Mới 10 giờ sáng chợ đã đóng cửa vì... ế

26/06/2017 - 10:00

PNO - Chỉ mới hơn 10 giờ sáng nhưng chợ xã Long Phú, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long (chợ mới xây dựng hàng tỷ đồng) vắng tanh. Nhiều tiểu thương ngán ngẩm thu dọn hàng hóa để ra về vì có bán tiếp cũng chẳng có người mua.

Tương tự như chợ Long Phú là các chợ xã Ngãi Tứ, Hoà Lộc, Tân Lộc (huyện Tam Bình)… tình trạng cũng không khả quan hơn.

Bà Trần Thị Thu Hoài, tiểu thương chợ Long Phú cho biết: “Tui mua bán ở đây đã chục năm rồi. Có chợ mới tưởng đâu ngon, ai ngờ cũng vậy, có khi tệ hơn. Đăng ký trong nhà lồng mỗi năm mấy chục triệu đồng, ngán quá nên bán “chồm hổm” sống qua ngày. Điệu này chắc bỏ nghề quá”.

Moi 10 gio sang cho da dong cua vi... e
Chợ Gò Găng ( xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) xung quanh cỏ dại mọc đầy.

Chợ Gò Găng (xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình) xây dựng khá khang trang nhưng chỉ có hai tiểu thương mua bán bên trong nhà lồng rộng hành trăm mét vuông. Đã vậy xung quanh khu vực đầy cỏ dại do không được làm vệ sinh thường xuyên khiến chợ lại càng thêm nhếch nhác.

Bà Võ Thị The, ngụ xã Loan Mỹ cho biết: “Đã nói chợ thì phải xây dựng nơi đông dân cư, thuận tiện cho việc đi lại. Đằng này lại làm chợ trong “hốc bà tó” không có ai ở, từ đó người dân chúng tui phải đi chợ nơi khác thôi, làm vậy phí tiền nhà nước quá, mấy trăm triệu đồng chớ có ít đâu”.

Tại chợ Trường Long A  huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) dù đã xây dựng rất đẹp mắt với đầy đủ các thiết chế của chợ “văn minh” những từ khi xây dựng đến nay trên năm năm với hàng chục ki ốt nay đã phải “trùm mền”.

Moi 10 gio sang cho da dong cua vi... e
Chợ Trần Quang Diệu (P.An Thới, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ) không hoạt động.

Theo một số tiểu thương cho biết, để có thể phân chia được nhiều lô sạp, nhiều chợ mới đã thiết kế diện tích mỗi lô quá chật hẹp, nóng bức, khó trang trí, bày biện hàng hóa, chưa kể dễ xảy ra cháy nổ vì quá nhiều hàng hóa chất cạnh các nguồn điện. Đây cũng là một nguyên nhân khiến các tiểu thương ngán ngại đăng ký vào bán tại các chợ mới xây dựng.

Một nghịch lý là các xã, phường, thị trấn nếu muốn đạt chuẩn xã Nông thôn mới, phường Văn minh đô thị thì phải đạt tiêu chí chợ văn minh. Từ đó, dù có hay không nhu cầu chính đáng, cần thiết của người dân, các địa phương trên đã “gồng mình” xây dựng để rồi sau đó chợ “vắng tanh” vì không đáp ứng được các yếu tố: thuận tiện giao dịch mua bán; có nhà vệ sinh; bãi giữ xe; hệ thống PCCC...

Không chỉ các chợ nông thôn rơi vào cảnh vắng vẻ, đìu hiu mà một số chợ dù đã xây dựng ở các địa điểm “đắc địa”, ngay tại trung tâm khu dân cư nhưng vẫn không thu hút được người bán lẫn người mua đến giao dịch.

Đơn cử một số chợ của quận Ninh Kiều như tầng lầu của chợ An Hòa (còn gọi là chợ lộ 20); chợ An Cư (khoảng 60 ki ốt nhưng chỉ có khoảng 20% lô sạp hoạt động)... Chợ Trần Quang Diệu (quận Bình Thủy) có 40 ki ốt hiện không còn mua bán phải cho thuê làm nhà trọ nhưng cũng chỉ có vài hộ thuê, trong khi cách đó khoảng 300 mét lại rất nhiều người mua bán tấp nập.

Moi 10 gio sang cho da dong cua vi... e
Trong khi đó, cách chợ Trần Quang Diệu 300 mét thì cảnh mua bán lại tấp nập.

Lý giải về việc này, ông Lê Văn Lắm, tiểu thương tại phường An Cư cho biết: “Dân đã quen với tập quán mua bán dân dã tại hai bên đường Đề Thám mấy mươi năm qua, họ bán đến khoảng 11 giờ là rút lui. Giờ nếu vào bán trong chợ An Cư thì rất bất tiện do xa địa điểm cũ lại vừa đóng tiền mặt bằng rất cao trong khi họ đa phần thuộc diện bán nông sản tự sản, tự tiêu, lãi ít và không thường xuyên có mặt tại chợ để mua bán”.

Qua khảo sát, nhiều tiểu thương mong muốn nhà nước xem xét lại giá cho thuê hợp lý hơn; đồng thời có chính sách giảm thuế trong thời gian khó khăn ban đầu, bố trí các dịch vụ tiện ích tại các chợ phục vụ người bán lẫn người mua cũng như quan tâm đặc biệt đến công tác PCCC...

Có như vậy mới không lãng phí tiền tỷ để xây chợ, tránh chuyện xây lên rồi "trùm mền" hay thậm chí nếu có hoạt động cũng "vắng tanh như chùa bà Đanh" thì hoang phí quá.

Anh Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI