Mới đây, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã gửi văn bản đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn Đà Nẵng, yêu cầu chi trả tiền tác quyền âm nhạc mà các đơn vị này sử dụng bằng nhiều hình thức, trong đó có thông qua hệ thống… ti vi.
Điều khoản được VCPMC áp dụng là Điểm b, khoản 1 điều 20 của Luật sở hữu trí tuệ và hướng dẫn tại Khoản 1, Điều 23 Nghị định 100/2006.
Yêu cầu của VCPMC đã vấp phải sự phản ứng của các đơn vị kinh doanh khách sạn trên địa bàn. Không ít người đã cho rằng việc áp mức thu 25.000đ/phòng/ti vi là không hợp lý, nhất là khi ti vi không phải là phương tiện được xem là để phục vụ cho mục đích nghe/xem nhạc. Đó là chưa kể, việc nghe/xem nhạc trên ti vi vốn là bị động mà không phải chủ động.
Nói về việc này, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn- giám đốc văn phòng VCPMC phía Nam– cho biết việc thu tiền với điều kiện tương tự vốn đã được áp dụng tại rất nhiều tỉnh, thành nhiều năm qua, như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Nha Trang, Tiền Giang, Lâm Đồng, Kiên Giang…
“Việc thu tiền này dựa theo các quy định của Việt Nam về luật Sở hữu trí tuệ và phù hợp với yêu cầu của CISAC (Liên minh Quốc tế các hiệp hội của những tác giả nhạc và lời, hiện đã có hơn 300 nước thành viên - PV) mà Việt Nam là thành viên chính thức từ 2009”, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn nói.
Theo LS Nguyễn Văn Hậu – Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam – quy định về thu phí đối với các tổ chức, cá nhân có sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại của mình như kinh doanh khách sạn, siêu thị, karaoke… đã có từ hơn 10 năm nay.
Tuy nhiên, LS Nguyễn Văn Hậu cho rằng việc thu tiền tác quyền xuất phát từ quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng theo Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ như VCPMC là không phù hợp. Bởi, căn cứ theo Khoản 1 Điều 23 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP thì người biểu diễn ở đây phải là ca sĩ, nhạc công… hoặc chính bản thân tác giả chứ khách sạn hay nhà hàng, cửa hàng, siêu thị… không thể là người biểu diễn (có chăng chỉ là nơi biểu diễn).
“Thiết nghĩ VCPMC cần phải đưa ra được căn cứ pháp lý chính xác, áp dụng đúng đối tượng khi triển khai thu tiền tác quyền. Nếu VCPMC kiên quyết thu tiền tác quyền của các cá nhân, tổ chức kinh doanh khách sạn vì cho đây là quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng thì tôi nghĩ các tổ chức, cá nhân này hoàn toàn có quyền từ chối yêu cầu trên”- LS Nguyễn Văn Hậu nói.
Đồng quan điểm, luật sư Lê Quang Vy (Công ty luật Phuoc & Partners) cho rằng đa phần các khách sạn đều có sử dụng âm nhạc để phát ở sảnh khách sạn hay ở các hành lang lối đi, do đó việc VCPMC yêu cầu các khách sạn đóng tiền tác quyền là không trái với quy định của luật SHTT.
“Điều này đã được quy định tại Điều 33 Luật SHTT, là các tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại thì không phải xin phép, nhưng phải có trách nhiệm trả thù lao cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả…”- LS Lê Quang Vy cho biết.
Dẫu vậy, cũng theo ông, ở đây VCPMC lại không áp dụng Điều 33 này mà cho rằng thu phí bản quyền trên cơ sở khoản 1 điều 20 Luật SHTT, là không hợp lý.
Thực tế, tranh cãi về việc này đã từng diễn ra tại nhiều nước trên thế giới. Theo quan điểm của công tố viên Maciej Szpunar thuộc Toàn án Tư pháp Liên minh châu Âu (CJEU), đồng thời cũng là chuyên gia tư vấn pháp lý uy tín, các khách sạn không cần trả tiền bản quyền khi cho khách xem các chương trình tivi trong phòng.
Ông Maciej Szpunar công khai đưa ra quan điểm này năm 2016 sau nhiều vụ lùm xùm liên quan đến việc chính quyền yêu cầu đưa ra tòa trường hợp nhiều chủ khách sạn cho phép khách ở trọ xem tivi trong phòng.
Căn cứ yêu cầu đưa ra tòa được viện dẫn từ Luật Phát sóng liên bang của Đức (Verwertungsgesellschaft Rundfunk). Đây là vụ việc gây nhiều tranh cãi trong dư luận và cả những người trong ngành luật không chỉ ở Đức mà ở cả khu vực châu Âu.
Khi ấy, Tòa án Thương mại Vienna của Áo đã tìm hướng dẫn từ CJEU về cách hành xử thỏa đáng nhất khi áp dụng luật bản quyền Liên minh châu Âu với những trường hợp tương tự.
Chuyên gia Maciej Szpunar đã nhắc đến khoản 1, điều 8 Văn bản hướng dẫn về việc thuê, cho mượn tác quyền do EU ban hành năm 2006 có quy định:
‘Các quốc gia thành viên châu Âu được phép cung cấp cho các tổ chức phát thanh, truyền hình quyền riêng biệt được quản lý hoặc cấm bất cứ ai phát lại chương trình trên các thiết bị không dây.
Bên cạnh đó, việc lan truyền những nội dung trên đến rộng rãi công chúng chỉ được thực hiện khi việc đó miễn phí. Nghĩa là, không có sự kinh doanh nào phát sinh ở đây’.
Dựa vào chi tiết quy định trên, ông Szpunar cho rằng các khách sạn nói chung đã không thu tiền thêm khi cho khách xem tivi vì rõ ràng, khách xem hay không họ không hề tính thêm phí.
Các thẩm phán của CJEU đã lấy quan điểm của chuyên gia Maciej Szpunar làm căn cứ khi cần xét xử những vụ việc tương tự. Nghĩa là, khách sạn có quyền trang bị tivi và cho phép khách trọ xem mà không phải trả thêm tiền tác quyền truyền hình.
Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia châu Âu, đây vẫn còn là điều gây tranh cãi. Ở Đức, quốc gia nổi tiếng nghiêm ngặt trong quản lý bản quyền truyền hình còn có những điều vô lý hơn cả việc yêu cầu thu tiền bản quyền truyền hình ở khách sạn.
Từ thập niên 1970, mỗi hộ gia đình ở Đức có một chiếc tivi hoặc radio đều phải trả khoản tiền hàng tháng, gọi là hỗ trợ kênh truyền hình công cộng và đài phát thanh quốc gia Deutschland.
Tuy nhiên, năm 2013, Chính phủ Đức bắt đầu yêu cầu mỗi hộ gia đình hoặc tổ chức doanh nghiệp dù có hay không sở hữu tivi, radio cũng phải đóng 20 USD mỗi tháng. Số tiền này ước tính đóng góp 8,6 tỷ USD, chiếm 85% quỹ của các nhà đài.
Cuối năm 2016, hàng triệu người khi được khảo sát cho biết họ phản đối quy định trên vì phải chịu quá nhiều khoản tiền vô lý.
Ang Kwee Tiang (Giám đốc CISAC khu vực châu Á- Thái Bình Dương)
Thứ nhất, các tác phẩm âm nhạc được sử dụng trong khuôn viên khách sạn và trong các phòng nghỉ được coi là một trong những hoạt động biểu diễn công cộng. Việc biểu diễn được coi là biểu diễn công cộng “nếu việc biểu diễn đó được diễn ra ở những nơi công chúng có thể tiếp cận được hoặc ở bất cứ nơi nào mà những người ngoài các thành viên gia đình hoặc người quen của có thể tiếp cận”.
Thứ hai, Bất cứ một công dân nào trả tiền thuê phòng nghỉ của khách sạn là có quyền vào phòng nghỉ và sử dụng các dịch vụ của khách sạn, nên việc sử dụng các tác phẩm âm nhạc trong phòng nghỉ sách sạn đã được coi là biểu diễn công cộng do đó phải trả phí tác quyền cho VCPMC, đơn vị đại diện cho cả tác giả Việt Nam và quốc tế trong lĩnh vực này.
Hiện tại, các đơn vị kinh doanh khách sạn ở các quốc gia láng giềng với Việt Nam như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines và cả những nước ở các châu lục khác như Mỹ, Anh, Ai Len, Úc, Pháp và Đức… đều phải trả phí tác quyền cho việc sử dụng nhạc, bất kể là họ sử dụng ở những khu vực công cộng hay ở trong các phòng nghỉ của khách sạn.
|
LS Nguyễn Văn Hậu- Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam
Pháp luật cần có quy định cụ thể đối với việc ai có nghĩa vụ gì, có nghĩa vụ đối với ai khi sử dụng các quyền sở hữu trí tuệ. Quy định như hiện nay sẽ khiến các tổ chức, cá nhân lâm vào tình trạng hoang mang, lo lắng khi sử dụng bản ghi âm, ghi hình trong hoạt động kinh doanh vì các chủ thể như tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng sẽ lần lượt có yêu cầu thu phí tác quyền.
Hơn nữa, hiện nay cũng không có văn bản nào, cơ quan nào xác định liệu việc thu phí như vậy là đúng chủ thể, đúng đối tượng không, liệu có bị “thu phí trùng” hay không… Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là cần thiết và bắt buộc phải làm, nhưng không thể bảo hộ một cách nhập nhằng, không rõ ràng, làm xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác.
|
Duy An - L.Hàn