Mơ ước mưu sinh hóa thành cơn ác mộng - Bài 1: Phía sau những cánh cửa đóng kín

27/07/2024 - 20:03

PNO - Bôn ba mưu sinh giữa một đất nước xa lạ là trải nghiệm đầy thử thách với bất kỳ ai. Thế nhưng, nếu là phụ nữ nhập cư, khó khăn bạn phải đối diện đôi khi càng ngậm ngùi khôn tả.


Theo thống kê năm 2018 từ Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO - cơ quan trực thuộc Liên hiệp quốc), trong 164 triệu lao động nhập cư trên toàn thế giới, 41,6% là phụ nữ. Tại nhiều nước phát triển thuộc Âu Mỹ, lao động nhập cư là nữ giới từ những quốc gia thu nhập thấp của châu Á và Nam Mỹ chiếm tỉ lệ áp đảo.

Phụ nữ được đào tạo bài bản hơn về chuyên môn nghề nghiệp là một điểm sáng trong làn sóng lao động nhập cư hiện nay. Tuy nhiên, chướng ngại như định kiến giới vẫn khiến phái nữ khó tìm việc làm hoặc phải gắn bó với các công việc phổ thông có đồng lương, phúc lợi ít ỏi. Lẩn khuất đằng sau đó còn là vô số mối họa, như nạn lạm dụng sức lao động, bạo lực, quấy rối…

Bị xem như những cá nhân yếu thế, phụ nữ đang tự bảo vệ mình và tìm chỗ đứng ra sao trên đất khách để rồi nghị lực sống cùng sự lạc quan ở họ đã truyền cảm hứng cho chúng ta?

Sau cánh cửa đóng kín của những căn hộ  đắt đỏ tại trung tâm London, người lao động nhập cư có thể đang khóc thầm -  Ảnh minh họa: Getty Images
Sau cánh cửa đóng kín của những căn hộ đắt đỏ tại trung tâm London, người lao động nhập cư có thể đang khóc thầm - Ảnh minh họa: Getty Images

Người nhập cư từ Philippines, chủ yếu là nữ giới, chiếm tỉ lệ áp đảo trong tổng số lao động giúp việc nhà trên toàn cầu. Mơ ước mưu sinh có thể hóa thành cơn ác mộng khi nạn bóc lột, xâm hại nhân quyền và hạn chế về visa không ngừng áp bức cuộc sống của họ. Nhằm thoát khỏi nghịch cảnh ấy, một số phụ nữ đang kề vai sát cánh, tiếp thêm dũng khí và hy vọng cho nhau.

Mary hết mực yêu thương những đứa trẻ mình chăm sóc dù cô không sinh ra chúng. Khi cha mẹ bọn trẻ thường xuyên vắng nhà vì công việc, người phụ nữ tần tảo ấy thay mặt xuất hiện tại mọi sự kiện quan trọng của con cái họ: lễ tốt nghiệp, buổi đi chơi, cuộc hẹn khám sức khỏe…

2 đứa trẻ quyến luyến Mary nhưng cũng không thể giúp người bảo mẫu mang thân phận lao động nhập cư được ở lại nước Anh làm việc lâu dài.

Chấp nhận đánh đổi vì gia đình

Ở quê nhà Philippines, Mary cũng có gia đình của riêng mình. Đáng tiếc, do phải vất vả kiếm sống nơi phương xa, cô đã bỏ lỡ hầu hết những khoảnh khắc quan trọng trong đời các con. “Con gái lúc nhỏ thậm chí từng trách tôi vì sao lại bỏ rơi chị em con bé. Nhưng nếu được lựa chọn, tôi đâu muốn làm thế” - Mary nói.

Rất nhiều lao động nữ như Mary giấu nỗi nhớ thương và cảm giác tội lỗi với người thân sâu trong lòng. Giữa xứ người, họ miệt mài lau dọn nhà cửa, nấu ăn, mua sắm, chăm trẻ cho các gia đình ngoại quốc giàu có để đổi lại khoản lương chỉ quanh quẩn ở mức tối thiểu - 10 bảng Anh (hơn 300.000 đồng)/giờ.

Theo quy định, Mary làm việc 8 tiếng/ngày nhưng cô thường phải tăng ca đến 12 tiếng, thậm chí lâu hơn mà không có tiền thưởng. Gần như toàn bộ số lương ấy được cô chắt chiu để gửi về nhà. “Tôi đã lo đủ chi phí cho các con tôi học lên đại học. Nay bọn trẻ có công việc ổn định cả rồi. Cứ nghĩ cuộc sống con cái sẽ tốt hơn mình ngày xưa, mệt nhọc hơn nữa tôi cũng không tiếc” - Mary chia sẻ.

Dẫu vậy, bao sự nhẫn nhịn, chịu thương chịu khó vẫn không đổi lại được quyền lợi chính đáng cô đáng được hưởng. Cặp vợ chồng thuê Mary - 2 giám đốc điều hành của 1 tập đoàn lớn - trả phí pháp lý để cô gia hạn visa và được phép sống tại London 10 năm qua. Đổi lại, bên trong căn hộ hạng sang nơi Mary trông trẻ và giúp việc nhà từ sáng sớm đến tận đêm khuya, lâu nay cô không nhận được bất kỳ khoản phúc lợi nào ngoài lương căn bản.

Một buổi biểu tình đòi quyền lợi của lao động nữ nhập cư người Philippines bên ngoài Tòa nhà Quốc hội Anh năm 2018 - Nguồn ảnh: Alamy
Một buổi biểu tình đòi quyền lợi của lao động nữ nhập cư người Philippines bên ngoài Tòa nhà Quốc hội Anh năm 2018 - Nguồn ảnh: Alamy

Trung bình mỗi năm, Bộ Nội vụ Anh cấp 22.000 visa cho lao động nhập cư, trong đó gần 50% là người gốc Philippines. Một số làm việc cho chủ thuê người bản địa như Mary, số khác đi theo các gia đình trung lưu - thượng lưu di dân từ Trung Đông, châu Á. Phía sau cánh cửa đóng kín của một biệt thự hay chung cư cao cấp, không ai dám chắc những người lao động này, chủ yếu là phụ nữ, có đang bị lạm dụng, thậm chí xâm hại, ngược đãi.

“Chúng tôi như người vô hình”

Tại Anh và nhiều quốc gia phát triển khác, người nhập cư làm nghề phổ thông như giúp việc nhà, bảo mẫu… thường xuyên phải có mặt mọi lúc mọi nơi theo yêu cầu của chủ. Họ phải tăng ca liên tục, đồng nghĩa phải cắt xén thời gian nghỉ ngơi trong khi không được nhận thêm tiền thưởng hay phúc lợi. Chỉ cần chủ thuê chấm dứt hợp đồng, người lao động nhập cư lập tức rơi vào tình thế trơ trọi, gần như không được bảo vệ.

Tiếp xúc với không ít đồng hương cùng cảnh ngộ, Mary cảm thán, có phần đau xót: “Ngoài kia, chúng tôi giống như người vô hình”. Người phụ nữ trung niên vóc dáng nhỏ nhắn thường cùng một nhóm nữ giúp việc gốc Á khác lặng lẽ rời ga tàu khi bình minh vừa lên, tranh thủ có mặt kịp lúc tại dãy nhà đắt đỏ bậc nhất London để quét dọn và chuẩn bị bữa sáng cho những gia đình xa lạ.

Nineza làm công cho một gia đình hoàng thân từ Trung Đông, với nhiệm vụ chăm sóc 1 bé trai mới sinh. Năm đứa trẻ lên 3, vì muốn tiếp tục làm việc kiếm sống, cô phải theo họ đến Anh, từ đó luôn bị giam giữ tại nhà. Nineza thường xuyên bị bỏ đói.

Khi dẫn cô ra ngoài để trông trẻ, những người chủ luôn buộc Nineza đứng đợi bên ngoài nhà hàng sang trọng hàng giờ liền trong khi cả gia đình ăn uống bên trong.

Yếu thế và tuyệt vọng, Nineza thử dùng Google, Facebook để nhờ giúp đỡ từ các đồng hương Philippines. May thay, cô tìm được Tổ chức Từ thiện Kanlungan - đơn vị đang bảo trợ cũng như đấu tranh cho quyền lợi của người nhập cư gốc Á ở Anh. Kế hoạch giải cứu Nineza được triển khai ngay sau đó.

Sinh ra tại vùng nông thôn nghèo, năm 2015, Judith đến Anh giúp việc cho một chủ thuê giàu có người Qatar. “Gia đình họ giam cầm, hành hung, mắng nhiếc tôi mỗi ngày. Họ đối xử với tôi như với một con vật. Đến giờ, ký ức đó vẫn khiến tôi khổ sở” - Judith hồi tưởng. Ngày nọ, cô xếp vài bộ quần áo vào túi nhựa, lẻn ra ngoài và chưa từng quay đầu lại.

Thông qua một đoàn thể không chính thức thành lập bởi những người lao động nhập cư nhằm giúp đỡ lẫn nhau đấu tranh trước nạn bóc lột, lạm dụng, Judith gặp gỡ Mary. Mary đã nhường chiếc sofa tại căn hộ nhỏ của mình cho người đồng hương. Cô còn giới thiệu cho Judith một công việc bán thời gian an toàn và phù hợp...

Tilan (đeo kính) đang nấu ăn cùng nhóm  phụ nữ  được giải cứu,  tại trung tâm cứu trợ -  Nguồn ảnh:  Al Jazeera
Tilan (đeo kính) đang nấu ăn cùng nhóm phụ nữ được giải cứu, tại trung tâm cứu trợ - Nguồn ảnh: Al Jazeera

Vài năm qua, số lao động nữ kêu cứu vì bị xâm hại, bóc lột đang có dấu hiệu tăng. Sheila Tilan - đồng sáng lập Hiệp hội Bảo trợ Người lao động nhập cư gốc Philippines tại Anh - cho biết, từ tháng 10/2022 đến tháng 6/2023, 27 nạn nhân đã liên hệ với tổ chức của cô. Thế nhưng gần đây, số trường hợp mới được phát hiện đã lên đến hơn 15 người mỗi tháng.

Mỗi Chủ nhật, Tilan và Mary dẫn dắt loạt sự kiện cộng đồng như cầu nguyện tại nhà thờ và đàm thoại về quyền lợi người lao động. Các tổ chức của họ liên kết cùng một số luật sư, nhà hoạt động nhân quyền với mục tiêu phổ biến đến người nhập cư gốc Philippines, nhất là lao động nữ, nhiều kiến thức thiết thực.

Tilan - một nữ giúp việc đã bôn ba kiếm sống trên đất khách hơn 20 năm - bày tỏ: “Đôi khi, lao động nhập cư chưa từng biết rằng họ có quyền đòi hỏi quyền lợi hợp pháp thuộc về họ. Đương nhiên chúng tôi ao ước hệ thống luật pháp tại Anh lẫn Philippines sẽ được cải thiện để tăng cường bảo vệ người lao động nhập cư. Trong khi chờ đợi một tương lai tươi sáng hơn, ngay lúc này, chúng tôi chọn nương tựa vào nhau”.

Theo một khảo sát quy mô tiến hành năm 2019 bởi Tiếng nói những người giúp việc - tổ chức xã hội tại Anh chuyên kết nối và bảo trợ lao động nhập cư làm nghề giúp việc, 69% người được phỏng vấn cho biết họ không có phòng riêng để nghỉ lại trong nhà chủ thuê; hơn 50% phải chịu đói mỗi ngày; 3/4 từng bị lăng nhục, đánh đập; gần 10% là nạn nhân của xâm hại tình dục. Rất nhiều người còn bị giam lỏng tại nơi làm việc, bị tước hộ chiếu.

Như Ý (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI