Mở rộng thị trường châu Á, chiến lược lâu dài của Netflix?

17/03/2021 - 18:29

PNO - Tại Nhật, Hàn Quốc và Ấn Độ, Netflix cho kinh phí sản xuất cao gấp nhiều lần so với đầu tư trong nước để có được nội dung tốt nhất.

Cuối năm 2020, Netflix có thêm 8,5 triệu người dùng, vượt mục tiêu 6 triệu, đưa tổng số khách hàng lên 203,7 triệu. Hiện tại, nền tảng này đang bị cạnh tranh quyết liệt bởi một số đơn vị khác. Để đảm bảo sự phát triển vững mạnh, Netflix có kế hoạch đầu tư gấp đôi so với trước đây trong năm 2021 với các nội dung đến từ châu Á.

Việc đầu tư này hẳn không phải không có lý do. Trong tổng số khách hàng hiện tại của Netflix chỉ có 25 triệu đến từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều này đồng nghĩa tiềm năng của thị trường này còn rất lớn, khi tổng dân số đến 4,164 tỷ người, chiếm 55% dân số thế giới.

Năm 2020, tốc độ tăng trưởng của Netflix ở Bắc Mỹ chỉ 9,2%, con số này ở khu vực Mỹ La-tinh là 19,47%, trong khi đó châu Á - Thái Bình Dương lên đến 57%. Mở rộng thị trường châu Á được xem là chiến lược quan trọng. Theo Netflix đánh giá, số lượng người dùng ở Ấn Độ có thể tăng đến 100 triệu.

Châu Á là thị trường được Netflix đẩy mạnh đầu tư trong năm 2021
Châu Á là thị trường được Netflix đẩy mạnh đầu tư trong năm 2021

Cuối tháng 2, Giám đốc Netflix châu Á Jin Minying cho biết sẽ đầu tư 500 triệu USD (11.500 tỷ VNĐ) vào việc sản xuất nội dung Hàn Quốc. Con số này đồng nghĩa với việc thị trường Hàn Quốc sẽ chiếm một nửa ngân sách nội dung của Netflix (1 tỷ USD) ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây một trong những khoản đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của Netflix trong những năm gần đây.

Trong khi đó, phía Ấn Độ cũng thông báo sẽ tung ra 40 phim điện ảnh, truyền hình để phục vụ cho thị trường phát hành trực tuyến, mà Netflix đang là cái tên thống trị. 

Dĩ nhiên, để đạt được mục đích, Netflix cũng không phải nhờ ăn may. Nền tảng này đã thiết lập hệ thống văn phòng để tìm hiểu thị hiếu khán giả sở tại. Chẳng hạn, tại Nhật sẽ ưu tiên phát triển phim hoạt hình bởi theo thống kê 5/10 phim ăn khách của quốc gia này đều thuộc thể loại trên. 

Để có được nội dung tốt cạnh tranh, Netflix không ngần ngại chi tiền. Mỗi tập của phim Kingdom (Hàn Quốc) phần 1 tiêu tốn 42 tỷ VNĐ, trong khi mỗi tập phần 2 lên đến 63 tỷ VNĐ. Phim The naked director (Nhật Bản), mỗi tập được đầu tư 100 triệu yên (khoảng 23 tỷ VNĐ), cao gấp 10 lần chi phí sản xuất thông thường trong nước. Phim Sacred games (Ấn Độ) được đầu tư 10 tỷ rupees (khoảng 900 triệu NDT, tương đương 3.150 tỷ VNĐ), trong khi phim ở đây chỉ được đầu tư từ 300 triệu đến 4 tỷ rupees. 

Netflix sẵn sàng đầu tư nhiều tiền để thu được nội dung tốt tại châu Á
Netflix sẵn sàng đầu tư nhiều tiền để thu được nội dung tốt tại châu Á

Bản địa hoá, tự do sáng tạo nhưng các tác phẩm phải đáp ứng được tiêu chuẩn Mỹ. Ngoài chất lượng, họ cũng sẽ tham gia đánh giá những tình huống nhất định để có sự thay đổi, truyền tải hợp lý hơn. 

Đạo diễn Kim Sung-hoon cho biết, Netflix có yêu cầu cực kỳ cao về hậu kỳ và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt. “Ít nhất là không bán những sản phẩm kém chất lượng, và tiếp theo sẽ thảo luận về các vấn đề nghệ thuật”, anh nói.

Trung Sơn (theo Bejing News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI