Móc khóa dây kéo suýt "ăn" vào tim của bé 5 tuổi

23/04/2021 - 12:29

PNO - Hơn 2 tháng đưa con trai đi khám khắp nơi, mẹ của bé không ngờ móc khóa dây kéo suýt “ăn” vào tim bé.

 

Sáng 23/4, thạc sĩ - bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho biết bệnh viện vừa kết hợp cả mổ nội soi và mổ hở để lấy móc khóa dây kéo bằng kim loại ra khỏi phế quản cho bé T.T.P. (5 tuổi, ở Đồng Nai).

Bé P. bị hóc chiếc móc khóa dây kéo tai hại này hơn 2 tháng gây hoen rỉ và bào mòn các mô cơ xung quanh đến trung thất (nằm trong lồng ngực và được đóng kín bởi màng phổi hai bên) của bé.

Theo đó, bé được mẹ đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1 do khò khè và luôn than khó thở hơn 2 tháng nay. Nhiều bệnh trước đó có điều trị nhưng bé vẫn tiếp tục ho, khò khè và khó thở.

Nghi ngờ bệnh nhi bị hóc dị vật đường thở bỏ quên, bác sĩ khám và phát hiện có một vật bằng kim loại ở phế quản. Tiếp tục chụp X-quang ghi nhận dị vật dài khoảng 20mm nằm ở phế quản, gần bóng tim của bé.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Như - Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: “Vừa thấy dị vật kim loại trong đường thở của bé bị oxy hóa, ăn mòn, gây viêm nhiễm các mô cơ xung quanh, “ăn” sát vào màng trung thất của tim, ê-kíp nội soi phải dừng lại ngay; bởi nguy cơ bệnh nhi bị chảy máu và biến chứng, tử vong rất cao nếu chạm đến dị vật”.

Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định chia làm 2 ê-kíp - vừa mổ nội soi rút móc khóa ra khỏi phế quản cho bé P., vừa mổ hở ở ngực phải - nơi dị vật tai hại này “cư trú” để kịp thời cầm máu, xử lý biến chứng nếu như màng trung thất bị dị vật “ăn” thủng.

Trải qua nhiều tiếng đồng hồ căng thẳng, ê-kíp bác sĩ nội soi đã khéo léo lấy được dị vật ra ngoài, bơm, vệ sinh các đám rối do móc khóa bị oxy hóa gây ra. May mắn, móc khóa không làm thủng màng phổi, tim và các mạch máu lớn. Sau khi xử lý, bác sĩ thám sát nhận thấy phổi phải của bé bị xẹp nên bóp bóng, đưa oxy vào phục hồi phổi cho bé. 

Sau mổ, sức khỏe của bệnh nhi ổn định, bớt khó thở, hết khò khè, phổi của bé hồi phục 2/3 diện tích, ở thùy giữa vẫn còn xẹp. Thời gian tới, bé sẽ được tập vật lý trị liệu để hồi phục phần phổi xẹp còn lại.

Suýt chút nữa, bé P. đã gặp nguy hiểm do chiếc móc khóa dây kéo bị bỏ quên trong phổi
Suýt chút nữa, bé P. đã gặp nguy hiểm do chiếc móc khóa dây kéo bị "bỏ quên" trong phổi

Chị Huệ (mẹ của bé) cho biết, chị không rõ chiếc khóa kéo bé P. nhặt từ đâu nhưng trước đây, bé có nói nuốt móc khóa trong lúc em trai rượt đuổi.

Bác sĩ Như cho hay, mỗi năm khoa Tai Mũi Họng của bệnh viện tiếp nhận từ khoảng 40 trường hợp trẻ bị hóc dị vật đường thở, đa số trẻ từ 2 đến dưới 5 tuổi. Trong đó, 2/3 trẻ không gặp biến chứng cấp thời nên dị vật bị bỏ quên trong thời gian dài rất nguy hiểm. Dị vật có nhiều loại, tùy theo hình dáng, thành phần cấu tạo, dị vật sẽ gây ra nhiều biến chứng khác nhau. Trong đó, nếu dị vật ở vị trí nhạy cảm như phổi, tim,… trẻ dễ gặp nguy cơ, tai biến. Từng có trẻ tử vong ngay trên bàn mổ do dị vật ghim sâu vào các mạch máu lớn làm mất máu nhanh, không cầm máu được.

Vì vậy, cha mẹ lưu ý khi trẻ đột nhiên quấy khóc, ho sặc trong lúc chơi đồ chơi, ăn uống... Sau ho sặc, nếu trẻ khò khè, khó thở, chảy nước mũi,… cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất, khai rõ bệnh sử để các bác sĩ kịp thời chẩn đoán và điều trị.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI