Mở trang mới cuộc đời cho trẻ không danh tính

23/01/2024 - 05:55

PNO - Trong 10 năm qua, dự án “Trang mới cuộc đời” của Viện nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững - MSD United Way Việt Nam (MSD) đã trao gần 300 tấm giấy khai sinh cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời, hỗ trợ giáo dục, y tế, dinh dưỡng và kỹ năng sống cho gia đình các em.

Những tấm vé thông hành vào đời

Tháng 9/2023, N.H.N. (8 tuổi, ngụ quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) tự hào đeo cặp sách, bước những bước chân đầu tiên vào lớp Một tại Trường tiểu học Hạ Đình. Đó là thành quả sau nhiều tháng nỗ lực của gia đình với sự hỗ trợ của MSD. So với các bạn cùng lớp, H. lớn hơn 1 tuổi vì em đi học trễ 1 năm và chưa một ngày học mẫu giáo. 

Sở dĩ, H. không thể đến trường đúng tuổi bởi em không có giấy khai sinh. Năm 2016, sinh H., vì không có 10 triệu đồng nộp viện phí nên mẹ H. đã trốn viện. H. chào đời không có giấy chứng sinh, trong khi người mẹ cũng không ý thức được tờ giấy đó có ý nghĩa quan trọng như thế nào đến cuộc đời con mình.

Mãi đến khi H. không thể đi học, gia đình mới gom góp tiền trả cho bệnh viện để lấy giấy chứng sinh. Nhưng mọi chuyện lại tiếp tục rắc rối: khi sinh con, mẹ H. có hôn thú với một người đàn ông khác không phải là cha của con mình. Điều này có thể dẫn đến việc tranh chấp quyền nhận con giữa người chồng của mẹ và cha đẻ của H. khiến cho thủ tục làm giấy khai sinh của em càng trở nên khó khăn.

Tháng 7/2023, gia đình H. đã tìm đến các cơ quan chức năng nhờ hỗ trợ xét nghiệm ADN và tư vấn làm giấy khai sinh. Tiếp nhận trường hợp của em thông qua Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI), MSD đã hỗ trợ chi phí xét nghiệm ADN và tư vấn, hỗ trợ từng bước về thủ tục. Và cuối cùng, H. đã được khai sinh và kịp bước vào mùa khai giảng năm học 2023-2024. 

Cũng như H., ngày 26/10/2023 vừa qua, mẹ của P.G.B. (9 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TPHCM) đã xúc động rơi nước mắt khi cầm trên tay tờ giấy khai sinh đứa con đã bước qua tuổi thứ tám. Trong căn nhà tình thương trống hoác, mẹ B. ôm 3 đứa con nhỏ nghẹn ngào. Gia đình chị trước sống ở Tây Ninh, vì trốn chạy sự bạo hành của người chồng, chị đã đưa các con về Củ Chi tá túc bên nhà ngoại. B. là con lớn của chị. Em được sinh ra tại Bệnh viện tỉnh Tây Ninh nhưng không có giấy chứng sinh.

Tháng 8/2023, sau khi tiếp nhận trường hợp của B. thông qua Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề thanh thiếu niên TPHCM, MSD đã làm việc với các cơ quan liên quan, đồng thời hỗ trợ chi phí xét nghiệm ADN và hỗ trợ tài chính để làm giấy khai sinh cho em. Có giấy khai sinh, B. được đến trường, được hỗ trợ bảo hiểm y tế.

Dù chưa nhận thức được tờ giấy khai sinh có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc đời một con người, nhưng B. vẫn cảm thấy “con như đang bắt đầu một cuộc sống mới”. 

“Cây ước mơ” dán đầy ắp những ước mơ, hoài bão của các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn
“Cây ước mơ” dán đầy ắp những ước mơ, hoài bão của các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn

Hành trình dài cần sự chung tay

Cùng chồng và con gái 8 tuổi tham dự chương trình “Trang mới cuộc đời - Nếu có một điều ước” do MSD tổ chức sáng 20/1, Nguyễn Thị Linh (29 tuổi, ngụ quận 4, TPHCM) rưng rưng nước mắt khi nhìn thấy những tấm giấy khai sinh được ban tổ chức trao cho các trẻ. Cũng là một người “không danh tính” được chương trình hỗ trợ làm khai sinh, nhưng đến nay, hành trình của Linh vẫn chưa kết thúc bởi trường hợp của chị gặp nhiều khó khăn.

Chị kể: “29 năm qua, tôi sống như một chiếc bóng vô hình trong xã hội. Hồi còn trẻ, tôi không được đến trường, quanh năm chỉ quanh quẩn ngoài chợ bán rau. Nhiều lần bệnh, tôi cũng chỉ đi mua thuốc uống chứ chưa từng đến bệnh viện. Đến khi lấy chồng sinh con, vì không có giấy tờ tùy thân, tôi không làm được giấy chứng sinh cho con, và giờ đây, con tôi cũng giống mẹ, vẫn chưa có giấy khai sinh”.

Sinh ra và lớn lên ở quận 4, mẹ cha đầy đủ, nhưng Linh không hiểu tại sao ngày trước mẹ không làm giấy khai sinh cho chị. Nhiều lần Linh hỏi, mẹ chị qua loa: “Mắc buôn bán, không có thời gian”. Chị thất học. Đến năm 2016, mẹ chị mất khiến cho quá trình chứng minh nhân thân càng thêm phức tạp.

Không để con thất học giống mình, năm 2021, khi bé T.N. - con chị Linh - tròn 6 tuổi, chị quyết tâm phải làm bằng được giấy khai sinh để con được đến trường. Thế rồi nhờ sự hỗ trợ từ nhiều phía, gần 30 tuổi, Linh mới cùng chồng đến Bệnh viện Từ Dũ để trích lục lại giấy chứng sinh của mình. Chị cũng phải xét nghiệm ADN giữa mình và cha để xác định nhân thân.

Song song đó, con chị và chồng cũng làm xét nghiệm ADN để xác định quan hệ huyết thống. “May mắn là, hành trình 2 năm qua chúng tôi không tốn kém gì. Tất cả mọi chi phí, kể cả xét nghiệm ADN đều được hỗ trợ. Nếu không có sự giúp đỡ này, chắc tôi đành buông tay” - chị Linh nói.

Hiện nay, bé T.N. vẫn chưa được đến trường. Hằng ngày, Linh dẫn con đi bán dạo kẹo cao su và bông tăm, còn chồng đi phụ hồ, chạy xe ôm trong xóm kiếm cơm qua bữa.

Bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng MSD - cho biết, có muôn vàn lý do khiến những đứa trẻ hiện diện trên cõi đời này không có giấy khai sinh. Có những em bị cha mẹ bỏ rơi ngay từ khi mới lọt lòng, có những trường hợp vì không có tiền trả viện phí mà chưa được cấp giấy chứng sinh khiến việc khai sinh gặp trắc trở.

Hành trình làm giấy khai sinh cho các em vì thế rất khó khăn, tốn kém nhiều chi phí để chứng minh, khẳng định. Thế nhưng, trong hành trình 10 năm qua, “Trang mới cuộc đời” đã trao gần 300 tấm giấy khai sinh cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, chương trình cũng hỗ trợ giáo dục, y tế, dinh dưỡng và kỹ năng sống cho gia đình các em.

Các em nhỏ tham gia chương trình “Trang mới cuộc đời - Nếu có một điều ước” viết lại ước mơ của mình
Các em nhỏ tham gia chương trình “Trang mới cuộc đời - Nếu có một điều ước” viết lại ước mơ của mình

“Đó là thành tựu mà chúng tôi vô cùng tự hào. Nhưng để thực hiện những điều ước của các em, để mọi trẻ em đều có thể theo đuổi ước mơ, tối đa hóa mọi tiềm năng của mình, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm và đó phải là hành trình đồng hành lâu dài và cam kết. Tôi hy vọng có thêm nhiều sự chung tay, tiếp sức, giúp các em có động lực và nguồn lực vượt qua nghịch cảnh, nỗ lực đạt được ước mơ và trở thành những công dân có trách nhiệm, có ích cho xã hội” - bà Nguyễn Phương Linh gửi gắm.

Ông Huỳnh Tấn Đạt - Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước TPHCM - chia sẻ, hành trình trợ giúp pháp lý, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đã mang đến cho những người làm dự án nhiều cung bậc cảm xúc. Mỗi trẻ đều có hoàn cảnh riêng và có những trẻ rơi vào trường hợp rất đặc biệt. Chính vì thế, việc hỗ trợ đăng ký khai sinh cho các em đôi khi cũng không dễ dàng.

Để hỗ trợ các em, trung tâm đã tập huấn cho các cộng tác viên tại các mái ấm, nhà mở, đồng thời, phối hợp cùng MSD để hỗ trợ thủ tục. Về kinh phí để thực hiện các bước thủ tục đăng ký giấy khai sinh như xét nghiệm ADN… đều do MSD vận động hỗ trợ. 

Ngày 20/1, 100 trẻ em tại 8 mái ấm, lớp học tình thương và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại TPHCM đã tham gia chương trình “Trang mới cuộc đời - Nếu có một điều ước” do MSD tổ chức.

Đây là sự kiện trong chiến dịch truyền thông và gây quỹ thường niên do MSD thực hiện nhằm tạo ra một không gian truyền cảm hứng và kêu gọi sự chung tay hỗ trợ, giúp hiện thực hóa ước mơ của mọi trẻ em, đặc biệt là trẻ em chưa có giấy khai sinh và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn do MSD hỗ trợ.

Tại sự kiện, các em được giao lưu, được truyền cảm hứng để kiên trì với ước mơ của bản thân, được trao giấy khai sinh để trở thành những công dân chính thức, được hưởng các quyền lợi cơ bản, được hiện thực hóa ước mơ từ sự hỗ trợ của những khách mời, đại sứ của chương trình, cũng như được nhận những phần quà để gia đình có được một cái tết đủ đầy, ấm áp.

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI