Mở tổng đài tin nhắn để giữ trật tự lòng lề đường

12/03/2018 - 09:06

PNO - “Tổng đài tin nhắn” của UBND phường Bình Trị Đông B không chỉ gửi thông tin tuyên truyền về việc giữ trật tự lòng lề đường mà còn có các thông tin tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, cải cách hành chính, an ninh trật tự.

Mới đây, tại cuộc gặp gỡ của lãnh đạo TP.HCM với 322 chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn, bà Trương Thị Minh Tín - Chủ tịch UBND P. Bình Trị Đông B, Q. Bình Tân - đã tự tin báo cáo với lãnh đạo TP.HCM về việc phường mình đã giữ được ổn định trật tự lòng lề đường trong một năm qua nhờ nhiều biện pháp, mô hình, trong đó có “tổng đài tin nhắn”. 

Mo tong dai tin nhan de giu trat tu long le duong
Bà Trương Thị Minh Tín trao đổi với phóng viên về mô hình “tổng đài tin nhắn”

Chúng tôi đã trao đổi với bà Trương Thị Minh Tín để có thêm thông tin về các mô hình này.

- Bà đánh giá như thế nào về công tác lập lại trật tự lòng lề đường ở P. Bình Trị Đông B trong một năm vừa qua?

- Bà Trương Thị Minh Tín: P. Bình Trị Đông B giữ vững được ổn định trật tự lòng lề đường là nhờ làm rất quyết liệt. Cách làm của chúng tôi là lập tổ tự quản do hội cựu chiến binh phụ trách, ở các khu dân cư thì giao cho tổ dân phố phụ trách. Các tuyến đường có kẻ vạch sơn trên vỉa hè thì dân chỉ sử dụng phần bên trong vạch sơn; còn những tuyến do vỉa hè nhỏ quá thì dân chủ động sử dụng 50%.

Bên cạnh đó, để nâng cao ý thức của người dân, chúng tôi còn thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền, trong đó hiệu quả nhất là mô hình tuyên truyền qua “tổng đài tin nhắn”. Sau một năm áp dụng, mô hình này được đánh giá là hiệu quả. 

- Cụ thể mô hình “tổng đài tin nhắn” như thế nào, thưa bà?

- Bà Trương Thị Minh Tín: Để thực hiện mô hình này, chúng tôi thu thập hơn 5.000 số điện thoại của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hộ dân trên địa bàn phường và chia số điện thoại này thành từng nhóm để dễ quản lý. Sau đó, chúng tôi phối hợp với nhà mạng Viettel xây dựng hệ thống “tổng đài tin nhắn” của UBND phường. Khi có tổng đài, chúng tôi đưa thông tin tuyên truyền trên hệ thống và gửi đến người dân.

“Tổng đài tin nhắn” không chỉ gửi thông tin tuyên truyền về việc giữ trật tự lòng lề đường mà còn có các thông tin tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, cải cách hành chính, an ninh trật tự...

- Với hơn 5.000 số điện thoại, mỗi tháng, phường phải mất bao nhiêu kinh phí để vận hành “tổng đài tin nhắn”, thưa bà?

- Bà Trương Thị Minh Tín: Chúng tôi phân chia số điện thoại theo nhóm nên với mỗi thông tin tuyên truyền, chúng tôi sẽ gửi đến nhóm đối tượng cần thiết chứ không nhắn đại trà. Trong năm vừa qua, trung bình mỗi tháng, chúng tôi chỉ mất khoảng 4 triệu đồng để vận hành mô hình “tổng đài tin nhắn”.

- Bà có thể chia sẻ rõ hơn về nội dung tin nhắn mà phường gửi đến cho người dân?

Mo tong dai tin nhan de giu trat tu long le duong
“Tổng đài tin nhắn” gửi thông tin đến hơn 5.000 hộ dân ở P. Bình Trị Đông B

- Bà Trương Thị Minh Tín: Do nhắn tin trên điện thoại nên dung lượng tin nhắn phải ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu để người dân nắm bắt nhanh. Tin nhắn gửi đi với mục đích tuyên truyền, nhắc nhở là chính.

Hiện tại, ngoài P. Bình Trị Đông B, một số phường và cả Đội Quản lý trật tự đô thị Q. Bình Tân cũng áp dụng mô hình “tổng đài tin nhắn” với khoảng hơn 100.000 số điện thoại. Bước đầu, chúng tôi nhận thấy mô hình này mang lại hiệu quả thiết thực, đặc biệt là giúp người dân nâng cao ý thức về bảo đảm trật tự lòng lề đường.

Ông Đỗ Đình Thiện - Phó chủ tịch UBND Q. Bình Tân

Ngay ngày hôm qua, chúng tôi có nhắn cho người dân nội dung sau: “Thông báo, nhằm đảm bảo an ninh trật tự, các hộ dân lưu ý, khi có người quen ở lại qua đêm, đề nghị thông báo cho cảnh sát khu vực, ban chỉ huy công an phường được biết. Trân trọng!” kèm theo số điện thoại của trực ban công an phường.

Còn tin nhắn về trật tự lòng lề đường, chủ trương của phường cũng chỉ nhắc nhở, tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân. Nội dung tin nhắn trước khi gửi đi được chúng tôi cân nhắc rất kỹ sao cho ngắn gọn, dễ hiểu, tránh mệnh lệnh, sáo rỗng gây cảm giác khó chịu cho người tiếp nhận, để người dân thấy còn muốn mở ra đọc.

- Hiệu quả mà mô hình “tổng đài tin nhắn” mang lại cho P. Bình Trị Đông B trong năm vừa qua?

- Bà Trương Thị Minh Tín: Theo tôi nghĩ, trong thời đại công nghệ thông tin, việc tuyên truyền phải nhanh chóng, để lại dấu ấn cho người dân. Việc sử dụng tin nhắn hiệu quả do hiện nay hầu như nhà nào cũng có điện thoại di động, thông tin đến với họ sẽ nhanh chóng hơn. Nếu phát tờ rơi, có khi họ nhìn lướt qua rồi bỏ, nhưng với tin nhắn, họ sẽ mở điện thoại đọc và tin nhắn sẽ còn trong điện thoại.

Mặt khác, nếu sử dụng băng-rôn tuyên truyền, địa phương chúng tôi phải in 14 băng-rôn treo ở 14 khu phố; mỗi băng-rôn tốn 300.000 đồng nhưng liệu có mấy người đọc được? Cho nên, gửi tin nhắn nhanh và hiệu quả hơn. 

Đối với công tác giữ trật tự lòng lề đường, việc nhắn tin tuyên truyền giúp giảm phát loa. Khi ý thức người dân được nâng cao, mình cũng giảm các đợt kiểm tra, xử phạt. Thay vì phải xuống tận nơi nhắc nhở, xử phạt, mình nhắn tin để người dân họ chấp hành thì sẽ hiệu quả, đỡ tốn kinh phí hơn rất nhiều.

- Xin cảm ơn bà đã chia sẻ. 

Cảm thấy được chính quyền địa phương quan tâm

Lần đầu tiên nhận được tin nhắn của UBND phường, tôi hơi bất ngờ. Dần dần về sau, nhận được nhiều nội dung tin nhắn như nhắc nhở phòng, chống dịch bệnh, an ninh trật tự, tôi cảm thấy chính quyền địa phương quan tâm, sâu sát đời sống của người dân. 

Về trật tự lòng lề đường, đôi khi buôn bán mình cũng sơ ý để xe ngoài vạch sơn, nhưng khi nhận tin nhắn, mình chấn chỉnh lại liền. Cách làm này tiến bộ hơn là đi phát tờ rơi, cử cả đoàn cán bộ đi phát loa, rồi kiểm tra, xử phạt.

Chị Trần Thị Tròn (đường số 7, P.  Bình Trị Đông B)

Xóa bỏ “ác cảm” với cán bộ trật tự đô thị

Trước đây, phường thường cử cán bộ đô thị đi kiểm ra, xử lý vi phạm lòng lề đường. Cách làm này tạo cảm giác không mấy thiện cảm. Người dân tuân thủ vì sợ bị cán bộ trật tự đô thị chứ không phải do ý thức tuân thủ trật tự lòng lề đường được nâng lên. Ở các địa phương khác cũng vậy, ra quân dẹp vỉa hè rầm rộ nhưng rồi để tái chiếm trở lại là do không xử lý được cái gốc của vấn đề, tức là ý thức người dân. 

“Tổng đài tin nhắn” là mô hình giúp nâng cao ý thức của người dân về trật tự lòng lề đường; khi thấy tin nhắn, họ sẽ tự chấn chỉnh hành vi cho phù hợp. Cùng với đó, việc lập tổ tự quản trật tự lòng lề đường do hội cựu chiến binh phụ trách là hình thức rất phù hợp. 

Thật ra, cựu chiến binh cũng là người dân, họ chủ yếu nhắc nhở, đôn đốc người kinh doanh chấp hành các quy định chứ không phải xử phạt. Khi ý thức người dân được nâng cao, các trường hợp vi phạm giảm thì cán bộ trật tự đô thị cũng không phải xử phạt nhiều.

Ông Lê Văn Minh (cán bộ hưu trí, P. Bình Trị Đông B)

Sơn Vinh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI