Đối diện định kiến lẫn rào cản pháp luật hà khắc, một số lao động nữ vẫn kiên trì đấu tranh vì quyền được yêu thương và mưu cầu hạnh phúc.
|
Góp phần chăm lo tổ ấm giúp người khác nhưng phụ nữ nhập cư tại Singapore lại không có quyền mang thai và tự do xây dựng các mối quan hệ cá nhân - Nguồn ảnh: Malay Mail |
Khi Vinny nhận ra mình có thai, chồng cô hy vọng họ sẽ có một bé gái. Vinny lại ước gì đây không phải sự thật. “Cảm giác đầu tiên của tôi là… sợ hãi” - cô nói.
Vinny có lý do để lo âu. Là lao động nhập cư đang làm giúp việc ở Singapore, mang thai đồng nghĩa với việc cô đã vi phạm điều khoản trong giấy phép lao động. Cô có thể ngay lập tức bị trục xuất và không thể tiếp tục đến Singapore làm việc.
Xuất thân từ một vùng quê nghèo thuộc Philippines, cả gia đình Vinny đều nhờ cậy vào đồng lương gửi về từ phương xa của cô.
“Khi mùa màng không tốt, bọn trẻ lại thiếu ăn, chúng tôi thiếu thốn đủ thứ trong nhà. Nếu bị cấm xuất ngoại làm việc, vợ chồng tôi nuôi nấng thêm một đứa trẻ bằng cách nào đây?” - Vinny (trước đó đã có 2 con trai) chia sẻ. Niềm vui được làm mẹ của cô, vì lẽ đó, hóa thành nỗi sợ hãi.
Bị dồn vào thế bế tắc
Người lao động ngoại quốc không được phép mang thai hoặc sinh nở tại Singapore, trừ khi bạn đời hợp pháp của họ là công dân trong nước hoặc có giấy tờ thường trú được công nhận bởi Bộ Nhân lực (MOM - cơ quan trực thuộc Chính phủ Singapore, quản lý các vấn đề về cư trú và việc làm). Quy định này vẫn tồn tại trong tình huống giấy phép lao động của họ đã hết hạn, bị hủy hoặc thu hồi.
Theo số liệu do MOM thống kê, từ năm 2019-2021, trung bình mỗi năm có 170 trường hợp lao động nữ nhập cư mang thai. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng thai phụ có thể cao hơn nhiều.
Pháp luật Singapore đặc biệt nghiêm khắc, đến mức người thuê lao động được yêu cầu phải chủ động trình báo với chính quyền ngay khi người lao động mang thai. Nếu chủ thuê không lên tiếng, lao động nữ nhập cư vẫn phải tham gia khám sức khỏe mỗi 6 tháng theo quy định. Nếu bị phát hiện có thai, họ sẽ nhanh chóng bị báo cáo và buộc thôi việc.
Vinny gặp được một chủ thuê tốt bụng. “Khi thai đã gần 2 tháng, tôi lấy hết can đảm nói thật với bà ấy. Rất may, bà ấy hiểu cho tôi” - cô kể.
Không chỉ không trình báo về Vinny, người này còn cho phép cô nghỉ thai sản tại quê nhà, sau đó vẫn để cô quay lại làm việc. Dù vậy, không phải ai cũng may mắn như Vinny. Một vài phụ nữ nhập cư lâm vào trạng thái bế tắc khi mang thai ngoài ý muốn đã chọn lối thoát tiêu cực.
Đóng giả một nữ giúp việc mang thai 3 tháng, phóng viên kênh tin tức CNA của Singapore trò chuyện với một người bán thuốc phá thai trên ứng dụng điện thoại WhatsApp.
“Cô cần uống thuốc nhanh đi. Nhiều người đã mua thuốc của chúng tôi. Uống xong, mọi thứ sẽ nhanh được giải quyết” - đoạn tin nhắn “chào hàng” của người bán không hề che giấu ý đồ thúc giục.
Cách “giải quyết”, theo lời quảng cáo mập mờ từ cửa hàng trực tuyến này là sử dụng Misoprostol - loại thuốc thường chỉ được chỉ định cho trường hợp mang thai dưới 2 tháng và cần có sự giám sát của bác sĩ.
“Thuốc phá thai là sự lựa chọn thoạt nhìn rẻ tiền và nhanh gọn nhưng tiềm ẩn hiểm họa khó lường. Nếu sử dụng bừa bãi, thiếu thận trọng, bạn có khả năng gặp biến chứng nhiễm trùng nguy hiểm” - bác sĩ Kenneth Wong - một chuyên gia sản khoa giàu kinh nghiệm tại Singapore - cho biết.
Kể cả khi lao động nữ muốn tự bảo vệ mình từ sớm, nhiều loại thuốc và phương án ngừa thai phổ biến tại Singapore hoặc đắt đỏ hoặc cần được kê đơn bởi bác sĩ để mua bên ngoài.
|
Ở Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore - 2 điểm đến hấp dẫn lao động nhập cư hàng đầu châu Á - lao động nữ thuộc tầng lớp thấp phải đối mặt nhiều thách thức, kỳ thị nếu phát hiện mình mang thai - Nguồn ảnh: Reuters |
Định kiến “đàn áp” nhân quyền
Theo phó giáo sư Kathiravelu Laavanya - chuyên ngành xã hội học, công tác tại Trường Khoa học xã hội và nhân văn trực thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), luật cấm mang thai nhắm vào lao động nữ nhập cư với nghề nghiệp phổ thông như giúp việc, giữ trẻ, chăm sóc người cao tuổi... phản ánh “một mặt tối của xã hội Singapore”.
“Những nhân công đến đất nước này bằng giấy phép lao động, như người giúp việc, không được xem trọng. Đơn giản vì nghề của họ bị đánh giá là không đòi hỏi kỹ năng/bằng cấp cao. Một lao động nữ giúp việc nhà khi mang thai tại Singapore dễ bị tấn công bởi tư tưởng kỳ thị tầng lớp, đặc biệt nếu cha đứa trẻ là công dân bản địa” - Laavanya nhận định.
Jaya Anil Kumar - nhà nghiên cứu và nhà hoạt động vì quyền cho người nhập cư - chỉ trích: “Vì sao chỉ lao động nhập cư phải chịu đựng điều này? Mỗi phụ nữ đều có quyền mang thai và sinh con theo mong muốn của họ. Người lao động nên có quyền tạo lập các mối quan hệ cá nhân, miễn là họ nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật nước sở tại.
Dù hiện giờ vẫn còn không ít chướng ngại, tôi mong giới chức trách Singapore sẽ dần thay đổi cách nghĩ về quyền của phụ nữ nhập cư. Hỗ trợ tài chính, nới lỏng quy định vì người lao động có thể tạo nên những bước tiến tích cực đầu tiên”.
“Mọi người xứng đáng được yêu”
Jewel - một chủ thuê lao động nhập cư - góp ý, nếu phụ nữ phải hứng chịu áp lực lẫn hình phạt từ chính quyền địa phương khi mang thai, cha đứa trẻ nên cùng chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Cô lý giải: “Một nữ nhân công của tôi bị một người đàn ông Singapore gạ gẫm. Cái thai là ngoài ý muốn, chính cô ấy cũng là nạn nhân. Vậy tại sao chỉ cô ấy phải nhận án phạt, bị buộc rời đi? Nếu không suy xét sự việc từ góc nhìn của phụ nữ và cảm thông cho họ, tôi nghĩ vòng lặp tồi tệ ấy sẽ tái diễn, gây hại cho nhiều người nữa”.
Sunny - đến từ Indonesia - không ngờ người đàn ông trông điềm đạm, nhã nhặn cô tình cờ quen biết nơi đất khách lại là một trường hợp như thế. “Tôi nhận ra mình yêu anh ta. Chúng tôi hẹn hò rồi phát sinh quan hệ. Thế nhưng, vài tháng sau, khi thông báo rằng mình mang thai, tôi mới hay biết sự thật chua chát. Anh ta tiết lộ rằng đã có gia đình” - cô nói.
“Quãng thời gian đó, tôi căng thẳng và đau khổ vô cùng. Tôi cảm thấy mình đã phạm sai lầm lớn. Đứa trẻ đáng thương này có khiến tôi phạm một sai lầm nữa không?” - Sunny bày tỏ.
Lớn lên trong một gia đình truyền thống, viễn cảnh Sunny sợ hãi hơn cả là khi cô quay về nhà, cha mẹ cô sẽ không chấp nhận nổi việc con gái có thai trước hôn nhân.
|
Sunny từng lầm lỡ và có thai ngoài ý muốn khi đang làm việc tại Singapore - Nguồn ảnh: CNA |
Vừa muốn bảo vệ đứa trẻ, vừa không muốn đánh mất công việc trang trải giúp gia đình, Sunny quyết định nói dối chủ thuê rằng cô muốn tạm nghỉ để về thăm nhà.
Sau đó, cô tìm tới Yayasan Dunia Viva Wanita - một tổ chức phi lợi nhuận ở đảo Batam (tỉnh Riau, Indonesia). Nơi đây có một trung tâm chuyên bảo trợ các lao động nữ mang thai, giúp họ sinh nở thuận lợi, an toàn thay vì phải chọn giải pháp tiêu cực như phá thai bất hợp pháp.
Nhờ tổ chức xã hội hỗ trợ, cô sinh hạ một bé trai khỏe mạnh. Sunny cuối cùng đã hòa giải với gia đình và tìm thấy hạnh phúc mới. Hiện tại, cô vẫn làm giúp việc tại Singapore.
“Tôi hy vọng mọi người đừng vội dùng ánh mắt nghi ngại hay đổ lỗi cho những lao động nữ nhập cư mang thai nơi xứ người. Chúng tôi cũng phải gồng gánh đủ loại sức ép. Nhưng dù ở hoàn cảnh nào, mọi người xứng đáng yêu và được yêu. Phụ nữ chúng tôi có quyền lựa chọn hạnh phúc cho mình” - Sunny bộc bạch.
* Để bảo vệ quyền riêng tư, tên các phụ nữ nhập cư trong bài viết đã được thay đổi.
Như Ý (theo CNA)