Mơ về một công viên bờ sông ấm tình người

15/02/2023 - 06:41

PNO - Không phải nhiều thành phố có được một con sông uốn lượn trước mặt và nước êm. Sông Sài Gòn chính là mặt tiền của TPHCM.

Bất cứ thành phố nào cũng có một vài nơi thu hút khách thập phương. Ai đến TP Hà Nội cũng dành chút thời gian tham quan hồ Gươm, đến TP Đà Nẵng thì ghé công viên sông Hàn đoạn có cầu Rồng. 

Khuôn viên quanh cột cờ Thủ Ngữ với diện tích hơn 3.000 m2 được trồng cỏ, lát đá tạo hoa sen cách điệu.
Khuôn viên quanh cột cờ Thủ Ngữ với diện tích hơn 3.000m2 được trồng cỏ, lát đá tạo hoa sen cách điệu

Thời gian gần đây, phố đi bộ Nguyễn Huệ và công viên ở bến Bạch Đằng cũng nằm trong danh mục thăm thú của người dân TPHCM và khách du lịch. Chỉ tiếc là khi đến đó, người dân chủ yếu đi lòng vòng, chụp vài kiểu hình là hết trò, có muốn ở lâu hơn cũng chẳng biết làm gì.  

Thật tiếc cho 2 ý tưởng lớn không thành hiện thực. Đó là làm hầm chui từ cột cờ Thủ Ngữ đến chân cầu Ba Son và làm công viên kiêm quảng trường ở bờ đối diện bến Bạch Đằng. Nếu các ý tưởng này thành hiện thực thì công viên ở bến Bạch Đằng sẽ là dải công viên liền mạch, không chỉ có chiều dài mà còn có chiều sâu hơn 200m tính từ bờ sông và ngồi bên này bờ ngó qua, sẽ rất đã con mắt. 

Không phải nhiều thành phố có được một con sông uốn lượn trước mặt và nước êm. Sông Sài Gòn chính là mặt tiền của TPHCM. Thành phố hoàn toàn có đủ khả năng biến bờ sông Sài Gòn thành nơi mà người dân tới dạo chơi, thư giãn với các hoạt động đa dạng, phong phú chứ không chỉ “đi dòng dòng” theo cách nói của người dân thành phố này. 

Mọi người để ý sẽ thấy, các bức ảnh giới thiệu công viên Bến Bạch Đằng được chụp bằng flycam cho nên nhìn rất đẹp bởi những thảm cỏ được trồng theo hình những chiếc lá. Nhưng nếu nhìn chúng theo phương ngang, sẽ thấy chỉ có 3 thứ là thảm cỏ, cột điện và một số cục xi măng hình khối chữ nhật để ngồi.

Cần phải trồng cây xanh tạo bóng mát, không phải vài bụi cây mà là nhiều cây theo 3 tầng cao, trung và thấp. Cây không chỉ tạo bóng mát mà còn tạo hình nghệ thuật với những hàng, cụm mang màu sắc khác nhau như muồng vàng, bằng lăng tím, phượng đỏ. Cũng cần có thêm tiểu cảnh, hoa, ghế đá và có thể có thêm vài nhà chòi gỗ nữa. Những xe bán đồ uống, đồ lưu niệm lưu động làm sinh động là điều cần có. 

Cả một dải dài như thế thì không thể không có một điểm nhấn là tượng nghệ thuật hay công trình kiến trúc như sư tử biển nổi tiếng ở Merlion Park của Singapore, hay cầu Rồng của TP Đà Nẵng. Khúc sông ở bến Bạch Đằng khá hiền hòa và rộng, cho nên việc khai thác mặt nước, thiết kế thêm cầu vươn ra trên mặt nước để đi dạo, ngắm sông, ngắm và nghe nhạc nước là điều hoàn toàn khả thi. Và việc thiết kế nên những thú vui tao nhã như nghe hát, ngâm thơ, trà đạo, biểu diễn thời trang trên sông bằng hệ thống thuyền bản địa như ở sông Chao Phraya, Bangkok là điều rất khả thi. 

Dọc bờ sông, những nơi nào còn rào chắn thì phá bỏ đi, những bãi giữ xe lấn chiếm không gian quá nhiều, nhà ga bến buýt sông làm đứt rời dải công viên thì dịch chuyển sang một chỗ khác hoặc đưa xuống tầng hầm, tổ chức lại sao cho gọn hơn nhằm làm cho dải bờ sông thông thoáng liền mạch, tạo ra một dải công viên bờ sông xanh, nghệ thuật và thân thiện.

Tôi đã đến bờ sông Hoàng Phố của Thượng Hải (Trung Quốc), sông Hán (đừng nhầm là sông Hàn) của Seoul (Hàn Quốc), sông Chao Phraya của Bangkok (Thái Lan) và nhiều con sông khác, nhận thấy họ hạnh phúc, thư thái. 

Hãy hình dung đi: chỗ này người già chơi cờ, tán gẫu, chỗ nọ thanh niên vẽ tranh ký họa, chỗ kia trẻ em vui đùa, những đôi trai gái chụp ảnh, những nhóm trẻ bàn tán về bộ phim đình đám và cả những người chả làm gì cả, chỉ ngồi xuống ngắm nhìn dòng sông và suy ngẫm. Nơi đây dành cho mọi người, kể cả những đứa trẻ bán vé số, đánh giày và những người kém may mắn chứ không phải cắt khúc ra, khoanh lại cho một số người thuộc tầng lớp dư dả thụ hưởng. 

Bờ sông Sài Gòn thiếu sự ấm áp của cộng đồng và đời sống sinh động hằng ngày. Như hiện nay, nó có vẻ như là không gian trống, hơi vô hồn...  

Có thể làm cho nó ấm áp và sinh động được không? Làm được, nếu những người có trách nhiệm và các nhà thiết kế thay đổi tư duy, chuyển từ cảnh quan cơ học sang không gian cộng đồng sống động. 

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI