Mời bạn chia sẻ quan điểm về việc con trẻ tiêu xài sang chảnh trong diễn đàn "Rich kid - con là ai?".
Bài viết, ý kiến, clip... xin gửi về địa chỉ email online@baophunu.org.vn. Bài được chọn đăng sẽ nhận nhuận bút của toà soạn như quy định.
|
Vài trang báo mạng thi thoảng lại đưa tin: "Cậu quý tử G. đi học lấy thẻ tín dụng hạn mức tiền tỷ ra làm thước kẻ". Lập tức có rich kid khác chơi trội hơn: ngồi trên siêu xe Maybach vẽ vời cũng bằng cái “dụng cụ” sang chảnh ấy.
Hay trên trang báo khác, một anh chàng tuổi teen tên K. sẵn sàng chi bạo gần trăm triệu chỉ để được một lần ngồi gần nữ hoàng nội y Ngọc Trinh.
“Tài không đợi tuổi” ư? Tài năng thì chắc không phải rồi. Vậy liệu có phải là tiền? Quá chuẩn! Chính là khả năng xài tiền của rich kid dường như thu hút dư luận.
Mình thích thì mình xài thôi, vì nhà không có gì ngoài điều kiện. Hình như cha mẹ giàu sụ để con tiêu bạt mạng mới khiến thiên hạ trầm trồ, thán phục.
|
Rich kid lắm khi sở hữu những thứ mà người lớn cũng phải ao ước... |
Rich kid, “cưng” là ai? Con nhà đại gia, thượng lưu? Hẳn rồi. Cậu ấm cô chiêu nhà trung lưu? Nhiều lắm. Quý tử thường thường bậc trung? Có nhầm lẫn gì không, mà con cái giới ấy dám tự tiện ngồi vào "cái mâm rich kid"? Vậy mà dường như thành phần đó lại đông chứ chẳng đùa! Cha mẹ chưa đủ tầm để cung phụng, nên "cánh rich kid nửa vời" ấy lại thường tự cho là mình đẳng cấp, rất ghét phải thua chị kém em trên con đường phá của.
Thử nhận diện rich kid nhé: Sẵn sàng đốt tiền nấu trứng kiểu công tử Bạc Liêu, phiên bản năm 202x: lên bốn bánh, xuống du thuyền, ở năm sao, đi tàu bay hạng thương gia. Đồ high tech như điện thoại luôn là thương hiệu xịn sò, mới nhất. Thị trường ra mẫu nào thì đời phải có tên tụi mình. Quần áo giày túi hàng hiệu, liệt kê giá từng món ra đủ khiến cánh bình dân bủn rủn cả người. Dắt tay cái giấy thông hành be bé gọi là thẻ “đen” tín dụng, có hạn mức bạc tỷ nữa, mới trọn vẹn đúng điệu...
|
Tiêu tiền vô tư chính là một "đặc điểm nhận diện" của rich kid |
Khoe giàu cho ai xem? À chỉ bọn trang lứa lác mắt thôi chưa đủ. Xoàng lắm. Dân rich kid sang chảnh thì nhất định phải có truyền thông tung hô. Mấy bài báo trầm trồ trên các kênh lá cải chuyên khai thác “tình tiền tù tội hiếp giết” ấy vậy mà là cái chuẩn, cái đích để đám hỉ mũi chưa sạch, cùng với một cơ số phụ huynh hả hê mãn nguyện. Con ta sao có thể thua kém con người! Sôi sục lùng kiếm cập nhật thông tin “trong giới” rich kid, giãy lên đu trend (xu hướng) cho bằng được, chính là cảnh không hiếm thấy khi con trẻ đã được bố mẹ đặt ẵm lên cái vạch đua mang tên rich kid.
Chị Mỹ là chủ một trường mầm non tư thục ở quận vùng ven. Vợ chồng chỉ có một đứa con trai, và dù thu nhập của cả nhà đều trông chờ vào cái cơ sở be bé ấy, chị cũng gắng gồng cho quý tử học trường quốc tế.
Quan điểm của chị: Con cái là bộ mặt, phản ánh thực lực của cha mẹ. Để cho con thua sút bạn bè thì không phải nó mất thể diện, mà chính mình cũng đang thất bại. Nên chị không tiếc tiền trang bị cho con. Hễ thằng bé đòi mua sắm đãi đằng gì, là chị đều đáp ứng.
Con vừa than phiền “cái ô tô nhà mình quê cũ quá, nhìn thấy bố mẹ của lũ bạn ngồi xế hộp láng lẩy mà nhục”, chị lập tức len lén vay mượn, lên đời xe hơi. Cho con nó được nở mày nở mặt!
Ngoài học phí mỗi năm gần nửa tỷ, thì nhu cầu thể hiện của con trai chị cũng ngốn thêm một phần không hề nhỏ trong ngân sách gia đình. Dấn thân vào tầng lớp thượng lưu, sống trên cả thiên hạ cũng có cái giá của nó chứ!
Tính ra vẫn còn rất hời, rẻ chán so với những ngưỡng mộ ước ao của người đời, và cái tướng đi tự tin, khuôn mặt hếch lên đầy hãnh diện của thằng con. Đầu tư từ bây giờ, mai này con nó sẽ làm được bao nhiêu chuyện lớn ấy chứ!
Phụ huynh rich kid, anh chị là ai? Bao nhiêu người ở vị thế như chị Mỹ trong câu chuyện kể trên? Anh chị nghĩ gì, cảm xúc ra sao khi con mình sành điệu, phong cách, bản lĩnh nơi trường học, sân chơi, sân đời?
Tỷ lệ bao nhiêu phần trăm “bề ngoài cười nụ bề trong khóc thầm” trước tốc độ tiêu tiền của con trẻ nhà mình? Nếu ta không nối giáo cung phụng, thì lấy đâu ra cảnh “tài” không đợi tuổi kia chứ!
"Đời ta vất vả làm lụng ki cóp, chỉ để cho con được nở mày nở mặt. Nó có biết xài tiền thì mới ham kiếm tiền chứ, nhu cầu phát sinh thì sẽ cố gắng thành đạt" - quan điểm ấy không sai, nhưng hình như chưa đúng. Bởi ăn quen chứ nhịn chẳng quen, được cha mẹ chu cấp vung vãi mãi đã thành thói, ảo tưởng rằng mọi thứ dễ dàng lắm, nhà ta có trữ máy in tiền hoặc trong vườn tự mọc ra cây ATM không cần chăm tưới, chẳng hạn.
Tệ hơn nữa, nếu như một ngày cha mẹ không thể giúp con tiếp tục khoác tấm áo “con nhà giàu”, thì sẽ thế nào, chắc không khó để hình dung. Bất mãn, buông xuôi, quay ra trách cứ, “cắn ngược”, thậm chí tuột dốc không phanh cả học hành lẫn tương lai, hoặc cố vươn lên giành lại bằng con đường bất hảo.
“Giàu đâu phải cái tội. Người ta hay xấu tính, săm soi rich kid bởi vì không có khả năng cho con sống sung sướng như thế nên gato”. Bạn nghĩ gì về phản hồi này của bà mẹ một “trẻ em giàu ghét học”?
Trần Gia Khánh
(Q.Tân Phú, TP.HCM)