Mỗi bước đi đều có bóng dáng tình thân

20/08/2024 - 06:47

PNO - Sau 5 năm khởi nghiệp, Nguyễn Hữu Trang đã thực hiện được ước mơ lớn nhất đời mình: thay ba làm trụ cột gia đình.

Khi trở thành nữ sinh cấp III, Trang Hữu vẫn còn giữ bên mình bộ sưu tập những cuốn sổ vẽ về thời trang lúc nhỏ. Những bộ đầm váy búp bê tự tay chị may, cả chiếc áo nỉ màu đỏ thêu hình chú gấu mà ba đã mua cho lúc 5, 6 tuổi cũng được chị giữ lại.

Trang Hữu khởi nghiệp bằng cách  “săn sale”, chụp hình, sau đó đăng vào  các hội nhóm thời trang để bán lại
Trang Hữu khởi nghiệp bằng cách “săn sale”, chụp hình, sau đó đăng vào các hội nhóm thời trang để bán lại

Thế nhưng, niềm đam mê thời trang âm ỉ ấy đành bị gác lại. Vì điều kiện gia đình không cho phép, chị chọn thi vào Trường đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, chuyên ngành tiếng Anh. Cũng trong thời gian này, chị đăng ký học thêm văn bằng 2 ngành quản trị kinh doanh - PSU - Đại học Duy Tân, Đà Nẵng.

Khởi nghiệp vì nghèo

Trang Hữu chia sẻ: “Tôi bắt đầu kinh doanh quần áo đã qua sử dụng từ tháng 9/2019. Lúc ấy, tôi làm một phần vì thích, một phần vì… nghèo. Trước đó, công việc kinh doanh của công ty truyền thông gặp rất nhiều khó khăn khiến tôi rơi vào stress nên lao vào mua sắm để giải tỏa cảm xúc. Tủ đồ ngày càng đầy lên mà “cơn nghiện” vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Đỉnh điểm, lần đó là cuối tháng, tôi muốn mua một chiếc áo len có giá gần 400.000 đồng mà… hết tiền. Tôi chợt nghĩ, sao không mang đồ cá nhân đi thanh lý. Cũ người mới ta, lại quá rẻ, dù mình chán nhưng với người khác là mới mà!”.

2 tuần đầu tiên, chị tìm cách để bán hết mọi thứ đang có trong tủ quần áo. Chị lập trang để thanh lý đồ trên mạng xã hội, chính là thương hiệu thời trang TARA Choice hiện tại. 2 tuần tiếp theo, Trang Hữu đã lấy lại được “vốn”.

Trong quá trình mua đi bán lại, Trang Hữu gặp nhiều chị em mà do tính chất công việc gặp khách hàng nhiều nên mua quần áo thường xuyên. Thay vì chọn hàng mới, họ chọn đồ đã qua sử dụng vì tiết kiệm được nhiều nhưng vẫn theo kịp xu hướng thời trang. Tuy nhiên, đòi hỏi của tệp khách hàng này cũng khá cao. Họ không có quá nhiều thời gian để “bới” cả đống đồ. Trang Hữu cảm nhận được tiềm năng khổng lồ của việc kinh doanh đồ đã qua sử dụng: vừa có khả năng kiếm tiền, vừa thỏa đam mê thời trang thông qua việc phối đồ, sắm sửa quần áo. Chị liều vay người thân 10 triệu đồng để “săn hàng”.

Chị kể: “Tôi cố gắng tìm cách mua rẻ hơn, lấy công làm lời để chị em có thể sở hữu những bộ cánh với giá thành bình dân nhất có thể. Không chỉ đơn thuần bán hàng, tôi còn nghiên cứu cách kết hợp trang phục, từ màu sắc đến kiểu dáng để cùng khách hàng “lên đồ” vừa đẹp, vừa không đụng hàng. Trên thực tế, nhiều bạn nữ dù mua thật nhiều nhưng lại không biết cách phối các “mảnh ghép” với nhau nên lúc nào cũng than không có quần áo để mặc. Lúc đó, sáng tôi đến công ty họp hành, chiều về chụp hình để bán, tư vấn liên tục, không ngơi nghỉ”.

Trang Hữu (thứ hai từ trái qua) cùng mẹ và các em
Trang Hữu (thứ hai từ trái qua) cùng mẹ và các em

Khoảng giữa năm 2020, hoạt động của công ty rơi vào khó khăn chồng chất do tác động của dịch COVID-19. Hợp đồng ký kết truyền thông với các đối tác không nhiều, buộc chị phải gánh gồng để trả lương cho hơn 20 nhân sự. Chính từ đây, chị liều lĩnh đưa ra quyết định mang tính bước ngoặt: chuyển giao công ty và quyết tâm theo đuổi sự nghiệp bán hàng.

Sống tử tế, luôn có ước mơ

Tính cách và nỗ lực của một người phụ thuộc rất lớn vào kết cấu gia đình và môi trường tiếp xúc. Với Trang Hữu, người ảnh hưởng đến chị nhiều nhất là ba. Ngoài ra, thiên hướng nghệ thuật, sự tảo tần, thông minh là điều chị được thừa hưởng nhiều từ mẹ.

Chị kể: “Ba tôi xuất thân từ một người nghèo, thậm chí rất cơ cực. Hình ảnh ba cầm cuốn sổ tay học từng từ vựng tiếng Anh lúc 4, 5 giờ sáng mỗi ngày trước khi đi làm là động lực để tôi cố gắng. Ba tôi là công nhân mỏ. Để 3 chị em tôi có tiền ăn học, ba thậm chí không dám chi một khoản nhỏ để uống cà phê. Ngay cả những ngày mưa bão, nhận cuộc gọi từ đồng nghiệp lúc 3, 4 giờ sáng, ba tôi vẫn lao đi ngay để hỗ trợ. Tôi nghĩ cha con tôi rất giống nhau ở điểm này: sống tử tế, luôn có ước mơ và không ngừng theo đuổi ước mơ bằng mọi giá”.

Năm 2015, ba chị qua đời. Đó cũng là lúc Trang Hữu vừa tốt nghiệp, xin được việc làm. Với mức lương 8 triệu đồng mỗi tháng, chị liều lĩnh xin mẹ đưa 2 em gái từ Tam Lãnh - một xã miền núi huyện Phú Ninh tỉnh Quảng Nam - ra Đà Nẵng ăn học.

Để nuôi được 2 em, Trang Hữu phải nỗ lực từng giờ, từng phút. Chị làm việc 15 - 20 giờ mỗi ngày. Sáng, chị đi làm văn phòng, tối về dịch tài liệu nhằm kiếm thêm thu nhập. Sang đến năm thứ tư, khi 2 em sắp vào đại học, vì sợ không đủ lực để lo cho các em, chị nghỉ việc văn phòng, mạnh dạn chuyển hướng lập công ty.

Giai đoạn kinh doanh thời trang, Trang Hữu hầu như ngắt hết mọi kết nối, giao tiếp để tập trung toàn bộ thời gian cho việc bán hàng. “Thậm chí lúc ăn, lúc ngủ tôi vẫn luôn nghĩ đến áo quần, doanh thu, cạnh tranh, thương hiệu. Tôi không ra ngoài, không kết bạn mới… Trong khoảng thời gian dài, tôi hiếm khi nói những câu chuyện ngoài công việc với bất kỳ ai”.

Vợ chồng Trang Hữu luôn bên nhau trên mọi nẻo đường
Vợ chồng Trang Hữu luôn bên nhau trên mọi nẻo đường

Người tiếp theo có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời và sự nghiệp của Trang Hữu là anh Đặng Công Lĩnh - chồng chị, người có chung “niềm đam mê làm giàu và lì đòn khởi nghiệp” như lời của chị. Năm 2013, khi cùng dọn hàng bán trước cổng Trường đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, họ lần đầu “va” vào nhau. Sau đó, họ hẹn hò, đi chơi, tỏ tình, cầu hôn rồi cưới.

Đều xuất thân là sinh viên nghèo, vợ chồng chị luôn hỗ trợ nhau khi khó khăn. Họ là động lực, là chỗ dựa tinh thần để cùng nhau phấn đấu thực hiện ước mơ của mỗi người. Trong ký ức chị vẫn chưa phai mờ câu nói của chồng vào lần đầu chị “lên sóng”.

Trang Hữu kể: “Tôi thuộc kiểu người hay xấu hổ, ngại xuất hiện trước đám đông nên trước đó, mỗi lần live chỉ mở nhạc, đưa sản phẩm chứ không hề dám mở miệng nói. Tôi đã hỏi chồng: “Em bỏ tất cả sự nghiệp để bán hàng như vầy, anh có thấy xấu hổ không?”. Chồng tôi bảo: “Anh tự hào vì em có thể chiến thắng bản thân”.

Chính câu nói đó đã tiếp thêm động lực để mỗi ngày Trang Hữu càng kiên trì, nỗ lực trở thành một “chiến thần KPI” chinh phục mọi chỉ tiêu, con số.

Sau 5 năm khởi nghiệp, Nguyễn Hữu Trang đã thực hiện được ước mơ lớn nhất đời mình: thay ba làm trụ cột gia đình. Đến nay, chị đã lo cho các em công ăn việc làm ổn định, xây được 3 căn nhà làm quà tặng mẹ và 2 em. Riêng chị, mỗi ngày vẫn tiếp tục nỗ lực làm việc, lan tỏa nét đẹp của thời trang với giá bình dân, giúp nhiều chị em tiết kiệm nhưng vẫn được mặc đẹp.

Theo Trang Hữu, xu hướng tiêu dùng của người trẻ hiện nay rất khác. Dù hầu bao hạn hẹp nhưng các bạn trẻ vẫn dành phần lớn ngân sách cho nhu cầu quần áo bởi luôn muốn mặc đẹp. Nhưng, họ cũng ngày càng đề cao xu hướng sống xanh, ý thức nhiều hơn về việc tái sử dụng sản phẩm thời trang để bảo vệ môi trường. Thế nên thay vì mua sản phẩm mới, họ chọn đồ đã qua sử dụng.

Theo kết quả nghiên cứu của tổ chức tư vấn RedSeer Consulting (Ấn Độ), doanh thu thị trường hàng đã qua sử dụng ở Việt Nam sẽ ngày càng phát triển, vượt mức 5 tỉ USD vào năm 2026. “Vì thế, ngoài chuyện làm kinh tế, tôi vẫn mong mỏi việc dùng đồ đã qua sử dụng sẽ giúp vòng đời sản phẩm được kéo dài, giảm bớt lượng rác thải” - chị chia sẻ.

Diệu Thông

Ảnh do nhân vật cung cấp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI