PNO - Chị Hương (quận Tân Bình, TPHCM) có 4 tài khoản ở 4 ngân hàng nhưng chỉ dùng 2 trong số đó. Khi đến các ngân hàng tra soát, chị mới biết, có tài khoản đang nợ phí quản lý hơn 600.000 đồng.
Năm 2010, chị Hương được cơ quan bảo hiểm xã hội yêu cầu mở tài khoản thẻ ATM tại Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Đông Á (DongABank) để nhận chi trả trợ cấp thất nghiệp. Lúc đó, nhân viên ngân hàng không tư vấn gì về phí duy trì tài khoản, chị cũng nghĩ rằng khi hết nhận trợ cấp thất nghiệp thì tài khoản sẽ tự động đóng. “DongABank thu phí quản lý thẻ 50.000 đồng/năm nên tôi bị nợ phí này hơn 600.000 đồng mà không hề biết. Điều bất hợp lý là ngân hàng không hề thông báo gì cho tôi về khoản nợ này dù năm 2021, tôi sử dụng trở lại tài khoản thẻ này để nhận trợ cấp thất nghiệp lần hai” - chị Hương nói.
Khách mua hàng ở chợ An Đông (quận 5, TPHCM) thanh toán bằng thẻ
Trong vài ngày qua, nhiều khách hàng khác đã tra soát và mới biết mỗi tài khoản ngân hàng đang chịu nhiều loại phí. Như Eximbank (Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam) yêu cầu tài khoản phải có số dư tối thiểu là 50.000 đồng; nếu tài khoản có số dư dưới 300.000 đồng thì phí quản lý là 10.000 đồng/tháng, tài khoản đồng sở hữu (nhiều nhóm chữ ký) hoặc tài khoản có yêu cầu quản lý đặc biệt thì phí quản lý là 20.000 đồng/tháng, phí sử dụng combo tài khoản thanh toán (gồm phí tài khoản thanh toán, SMS banking, internet banking, mobile banking) là 15.000 đồng/tháng. Nếu có thẻ ATM vật lý đi kèm thì phí phát hành từ 50.000-100.000 đồng/thẻ,phí cấp lại thẻ 20.000 đồng/thẻ,phí cấp lại số PIN 20.000 đồng, phí rút tiền mặt (1.100-3.300 đồng/giao dịch, tùy việc cùng hay khác hệ thống), phí chuyển khoản (2.200 đồng hoặc 0,011%/giao dịch tùy việc cùng hay khác hệ thống), phí truy vấn số dư in sao kê 550 đồng/giao dịch, phí cấp bản sao chứng từ giao dịch từ 10.000-50.000 đồng/hóa đơn…
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) - cho biết, nếu nhìn vào biểu phí dịch vụ tài khoản và thẻ ATM thì thấy có nhiều loại phí nhưng thực tế, khách không phải trả hết các phí đó mà chỉ trả phí với dịch vụ mình sử dụng. Ví dụ, nếu chỉ mở tài khoản thanh toán, khách chỉ chịu phí quản lý tài khoản hằng tháng, phí nhận tin nhắn thông báo biến động số dư (SMS banking) nếu có đăng ký dùng. Còn nếu khách muốn phát hành thêm thẻ ATM vật lý đi kèm thì chỉ tốn phí lúc phát hành (miễn phí thường niên), sau đó nếu có nhu cầu rút tiền ở cây ATM khác hệ thống ngân hàng, mới phát sinh thêm phí rút tiền.
Còn theo ông Huỳnh Trung Minh - Giám đốc khối ngân hàng, bảo hiểm của Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank) - về bản chất, khi có một tài khoản thanh toán tồn tại (dù có hoặc không phát hành thẻ ATM vật lý), sẽ có phí quản lý tài khoản từ 10.000-20.000 đồng/tháng. Một số ngân hàng còn quy định, khách phải sử dụng tài khoản này thanh toán đều đặn trong một thời gian nhất định thì mới được miễn phí quản lý, còn nếu đóng tài khoản trước hạn hoặc không thanh toán đều đặn như cam kết thì sẽ bị phạt phí từ 50.000-100.000 đồng/tài khoản. Khách đã mở tài khoản ngân hàng thì dù có sử dụng hay không, ngân hàng vẫn trừ phí quản lý đều đặn hằng tháng. Có người bị trừ hết số dư tối thiểu (các ngân hàng thường quy định số dư tối thiểu từ 50.000-100.000 đồng/tài khoản) nên tiền trong tài khoản bị âm.
Hiện nay, đa số ngân hàng áp dụng công nghệ hiện đại truy quét tài khoản “rác”. Tài khoản nào không thực hiện giao dịch thanh toán trong 6-12 tháng thường bị hệ thống ngân hàng tự động đóng tài khoản để đỡ tốn phí quản lý cơ sở dữ liệu khách hàng. Nhưng vẫn còn một số ít ngân hàng chưa áp dụng công nghệ quét tài khoản “rác” tự động nên tài khoản ngưng hoạt động đã lâu vẫn bị trừ phí quản lý đến âm.
Theo ông Huỳnh Trung Minh, vào những năm 1993, ANZ là một trong những ngân hàng nước ngoài đầu tiên vào Việt Nam. Để có 1 tài khoản thanh toán kèm thẻ ATM của ANZ, khách hàng phải chịu phí quản lý tài khoản, phí phát hành thẻ, phí rút tiền khá cao, nhưng vẫn có đông người mở thẻ do đây là lần đầu tiên, thẻ ATM có ở Việt Nam. Do đó, điều đáng quan tâm không phải là thẻ ATM đang gánh bao nhiêu loại phí mà là thẻ có những tính năng nào. Hiện nay, ngoài rút tiền, các thẻ ATM thông thường đều có thêm tính năng hiện đại như gắn chip để thanh toán 1 chạm, cho phép thanh toán quốc tế như thẻ tín dụng. Tài khoản cũng có số đẹp (tứ quý, tiến lên, số theo ngày tháng năm sinh, theo phong thủy), muốn sở hữu số tài khoản đẹp thì phải trả phí cao do ngân hàng phải tốn tiền duy trì các đầu số này. Do đó, cách thu phí quản lý đối với mỗi tài khoản là khác nhau. Tuy nhiên, các ngân hàng nên giải thích rõ các tính năng thẻ, các khoản phí đi kèm để khách hàng nắm rõ, sau này không ấm ức.
Ông Huỳnh Trung Minh thông tin thêm, các ngân hàng ở các nước tiên tiến đều thu phí quản lý tài khoản hoặc thẻ ATM dựa theo chất lượng, tính năng đi kèm. Người dân Việt Nam cần phải chấp nhận các loại phí này bởi xu hướng chung là không dùng tiền mặt. Như ở Mỹ, khi mở 1 tài khoản thanh toán, phí quản lý là 12-25 USD/tháng (khoảng 297.000-620.000 đồng). Còn ở Thụy Sĩ, Luxembourg, khách mở tài khoản và gửi tiền vào tài khoản thì phải trả phí cho ngân hàng để ngân hàng quản lý tiền giùm; chỉ khi khách gửi 1 triệu USD trở lên mới không cần trả phí.
Eximbank không đòi hơn 8,8 tỉ đồng đối với khách hàng nợ thẻ nữa
Tại họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM chiều 21/3, trả lời về vụ việc đòi một khách hàng thanh toán tiền nợ thẻ từ 8,5 triệu đồng thành hơn 8,8 tỉ đồng đang gây xôn xao dư luận hiện nay, ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ - Phó tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) - cho biết đó là do “cán bộ công ty con đã quá máy móc khi ký một văn bản như vậy gây hiểu nhầm không đáng có”. Ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ giải thích: “Về cách tính lãi, phí, Eximbank theo thông lệ thị trường tương đồng như ngân hàng khác. Thông thường, đối với các khoản nợ tương tự, chúng tôi chỉ thu nợ gốc và một phần lãi phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng. Eximbank chưa từng thu lãi phí nào như vậy cả. Eximbank đã chấn chỉnh, rút kinh nghiệm”.
Phí quản lý tài khoản ở Việt Nam rẻ hơn nhiều nước
Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, sau sự việc nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng phát sinh lãi 8,8 tỉ đồng sau 11 năm, cộng với việc các tài khoản thanh toán không dùng đến trong thời gian dài vẫn bị ngân hàng âm thầm trừ phí, VNBA đã yêu cầu Chi hội Thẻ ngân hàng (thuộc VNBA) báo cáo tình hình, cuối tuần này sẽ có cuộc họp.
Theo ông, phí quản lý tài khoản thanh toán của các ngân hàng ở Việt Nam là khoảng từ 5.000-20.000 đồng/tháng, thấp hơn so với nhiều nước, như ở Mỹ là 25 USD/tháng (620.000 đồng), châu Âu là 5-10 EUR/tháng (135.000-270.000 đồng). Phí rút tiền từ thẻ ATM ở Việt Nam từ 1.100-3.300 đồng/giao dịch tùy việc rút cùng hay khác hệ thống, cũng thấp hơn nhiều nước, như ở Singapore là 2-5 SGD/giao dịch (37.000-92.000 đồng), ở Malaysia là 1-5 MYR/giao dịch (khoảng 5.300-26.000 đồng), ở Thái Lan là 10-25 THB/giao dịch (từ 6.800-17.000 đồng).
“Một số khách hàng sợ khoản tiền âm này sẽ phát sinh nợ xấu giống như trường hợp nợ 8,5 triệu đồng tăng lên thành 8,8 tỉ đồng sau 11 năm. Nhưng khoản phí này chỉ là phí quản lý tài khoản thông thường, không phát sinh nợ xấu giống như vay tiền từ thẻ tín dụng (credit card)”.
Hơn 1.500 chuyến bay đêm với gần 300.000 ghế trong giai đoạn cao điểm tết (13/1 - 12/2) vừa được Vietnam Airlines công bố bổ sung trước nhu cầu tăng cao.
Techcombank đã trở thành đại diện duy nhất trong ngành ngân hàng được vinh danh “Đơn vị vững mạnh Việt Nam” tại đêm Gala trao giải WeChoice Awards 2024.
Nhiều người dân cho biết những ngày qua, tình trạng ùn tắc giao thông khiến rất khó có thể đặt được xe qua các ứng dụng, giá cước cũng cao ngất ngưởng.
Giải thưởng Nữ Doanh nhân 2025 (Women Entrepreneur Award 2025) vừa được khởi động tại Việt Nam hôm 7/1/2025 là giải thưởng quốc tế uy tín do Quỹ Bayer khởi xướng...