PNO - Mớ lá tràm cháy bốc lên, mùi hương theo gió bay qua đêm lạnh thật lạ lùng. Nó nhanh chóng lôi kéo cái mùi dầu tràm quen thuộc từ thập niên 1980 ập về, khi tôi cầm quyết định phân công nhận nhiệm sở ở ngôi trường cấp III vùng biên giới Bến Cầu.
Ở nơi bốn bề là nước, gió từ núi thổi về mang theo hơi lạnh của sương đêm, của lá rừng... không khí bình yên như len theo mùi gió phủ quanh, tôi xỏ thêm chiếc áo dài tay, quấn thêm chiếc khăn quanh cổ, bước ra ngoài không gian mênh mông. Đêm ở đây chỉ có gió là ồn ào, nhưng gió cũng mang theo mùi hương dịu nhẹ của hơn sáu vạn cây tràm năm gân được trồng thử nghiệm trên vùng bán ngập của hòn đảo nhỏ này.
Mép nước vùng bán ngập của đảo Nhím
Trước mặt tôi, người đàn ông da ngăm đen đang lúi cúi gom mớ lá tràm đã qua giai đoạn chưng cất lấy tinh dầu để nhóm lửa. Ông Hạnh đen, chủ căn chòi tạm bợ này, khề khà: “Nếu “sóng yên gió lặng”, năm mười năm nữa, vùng bán ngập này sẽ xanh kịt một màu xanh”. Cái sóng yên gió lặng mà ông nói chính là sự ổn định trong chính sách trên vùng đất được quy hoạch thành rừng đầu nguồn, nằm lọt thỏm giữa cái hồ nhân tạo có sức chứa một tỷ rưỡi mét khối nước phục vụ tưới tiêu cho hơn chín vạn héc-ta đất nông nghiệp của Tây Ninh và các tỉnh lân cận. Còn vùng bán ngập là diện tích hình vành khăn bao quanh đảo Nhím.
***
Tôi còn nhớ, năm 2011, khu đảo xanh mát này nóng lên với cảnh báo của các nhà khoa học về nguy cơ ô nhiễm cao, ảnh hưởng an toàn môi trường cho hàng chục triệu dân ở khu vực hạ lưu nếu UBND tỉnh Tây Ninh cho thực hiện dự án xây dựng phim trường tại đây. Năm 2014, cùng với việc kêu gọi đầu tư dự án du lịch sinh thái Bến Trường Đổi (99,6ha), Đập Tha La (15ha); Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát (18.765ha); Ma Thiên Lãnh (96ha), Khu du lịch sinh thái Trảng Bàng (121ha), đảo Nhím cũng được UBND tỉnh đưa vào danh sách mời gọi đầu tư thành khu bảo vệ phát triển rừng, kết hợp phát triển du lịch sinh thái. Thế nhưng mãi đến tháng 4/2016, tỉnh mới tìm được nhà đầu tư và những hộ dân cất nhà trái phép trên đảo Nhím được chính quyền địa phương hỗ trợ di dời về đất liền. Từ thời điểm đó, 431,9ha trên đảo Nhím được giao cho Công ty Xuân Cầu thuê trong 50 năm để thực hiện dự án đã được phê duyệt. Phần bán ngập còn lại vẫn thuộc quản lý của Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa.
***
Mớ lá tràm cháy bốc lên, mùi hương theo gió bay qua đêm lạnh thật lạ lùng. Nó nhanh chóng lôi kéo cái mùi dầu tràm quen thuộc từ thập niên 1980 ập về, khi tôi cầm quyết định phân công nhận nhiệm sở ở ngôi trường cấp III vùng biên giới Bến Cầu. Hồi đó, ngay bên kia cầu Vòng Quéo (xã Lợi Thuận) là một cái chòi chưng cất tinh dầu tràm thủ công nằm chơ vơ giữa đồng tràm. Tôi thường ghé đó, vừa nghỉ mệt vừa tranh thủ câu vài con cá để cải thiện bữa ăn. “Không có gì làm nên nấu dầu tràm cho vui”, ông chủ lò nói rất thờ ơ.
Ông Hạnh đen với những hạt tràm năm gân còn trên cây
Năm tháng qua đi, tôi dần quên luôn gương mặt ông nhưng hình ảnh cái lò nấu dầu tràm cùng mùi tràm dính vào áo, vào tóc… vẫn theo tôi. So với hồi đó, thấy “công nghệ” của ông Hạnh đen cũng na ná. Cũng cắt lá tràm bỏ vào nồi đốt lửa cho bốc hơi rồi dẫn hơi tràm ngang qua hệ thống ngưng tụ kiểu nấu rượu. Chỗ chứa hơi dầu ngưng tụ, phần nằm trên là tinh dầu tràm được dùng như dược liệu, phần dưới là nước cất có lẫn chút ít dầu tràm được dùng tắm rửa thay cho xà phòng. Sự khác biệt dễ thấy nhất giữa hai ông chủ nấu dầu tràm chính là một ông thụ động, khai thác nguyên liệu có sẵn trời cho, còn ông kia lại mơ đến một hòn đảo du lịch được rừng tràm thơm ngát bao quanh. Ông Hạnh đen rất tâm huyết và chủ động muốn nhân rộng vườn nguyên liệu được chọn lọc kỹ càng trên vùng đất bán ngập ít người quan tâm này.
Ông Hạnh kể chuyện mày mò ươm hạt giống cây tràm năm gân của mình từ bốn năm trước. Đó là thứ hạt nhập có giá giao về tận nơi là 60 triệu đồng/kg. Những người hướng dẫn kỹ thuật cho ông khi quên chỗ này, lúc quên chỗ khác đã khiến ông mất cả trăm triệu đồng mới biết thực tế công thức “hai sôi ba lạnh” để làm hạt tràm nảy mầm. “Phần hao tổn đó coi như học phí, giờ cầm hạt giống trong tay, tui nói lên là lên”, ông cười khà khà.
Vườn tràm năm gân năm thứ tư của ông Hạnh đen
Càng nói ông càng cao hứng với giấc mơ đang len theo mùi hương từ sáu vạn cây tràm. Ông phác họa viễn cảnh một khu đảo bạt ngàn những cây tràm năm gân cho tinh dầu chất lượng cao mà ông nhập từ Úc. Qua ánh lửa, tôi thấy trong ánh mắt ông sáng rực niềm tin mà chỉ những ai có trải nghiệm thực tế, có đúc rút thất bại, cay đắng mùi đời mới có.
Ông nhẩm tính, một mẫu đất trồng hai vạn cây tràm. Chỉ sau một năm, tràm đã thu hoạch được. Mỗi héc-ta, trừ hao hụt còn thu được khoảng hai mươi tấn lá. Với giá thu mua hiện nay là 1.500 đồng/kg, mỗi héc-ta tràm, sau một năm sẽ cho thu nhập đợt đầu là 30 triệu đồng. Với chu kỳ thu hoạch ba tháng/lần, năm đầu chỉ bán lá, người nông dân có thể bỏ túi 120 triệu đồng. Trừ chi phí đầu tư ban đầu, công chăm sóc… ngay năm thứ hai đã thu hồi vốn, còn dư cỡ 50 triệu đồng. Từ năm thứ ba trở đi, chỉ ngồi rung đùi, chờ tới giờ cắt lá đổi lấy tiền.
***
Đó là ước mơ của ông Hạnh đen, một người có thâm niên gắn bó với vùng đất này. Ông từng chứng kiến bao nhiêu lần quy hoạch, bao nhiêu cuộc di dời để thực hiện những dự án to lớn, nhưng vùng đất đảo xanh nước mát này cứ ngày càng hoang vắng. Ước mơ của ông, dù chỉ trên lý thuyết, cũng thật đáng trân trọng.
Theo ông, nếu được giao đất trồng rừng vùng bán ngập cho dân, chỉ sau một năm thực hiện, hình ảnh nhìn từ xa bao quanh đảo Nhím sẽ như chiếc nón tai bèo mà vành của nó là thảm rừng tràm năm gân một tuổi cao ngang đầu người. Năm thứ hai sẽ là 80 tấn lá nguyên liệu được chưng cất thành 40 vạn lít tinh dầu. Ông bảo, xác lá tràm sau khi chưng cất xong được mang ra phơi, mùi hương xông lên không chỉ phủ kín hòn đảo hiền lành này mà còn theo gió bay về tận đất liền.
Những câu chuyện của ông Hạnh đen về việc tìm tòi các thiết bị chưng cất tinh dầu tràm khiến tôi bất chợt nhớ đến câu chuyện về mốc sản lượng 25 triệu chai dầu khuynh diệp/năm và ước mơ của bác sĩ Tín hơn 50 năm trước. Tuy khoảng cách thế hệ khá xa nhưng việc đeo đuổi đam mê giữa hai con người này có những nét tương đồng: cùng mong muốn sản phẩm làm ra hướng đến lợi ích tốt nhất cho cộng đồng.
Để thử nghiệm việc chưng cất, bác sĩ Tín được ông Bùi Thuyên - cha ruột nhà thơ Bùi Giáng - cho mượn cái nồi đồng to, còn ông Hạnh đen lại mượn được cái chảo gang tại lò nấu đường của ông Dương Cao Cờ ở Châu Thành. Bác sĩ Tín nghĩ đến ngọn đồi 30 mẫu đất ở Thủ Đức để trồng tràm còn ông Hạnh lại mơ đến hàng trăm héc-ta vùng bán ngập chưa được khai thác hiệu quả.
Sự khác nhau giữa hai người là điểm xuất phát đến với mùi hương rất bình dị này: Ông Bùi Thứ (tên thật của bác sĩ Tín) được đào tạo chính quy từ nước ngoài và nhập cuộc ngay lúc ra trường còn ông Trần Thanh Hạnh (tên thật của ông Hạnh đen) là nông dân… tay ngang mê mùi tràm khi đã bước vào tuổi xế chiều.
Tâm huyết của ông Hạnh đen ở đảo Nhím khiến tôi mơ về một khu nghỉ dưỡng sinh thái bình dân, mộc mạc trên hòn đảo xanh với mùi hương tràm phảng phất trong gió. Tôi mơ màng thấy mình đạp xe len lỏi quanh hòn đảo nhỏ, ngắm thú rừng, ngắm cây, rồi dừng lại bấm chiếc flycam lên cao để ngắm nhìn chiếc nón tai bèo xanh xanh thơm thơm mùi tràm. Khi mồ hôi ướt đẫm áo, tôi lại quay xe về ngâm mình trong những thùng gỗ chứa đầy nước ấm, nhắm mắt tận hưởng mùi dầu tràm đang ngấm vào thịt da…
Thành phố cảng Cao Hùng, thư viện trong rừng ở Bình Đông, chùa Phật Quang Sơn... là những nơi mà du khách nên ghé khi đến miền Nam Đài Loan (Trung Quốc).
Không còn tạo hình phù thủy hay thây ma dọa người, giới trẻ Trung Quốc đang đổ xô hóa trang thành người nổi tiếng và meme trong lễ hội Halloween năm nay.