Mở thêm “kênh” tuyên truyền pháp luật cho hội viên

17/06/2016 - 18:49

PNO - Sáng 14/6, hội LHPN TP. HCM và Hội Nữ trí thức TP. HCM phối hợp tổ chức hội thảo “giải pháp phát huy hiệu quả vai trò nữ trí thức trong tuyên truyền nâng cao nhận thức và phổ biến, giáo dục pháp luật cho cộng đồng”.

Theo báo cáo của Hội LHPN TP.HCM, các mô hình câu lạc bộ (CLB) Nữ thẩm phán, Nữ luật gia, Nữ hội thẩm nhân dân, CLB Phụ nữ (PN) làm công tác pháp luật, Nữ hòa giải viên… đã được triển khai từ năm 1995. Bên cạnh đó, tổ tư vấn cộng đồng (TVCĐ) tại chi hội PN khu phố, ấp ra đời từ quý IV/2012, đến nay đã xây dựng được 2.031 tổ/2.304 chi hội với 7.610 thành viên (tỷ lệ nữ là 83,55%). Các cấp Hội cũng triển khai mạng lưới báo cáo viên (BCV), tuyên truyền viên (TTV) pháp luật tại 24 quận, huyện, 322 phường, xã, thị trấn trên toàn TP với 127 BCV, 3.018 TTV, trong đó nữ trí thức (NTT) chiếm hơn 80%. Đây được xem là những lực lượng nòng cốt, có nhiều đóng góp thiết thực trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương.

Ngoài ra, để kết nối trí thức với cộng đồng, từ năm 2010 đến tháng 3/2016, Hội LHPN TP.HCM và cơ sở đã tổ chức 2.926 “Ngày phụ nữ và pháp luật” với sự chung sức của 6.704 luật sư, luật gia, tuyên truyền pháp luật đến 115.715 cán bộ, hội viên, PN và hơn 15.000 học sinh các trường THPT. Thông qua những ngày hội này, đội ngũ trí thức (NTT chiếm 70-80%) đã trực tiếp tư vấn pháp lý miễn phí cho 2.700 trường hợp về các vấn đề liên quan đến hôn nhân gia đình, kỹ năng chăm sóc, giáo dục con chưa thành niên, thừa kế, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, tranh chấp đất đai…

Tại hội thảo, PGS-TS Trương Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP.HCM cho rằng, sự lan tỏa sâu rộng của các CLB NTT, tổ TVCĐ, “Ngày PN và pháp luật”… đã phần nào thể hiện được vai trò và hiệu quả của NTT trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân vì thiếu kiến thức, điều kiện tiếp cận thông tin mà vi phạm pháp luật, trong đó đáng báo động là tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, luật giao thông, trật tự xã hội, môi trường; bạo lực gia đình, bạo lực học đường ngày càng tăng và tội phạm có xu hướng trẻ hóa. Do vậy, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần được đẩy mạnh hơn nữa.

Xét trong phạm vi nhóm PN đặc thù (PN nghèo, khuyết tật, PN người dân tộc thiểu số, PN nhập cư, nữ công nhân các khu chế xuất, khu công nghiệp…), thạc sĩ Nguyễn Thị Khánh Tâm, Phó chủ tịch Hội Nữ trí thức TP.HCM cho rằng: “Có những chị em dễ bị lôi kéo vào con đường tệ nạn xã hội và tội phạm hoặc mặc nhiên chấp nhận bị đối xử bất bình đẳng. Nếu chỉ tuyên truyền luật pháp khô khan, đơn điệu mà không quan tâm chăm lo đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần, nhất là không giáo dục ý thức tự trọng, tinh thần tự tôn dân tộc, không đề cao trách nhiệm công dân thì rất khó để họ chấp hành pháp luật một cách tự giác”.

Mo them “kenh” tuyen truyen phap luat cho hoi vien
ThS Nguyễn Thị Khánh Tâm nhấn mạnh cần quan tâm phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhóm phụ nữ đặc thù

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại cộng đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, trong xu thế hội nhập quốc tế, cần tận dụng thế mạnh của công nghệ thông tin và truyền thông để giúp việc tuyên truyền pháp luật sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ hơn.

Tiến sĩ Trần Thị Rồi, Phó trưởng khoa Khoa học cơ bản, Trường ĐH Luật TP.HCM đề xuất, bên cạnh các hình thức tuyên truyền đã có như sân khấu hóa, hội nghị, tọa đàm, phiên tòa lưu động, phiên tòa giả định, cần nghiên cứu, tận dụng những phương tiện truyền thông mới có tính lan tỏa nhanh, mạnh như facebook, Zalo.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Khánh Tâm đề xuất, song song với tuyên truyền nội dung luật, cần trang bị thêm cho người dân, đặc biệt là nhóm PN đặc thù về kỹ năng nhận biết, phòng, chống các loại tội phạm. Hình thức tuyên truyền phải trực quan, sinh động, có thể tận dụng các kênh thông tin đại chúng, tuyên truyền theo nhóm nhỏ cùng hoàn cảnh để mọi người tự tin chia sẻ, bộc bạch suy nghĩ của bản thân.

Bà Lê Thị Huệ, nguyên Phó chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM, Phó trưởng ban Tôn giáo TP.HCM kiến nghị: “Cần nghiên cứu đưa tin học vào công tác tuyên truyền pháp luật, đề xuất chính quyền TP tạo điều kiện thành lập hẳn một cổng thông tin điện tử chuyên trách mảng pháp luật. Bên cạnh đó, có thể lập website với ngân hàng các câu hỏi đáp về luật, sao cho người dân ở mọi trình độ đều dễ dàng truy cập và tìm hiểu”. Tiến sĩ Lê Thị Linh Trang, giảng viên Học viện Cán bộ TP.HCM đề xuất xây dựng chương trình truyền hình phổ biến pháp luật riêng của Hội dưới dạng talk show với nội dung đơn giản, gần gũi đời sống người dân.

PGS-TS Trương Thị Hiền cho biết, Hội Nữ trí thức TP.HCM sẽ tổng hợp tất cả các kiến nghị, qua đó nghiên cứu, áp dụng những hình thức truyền thông hiệu quả, phù hợp, giúp từng nhóm đối tượng nâng cao kiến thức, hiểu biết và chấp hành pháp luật. Bà Trần Thị Phương Hoa, Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM cho biết: “Thành Hội PN sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp, Hội Luật gia và Đoàn Luật sư TP nghiên cứu, biên tập và phát hành cuốn Cẩm nang TVCĐ, trong đó đưa ra những tình huống cụ thể và kỹ năng tư vấn tại cộng đồng. Bên cạnh đó, Thành Hội cũng sẽ nghiên cứu xây dựng nhà tạm lánh cho phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình có nơi ở tạm thời, giúp chị em ổn định tâm lý, tránh tình trạng tiếp tục bị bạo hành”.

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI