Mơ về không gian nghệ thuật bên sông Sài Gòn

12/04/2024 - 06:34

PNO - Trong chuỗi hoạt động thuộc Liên hoan phim quốc tế TPHCM lần đầu tiên, chương trình chiếu phim ngoài trời (khu vực công viên TP Thủ Đức) là sự kiện thu hút đông đảo người dân tham dự. Từ hoạt động này, ước mơ về một không gian nghệ thuật công cộng dọc bờ sông Sài Gòn có lẽ không còn xa nữa.

Từ rạp chiếu phim ngoài trời…

Tối 10/4, gia đình anh Trọng Thiên (quận Phú Nhuận) đến công viên bờ sông Sài Gòn thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TPHCM) để hóng gió. Vừa hay đang trong thời gian diễn ra Liên hoan phim quốc tế TPHCM lần I (HIFF 2024), cả nhà có dịp trải nghiệm hoạt động giao lưu với nghệ sĩ và xem phim ngoài trời. Anh Trọng Thiên không giấu được cảm giác phấn khích, anh nói xem “quá đã” và mình “quá may mắn”. Gia đình anh Thiên không nghĩ buổi dạo mát tình cờ lại có cơ hội xem trọn bộ phim Cục nợ hóa cục cưng của Hàn Quốc ở màn hình lớn và trong không gian thoáng mát, cởi mở như vậy.

Diễn viên nhiều thế hệ giao lưu với người xem tại công viên điện ảnh
Diễn viên nhiều thế hệ giao lưu với người xem tại công viên điện ảnh

Đây là chuỗi hoạt động nằm trong sự kiện “Chiếu phim ngoài trời - Cine Park Thủ Đức” của HIFF 2024. Trong tuần lễ diễn ra sự kiện, khán giả được giao lưu với ê kíp làm phim Song lang, Kẻ đào mồ, Tây Sơn hào kiệt… cùng nhiều diễn viên Việt các thế hệ. Đặc biệt, người xem được thưởng thức nhiều tác phẩm trong nước và quốc tế như phim Mùa ổi, Dog days - sen boss sum vầy, Mùa len trâu…

Hoạt động chiếu phim ngoài trời trở thành điểm nhấn độc đáo của HIFF mùa đầu tiên. Nhưng cũng từ đây, người dân và giới làm nghệ thuật có thể mơ đến một không gian nghệ thuật công cộng, nơi khán giả và tác phẩm được tiếp cận gần gũi. Hoạt động này hoàn toàn có thể trở thành một sản phẩm cho du lịch về đêm của thành phố.

“Tôi nhận được lời mời tham dự buổi giao lưu với khán giả ở công viên điện ảnh chỉ 4 tiếng trước khi chương trình bắt đầu. Thời gian khá gấp, nhưng vì quá hào hứng và đồng thời cũng là trách nhiệm của người làm nghệ thuật, tôi đồng ý ngay. Đến đây, tôi bất ngờ vì bên bờ sông Sài Gòn lung linh về đêm, người dân có chỗ ngồi xem phim thoáng mát. Các hoạt động giải trí, ẩm thực khác cũng vô cùng đa dạng, tạo nên tổ hợp rất thu hút với người dân” - Nghệ sĩ ưu tú Kim Tuyến chia sẻ.

Khi công viên TP Thủ Đức đi vào hoạt động (tháng 12/2023), về đêm, từ trên cầu Ba Son hay dọc đoạn đường Tôn Đức Thắng (quận 1) nhìn sang, một đô thị hiện đại bên sông hiện lên rực rỡ ánh đèn. Nếu khai thác được thế mạnh của các công viên ven sông, TPHCM có thể tạo được đặc trưng riêng có của thành phố, tạo nét riêng so với những đô thị khác trên cả nước.

… Đến giấc mơ không gian nghệ thuật công cộng

Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung cho TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060 do liên danh tư vấn gồm Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP), Viện Quy hoạch miền Nam, Công ty TNHH Không gian xanh và Công ty EnCity gửi UBND TPHCM, tương lai thành phố sẽ có hàng chục công viên ven bờ sông Sài Gòn.

Những bộ phim chiếu ngoài trời được chọn lọc kỹ lưỡng về nội dung,  mang lại sự thích thú cho khán giả
Những bộ phim chiếu ngoài trời được chọn lọc kỹ lưỡng về nội dung, mang lại sự thích thú cho khán giả

Nhìn từ đồ án này, dải đô thị ven sông hoàn toàn có thể trở thành mảng không gian xanh hấp dẫn người dân thành phố và níu chân du khách. Điểm cần lưu tâm là khi những công viên này hình thành diện mạo, phần “hồn cốt” của chúng cần được xây dựng ra sao để vừa là điểm đến dạo chơi, hít thở không khí trong lành của người dân nhưng cũng phải tạo được giá trị về văn hóa, giải trí thậm chí mang về những nguồn lợi kinh tế từ du lịch.

“Từ công viên điện ảnh đang diễn ra, tôi nhớ về thời các đội chiếu bóng lưu động đi dọc các miền quê của Việt Nam để chiếu cho bà con xem. Bây giờ, hình ảnh ấy chỉ còn trong ký ức, nhưng chúng vẫn ở đó, chưa bao giờ nhạt phai. Tôi thấy nếu sau khi liên hoan phim kết thúc, chúng ta vẫn giữ được hoạt động chiếu phim ngoài trời vào cuối tuần thì quá độc đáo. Có thể chiếu các phim kinh điển của điện ảnh Việt để cả gia đình cùng xem. Từ đó, tình yêu điện ảnh, nghệ thuật và sự gắn kết gia đình có thể bồi đắp” - Nghệ sĩ ưu tú Mạnh Dung chia sẻ.

Công viên điện ảnh hiện thuộc hoạt động của HIFF 2024. Do đó khi sự kiện kết thúc, chương trình này có thể dừng lại vì kinh phí và nhân sự vận hành không nhỏ. Dù vậy, trải nghiệm những ngày qua cùng HIFF cũng gợi mở nhiều câu chuyện về phát triển không gian nghệ thuật công cộng ven sông, phù hợp với định hướng phát triển chung của thành phố.

NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM: TPHCM mang bản sắc “dáng sông, hồn phố”

Báo Phụ nữ TPHCM đã có cuộc trao đổi ngắn với Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) TPHCM, đại diện Ban tổ chức HIFF 2024 - về hiệu quả của hoạt động chiếu phim ngoài trời và tiềm năng phát triển không gian nghệ thuật ven sông Sài Gòn.

Phóng viên: Trong khuôn khổ HIFF, công viên điện ảnh ven sông là hoạt động được người dân và du khách thành phố cực kỳ yêu thích. Bà đánh giá thế nào về hiệu quả của hoạt động này?

NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy: Hoạt động chiếu phim công cộng nhiều năm qua luôn được Sở VH-TT TPHCM rất quan tâm, đã phối hợp với các cơ quan liên quan để thường xuyên tổ chức những đoàn chiếu phim lưu động đến các địa phương trên địa bàn thành phố, góp phần mang lại một kênh tuyên truyền, giải trí hiệu quả, với nhiều nội dung phong phú, đa dạng về thể loại, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và hiện đại.

Khán giả có thể ngả lưng trên ghế lười để xem phim ở  công  viên  bờ  sông
Khán giả có thể ngả lưng trên ghế lười để xem phim ở công viên điện ảnh

Trong khuôn khổ các hoạt động của HIFF 2024, hoạt động chiếu phim công cộng được đầu tư khác biệt và hấp dẫn. Ban tổ chức đầu tư 2 địa điểm với 2 phong cách khác nhau: khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ sôi động và công viên bờ sông TP Thủ Đức thoáng mát, tạo cảm giác thư thái. Các hoạt động nghệ thuật kết hợp giao lưu với đoàn làm phim, giới thiệu phim mới, gặp gỡ nghệ sĩ nổi tiếng và trình chiếu những bộ phim hay.

Ngoài ra, yếu tố quan trọng mà ban tổ chức tập trung đầu tư đó là hệ thống kỹ thuật âm thanh, ánh sáng hiện đại, đã góp phần nâng cao chất lượng, tôn vinh tác phẩm nghệ thuật, tối ưu hóa sự trải nghiệm của khán giả, tạo nên chuỗi hoạt động mang tính phức hợp, thu hút đông đảo người tham dự suốt gần 1 tuần qua.

* Từ hiệu quả của công viên điện ảnh, bà nghĩ thế nào nếu thành phố giữ mô hình này và phát triển khu vực thành địa điểm giải trí, trình diễn các hoạt động nghệ thuật ven sông?

- Đây là kỳ vọng của bản thân tôi và những người tham gia thực hiện chuỗi hoạt động chiếu phim công cộng tại TP Thủ Đức. TPHCM cần không gian nghệ thuật công cộng mang dấu ấn đặc sắc riêng biệt. Chúng tôi có ý tưởng thực hiện công viên điện ảnh và bắt tay thí điểm hoạt động mang tính tiền đề là tổ chức giới thiệu nghệ thuật điện ảnh ngay trong khuôn khổ HIFF. Sau HIFF, Sở VH-TT sẽ phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu xây dựng đề án tổ chức công viên điện ảnh của thành phố.

Đây là việc cần làm một cách kỹ lưỡng, cẩn trọng và đầu tư đúng mức. Khó khăn chính là quy hoạch, với diện tích đất đủ để thực hiện các không gian của một công viên điện ảnh đúng nghĩa. Ngoài ra, quy mô đầu tư không nhỏ. Có thể sẽ xây dựng theo phân kỳ từng giai đoạn nhằm đảm bảo hiệu quả lâu dài.

* Sở VH-TT có đề xuất thêm giải pháp nào trong câu chuyện phát triển không gian giải trí - nghệ thuật ven sông Sài Gòn?

- Sông Sài Gòn cùng nhiều kênh rạch uốn lượn mềm mại như len lỏi quanh những tòa nhà cao tầng, khiến những góc nhìn về thành phố từ trên cao vừa hùng vĩ, vừa nên thơ. Đêm xuống, khung cảnh như một bức tranh vẽ ra từ giấc mơ. Bản sắc “dáng sông, hồn phố” chính là giá trị văn hóa đặc biệt của TPHCM.

Chúng ta có lễ hội vào những ngày cận tết Nguyên đán “Trên bến dưới thuyền” hoặc “Lễ hội sông nước” tổ chức mỗi năm 1 lần, đều có nét thu hút và hấp dẫn, hình thành bằng chất liệu từ những dòng sông.

Nguồn tài nguyên từ dòng sông Sài Gòn đồng hành với dòng chảy lịch sử hàng trăm năm, là dư địa để các nhà sáng tạo nội dung có thể khai thác, biến thành những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc và vươn tầm quốc tế. Chúng ta cần những chương trình biểu diễn ổn định, thường xuyên để thu hút du khách, những chương trình hình thành từ dòng sông Sài Gòn có thể là yếu tố hết sức hấp dẫn và mang tính thương hiệu cho thành phố.

* Xin cảm ơn bà.

Khánh An (thực hiện)

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI