Mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là nút thắt lớn cho TP. HCM

12/08/2016 - 15:02

PNO - Ngày 11/8, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đến kiểm tra tình hình và yêu cầu gấp rút triển khai các biện pháp đồng bộ nhằm giảm tình trạng quá tải trầm trọng tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Phương án 10 năm tới

Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng (Bộ Giao thông vận tải), sân bay Tân Sơn Nhất hiện đang quá tải chưa từng có, với các chỉ số khai thác đều vượt mọi quy hoạch. Năm 2015, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã phục vụ hơn 181 nghìn lượt chuyến bay (tăng 18% so với cùng kỳ năm trước), sản lượng hành khách đạt hơn 26,5 triệu. Dự báo cả năm 2016, hành khách qua sân bay vượt công suất thiết kế của sân bay.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói: “Sân bay Long Thành nếu làm được sớm thì cũng phải đến 2025 mới có thể đưa vào sử dụng, do đó sẽ phải có ngay giải pháp khắc phục, đáp ứng nhu cầu, bảo đảm an toàn bay trong ít nhất là 10 năm tới”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, nâng cấp, nâng cao năng lực các sân bay hiện có là phương án tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp nhất, phải tập trung tối đa để nhanh chóng triển khai. “Nếu không, đây sẽ là nút thắt lớn cho TP.HCM, cho cả nền kinh tế, đe doạ an toàn hàng không”, Phó Thủ tướng phân tích.

Mo rong san bay Tan Son Nhat la nut that lon cho TP. HCM
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng các cơ quan ban ngày khảo sát sân bay Tân Sơn Nhất ngày 11/8.

Hiện tại, ngành GTVT đã chỉ đạo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam nghiên cứu, xây dựng và thực hiện phương án bố trí lại mặt bằng, mở rộng 2 nhà ga hành khách trên phần đất hiện hữu của Cảng để nâng tổng công suất 2 nhà ga lên khoảng 30 triệu hành khách/năm. Việc mở rộng hai nhà ga được thực hiện từ nay đến cuối năm 2016.

Về lâu dài, sẽ có 1 - 2 nhà ga được xây dựng tại Tân Sơn Nhất với công suất 10 - 15 triệu khách/ năm do Quân đội quản lý. Kèm theo đó, sân bay quân sự sẽ được khai thác cho hoạt động hàng không dân dụng. Dự kiến các phương án này sẽ giúp nâng tổng công suất của hệ thống nhà ga hành khách tại Tân Sơn Nhất lên khoảng 40 triệu hành khách/năm.

Vấn đề nan giải

Nói về việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất vào năm 2014, ông Lê Trọng Sành, nguyên trưởng phòng quản lý bay sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất khuyên Bộ GTVT nên nghiên cứu thêm phương án mở rộng tối đa; hiện đại hóa, nâng cao năng lực quản lý, điều hành để tăng công suất khai thác theo trình độ các sân bay trung bình trên thế giới. Nếu làm được các việc này, Tân Sơn Nhất vẫn có khả năng đón nhận không dưới 35 triệu khách/năm.

Ông Sành cho rằng, nếu Tân Sơn Nhất mở rộng tối đa, cộng với việc hỗ trợ của 5 sân bay quốc tế từ miền Trung đến Tây Nam bộ như sân bay Trà Nóc (Cần Thơ), Cam Ranh (Khánh Hòa), Liên Khương (Đà Lạt), Phú Quốc (Kiên Giang). Tổng công suất của các sân bay này có thể đạt hơn 20 triệu khách/năm hỗ trợ rất nhiều cho sân bay Tân Sơn Nhất.

Khách muốn đi Tây Nam bộ đã có sân bay Trà Nóc, Phú Quốc, muốn ghé qua Đông Nam bộ, Tây Nguyên đã có sân bay Liên Khương… không ai lại quá cảnh qua Long Thành rồi về TP.HCM bay đi các chặng nội địa khác.

Mo rong san bay Tan Son Nhat la nut that lon cho TP. HCM
Toàn cảnh sân bay Tân Sơn Nhất.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống (TS kỹ thuật hàng không ĐH Sydney - Úc; ThS quản trị hành chính công ĐH Harvard; nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không ĐH Bách khoa TP.HCM) nhận định, nếu tính toán đúng trong việc kết hợp nhiều biện pháp (xây thêm sân đỗ máy bay, nhà ga, nâng cấp đường băng và tăng số chuyến bay…) thì chỉ cần mở rộng Tân Sơn Nhất với diện tích hợp lý, vừa phải ở mức 1.200-1.500 ha là hoàn toàn có thể tăng năng suất lên đến 60 triệu khách/năm, đáp ứng nhu cầu vài chục năm nữa.

“Nhiều ý kiến cho rằng sân bay Tân Sơn Nhất đang thiếu diện tích để mở rộng thêm nhà ga và sân đỗ máy bay. Theo tôi, có thể tận dụng khoảng 160 ha đất đang dự định cho doanh nghiệp tư nhân làm sân golf vào việc này. Vị trí định xây sân golf nằm ở khu tam giác rìa sân bay, vì thế không thể kéo dài hoặc xây mới đường băng vào phần đất này. Nhưng đó là vị trí thích hợp để xây một nhà ga mới, giúp phân tán luồng khách ra vào sân bay thay vì chỉ dồn vào một cổng ở đường Trường Sơn hiện nay” - PGS-TS Tống nêu quan điểm.

Trong khi đó, ông Trần Du Lịch - Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP. HCM khóa XIII cho hay, nếu buộc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất thì chỉ có thể mở rộng về phía bắc, kéo dài từ khu công nghiệp Tân Bình (quận Tân Bình) sang đường Quang Trung (quận Gò Vấp). Nhưng đây là điều vô phương vì phải giải tỏa đến 140.000 căn nhà kiên cố.

“Việc này không thể nào làm được. Một dự án cần giải tỏa vài trăm căn, vài ngàn căn đã khó, nhưng giờ giải tỏa đến 140.000 căn nhà kiên cố thì đây là điều không tưởng. Kinh phí sẽ vô cùng lớn và nếu có tiền cũng không làm được vì làm xáo trộn rất lớn đến đời sống người dân”, ông Lịch nói.

Theo ông Lịch, trong tình huống mở rộng được về phía Bắc, thì đường bay hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất “xung đột” với đường bay của máy bay quân sự tại sân bay Biên Hòa. Nếu mở rộng về phía Tây, thì khi hạ cánh phải bay sang không phận Campuchia. Đây cũng là vấn đề nan giải.

Đoàn Văn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI