khổ con chứ khổ ai? Nhưng, vì chồng, tôi lại nhịn bố, im lặng chực muốn khóc.
Nặng lời và áp đặt, đó là những cá tính không hay của bố chồng mà tôi chỉ có thể hoặc nghe tai này lọt tai kia, nín nhịn, hoặc tìm cách lẻn đi nơi nào cho khuất mắt ông mà rấm rứt khóc thì mới thấy mình không bị dồn nén, khổ sở. Có lúc tôi tính phản kháng vì nghĩ, bố mẹ tôi nuôi con hàng chục năm vất vả, là những người lao động chân tay lem luốc nhưng chẳng bao giờ nặng lời và áp đặt con mức ấy, vậy cớ gì tôi phải chịu đựng?
Đó là chuyện vài năm trước, giờ cu Tít đã lớn, tôi chẳng còn vật vã với việc dỗ con ăn, bố cũng chẳng có nhiều sức khỏe để vào ra thăm con cháu thường xuyên như trước. Căng thẳng giữa tôi và bố dần mất từ lúc nào. Lần vào gần đây, bố “để quên” bộ áo mưa “xịn” còn rất mới của ông trong hộc tủ. Về tới quê, bố chồng điện thoại nhắc, bộ áo mưa ấy dày dặn mặc vào chở con đi học cho khỏi ướt, khỏi lạnh. Mấy áo mưa mỏng manh con mặc trong ấy che được tí nước chứ có cản được gió đâu, không cẩn thận lại ốm lăn đùng ra thì khổ thân…
Bố vẫn thế, vẫn nói chuyện có vẻ khó nghe, nhưng tôi thì đã khác. Năm dài tháng rộng đủ cho tôi nhận ra tình thương sau câu chữ gay gắt ấy khiến mình có thể mềm lòng muốn khóc.
2. H.M., chị bạn tôi tiếp xúc bố chồng trong hoàn cảnh tréo ngoe. Bố chồng hơn con dâu tương lai 10 tuổi, gọi anh không thể được, mà gọi bác thì cũng ngại miệng. Đi làm gặp nhiều người gấp rưỡi tuổi “ông cụ” còn gọi anh xoen xoét kia mà. Chị M. đã qua một lần đò, con gái 10 tuổi, chồng chưa cưới là “trai tân”, thua chị 10 tuổi.
“Chị ngồi xuống đi, nói cho tôi nghe vì sao chị muốn lấy con trai tôi?”. “Vì chúng con yêu nhau bố ạ”. Lúc ấy chị không ngờ mình có thể thản nhiên gọi “bố” như thế. Chắc “ông cụ” cũng bất ngờ không kém… Ông “phỏng vấn” đến đâu, chị chia sẻ tới đó, vì đơn giản chị nghĩ năm ăn năm thua, quan trọng nhất là được sống thật. Mình không thể giả lả lấy lòng nếu muốn kết nối ai đó vào một mối quan hệ gia đình nghiêm túc. Chị kể, sau buổi nói chuyện hôm ấy, chị nghĩ mình thuyết phục được “ông cụ” rồi. Ánh mắt ông thôi dò xét, đã tươi vui khi chia sẻ chuyện này chuyện kia. Ông là gà trống nuôi con, chị là gà mái nuôi con, cũng ít nhiều chung nhau cảnh khổ.
Nhưng gà trống nuôi con thì khác với gà mái nuôi con. Vào ở chơi với con tới ngày thứ hai, ông bảo, nếu được, cô để tôi giúp cô dạy con. Cô dạy thế, hỏng con bé mất. Chị đi làm vất vả, con bé tuổi lên 10 bắt đầu ương ngạnh, cãi mẹ xoen xoét. Có khi chị stress quá, gọi nó là “nghiệp chướng”, mắt nó vẫn thao láo như mắt ếch. Chị nhẫn nhịn nói, vâng, bố dạy giúp con. Nói thế, nhưng chị nghĩ, chắc ông cụ cũng sớm bó tay chịu thua thôi, tưởng dễ.
Ai dè, ông cụ chẳng thua. Ông trả lại vé máy bay đã đặt để ở lại giúp con dâu dạy lại con riêng. Con bé đi học bằng xe buýt, về đến nhà ngồi thừ ra xoa tay lên đầu vì có vẻ chóng mặt. Ông kêu thôi đừng đi xe buýt đến lớp, nếu con thích đi xe máy cho thoải mái, hàng ngày ông chở con đi học. Mà cả đi lẫn về gần 15 cây số, đường như nêm ngang dọc. Chị đâm ngại, nói bố kệ nó, nó lớn rồi.
Ông bảo, không được, phải chung sự vất vả với con bé mới gần nó được. Dọc đường ông trò chuyện với nó. Mấy ngày đầu nó lầm lì không nói lại, dần dà nói chút ít… Đến bây giờ thì nó với ông đã là đôi bạn thân. Con bé “nghiệp chướng” trong mắt chị năm ngoái năm nay đã được ông cụ dạy dỗ lại thành con bé rất vui vẻ, sẻ chia và lễ phép với mọi người trong nhà. Chị nhận ra đó là món nợ ân tình lớn nhất cuộc đời này mà chị may mắn có được.
Chị bạn tôi vẫn nói đùa, mỗi cô dâu may mắn bước chân vào nhà chồng đều có thể có một món quà bất ngờ và vô giá. Đó là một - ông - bố - chồng. Và điều vô giá ấy không phải ai cũng nhận ra được nếu không mang trong mình trái tim biết yêu thương, chia sẻ.
Võ Thu Hương