Mợ Tám 'Tào lao'

26/07/2017 - 10:59

PNO - Mỗi lần bị la, mợ thường lấy tay quệt mũi, khóc híc híc rồi nhoẻn miệng cười ruồi với chị Bảy. Nụ cười của mợ luôn long lanh những giọt nước mắt thương người.

Mợ là vợ cậu - em kế má. Má thứ bảy, còn cậu thứ tám. Má mất lúc 75 tuổi, còn mợ mất khi 82. 

Mo Tam 'Tao lao'
Người già khóc thật buồn

Gia đình bên má có cậu Hai, dì Ba, cậu Bốn, cậu Năm, dì Sáu, má, cậu Tám, cậu út. Khi tôi biết nhớ thì gia đình bên ngoại chỉ còn cậu mợ Hai, cậu mợ Tám và cậu mợ Út. Cậu mợ Tám thì mần heo, bán thịt. Má cũng lấy thịt heo từ cậu Tám, bán cùng em dâu là mợ ở chợ Gia Huỳnh. 

Ngày xưa, chợ Gia Huỳnh gọi là chợ Mơi (sáng), nằm gần đỉnh dốc cây me. Chợ mới nằm cách ngã tư Trảng Bàng, Tây Ninh, nơi cắm cây số 0, chừng 300 mét. Còn chợ ở ngả ba Hai Châu là chợ chiều. Chợ chiều nằm ở ngay cây số 1 lộ 19, hướng đi về núi Bà Đen. Cả sáng lẫn chiều, hai sạp thịt của má và mợ bao giờ cũng sát nhau. Hồi đó, má bị suyễn nên hay làm mệt. Mỗi lần mệt má thường hay uống xá xị hiệu con nai.

Riết rồi mọi người ở chợ gọi má là bà Bảy Xá Xị. Còn mợ không  bệnh hoạn gì, nhưng lại rất hay mủi lòng. Mợ vừa bán thịt heo vừa hỏi thăm gia cảnh người mua, thấy người khổ mua thịt, cân kéo xong, bao giờ mợ cũng cắt thêm một miếng để an ủi họ. Vì vậy, bữa nào vui thì mợ huề vốn, còn hôm nào gặp toàn người khổ, cứ mỗi người khổ thì mợ cắt thêm một miếng thịt an ủi, nên bán cả ngày mợ vẫn lỗ sở hụi. Cả đời bán thịt, hình như mợ chưa bao giờ biết một đồng lời.

Hồi đó, cả xóm chẳng ai biết mợ tên gì. Có lẽ, gái theo chồng, nên chẳng ai quan tâm tên của mợ. Người ta gọi mợ theo tên chồng là bà Tám Trào. Nhưng cái tính mủi lòng bao la của mợ nên những người bán thịt chung chợ đặt thêm cho mợ cái tên khác là bà Tám Tào Lao. Những lúc vắng khách, má thường rầy cái tánh tào lao của mợ. Mỗi lần bị la, mợ thường lấy tay quệt mũi, khóc híc híc rồi nhoẻn miệng cười ruồi với chị Bảy. Nụ cười của mợ luôn long lanh những giọt nước mắt thương người.    

Sau ngày thống nhất đất nước, cuộc sống thay đổi nhiều, má và mợ không còn bán thịt heo nữa. Mợ vẫn ở khu chợ chiều, má theo ba về ruộng. Nhà cũ ba má để mấy chị gái trong nhà giữ gìn bảo quản, các con trai theo ba má về quê làm ruộng.  Mợ và má cách nhau gần chục cây số.

Nhưng theo thói quen, mợ hay đi bộ lên chơi với má. Lúc tưới trầu, lúc hái cau. Chị chồng, em dâu kể lại những chuyện vui buồn thời bán thịt, kể lại thói quen tốt xấu của bạn hàng... Mợ thường khóc khi nhắc đúng những cái tên mà mợ thường cắt thêm cho họ một miếng thịt. 

Mấy năm sau, má bệnh. Mợ thường ghé nhà. Mợ lên nhà tưới trầu cho chị Bảy, mợ chẻ cau cho chị Bảy, không có việc gì làm, mợ đi quanh nhà chị Bảy gom lá dừa, tàu cau... ngồi bó chổi cho chị Bảy coi đỡ buồn.

Mợ bệnh. Lúc ấy má đã qua đời. Mợ chẳng còn ai là bạn đồng niên. Những ngày nằm trên giường bệnh, mợ nhắc lại những chuyện vui buồn hồi còn chị Bảy của mình. Rồi mợ khóc.  Những giọt nước mắt của mợ cứ thẫn thờ lăn dài xuống má. Mợ không buồn lau nó đi... Người già khóc thật buồn!

Lần đầu tiên tôi biết tên mợ là ngày mợ mất. Tên mợ được viết rõ ràng trên bài vị đặt trước quan tài. Lần ấy, tôi cũng nghe loáng thoáng, mợ mất nhằm cung ly nên các con mợ sau này sẽ ly tán... chuyện này thực hư chưa biết thế nào. Nhưng còn mợ, chắc mợ sẽ gặp lại cậu, gặp lại chị Bảy của mình. 

Ở đó, chị chồng em dâu sẽ lại nhỏ to những chuyện chưa kịp rù rì ở cõi này. 

Nguyễn Thiện

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI