Mở rộng phương thức kích cầu tiêu dùng

04/12/2023 - 06:05

PNO - Dù sắp bước vào đợt cao điểm mua sắm cuối năm nhưng sức mua của người dân ở các siêu thị, chợ truyền thống, phố chuyên doanh đều yếu.

 Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm vẫn giảm 5,9% và riêng TPHCM giảm 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp đã sớm chú trọng chinh phục thị trường trong nước. Nhưng thực tế, tổng mức bán lẻ hàng hóa vẫn không tăng nhiều, sức mua vẫn thấp và chưa bền vững. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tiêu dùng cả nước trong tháng Mười một chỉ tăng 1,4% so với tháng trước, còn tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 11 tháng đầu năm chỉ tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm trước. 

Riêng ở TPHCM, tổng mức bán lẻ trong tháng Mười chỉ tăng 2,2% so với tháng trước, trong 10 tháng chỉ tăng hơn cùng kỳ năm ngoái 11% nhưng vẫn thấp so với trước khi có dịch COVID-19. Đến tháng Mười một, tổng mức bán lẻ giảm 2,6% so với tháng trước và trong 11 tháng chỉ tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. 

Thời gian qua, vẫn chưa có hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa nào đủ mạnh, rõ nét ngoài việc Chính phủ có chính sách giảm thuế giá trị gia tăng cho hàng tiêu dùng từ 10% xuống còn 8%. Ngành công thương TPHCM đã triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng nhưng các hoạt động này cũng giống mọi năm. Các hoạt động mới như hội chợ giới thiệu và bán sản phẩm OCOP (thuộc chương trình quốc gia “Mỗi xã 1 sản phẩm”), kết nối giao thương với các tỉnh, thành vẫn chủ yếu là quảng bá sản phẩm. Chỉ có đợt khuyến mãi tập trung (từ tháng 6 - 9/2023) là mang yếu tố kích cầu tiêu dùng rõ nét do có nhiều chương trình khuyến mãi với mức giá giảm sâu. 

Mới đây, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, sẽ tổ chức chương trình khuyến mãi tập trung trên phạm vi toàn quốc kể từ ngày 4/12 - 10/1/2024. Nhưng để kích cầu tiêu dùng đủ mạnh, chỉ tổ chức chương trình khuyến mãi là chưa đủ. Cần bán được thật nhiều hàng hóa cho du khách quốc tế thông qua các lễ hội mua sắm lớn gắn với hoạt động du lịch, quảng bá tưng bừng, ấn tượng bằng nhiều thứ tiếng. 

Du khách Việt từ Thái Lan trở về đều xách lỉnh kỉnh vài chục hộp xôi xoài dù đó là sản phẩm chỉ ăn trong ngày là bởi xôi xoài ngon, giá rẻ và đồng bộ từ chợ truyền thống cho đến sân bay quốc tế. Người tiêu dùng Việt Nam chấp nhận mua vé máy bay qua Singapore mua đồ rồi về lại trong ngày là vì ở đó có sự kiện khuyến mãi lớn, các sản phẩm có thương hiệu toàn cầu được giảm giá thật sự chứ không phải tự nâng giá lên rồi rao “giảm giá” như thường thấy ở 
Việt Nam. 

Để người dân, du khách chịu chi tiền, giá phải giảm thật sự, hàng phải có chất lượng thật sự và tiện lợi cho khách du lịch mang đi. Nhưng để giảm giá sản phẩm, Chính phủ cần có biện pháp hỗ trợ, như miễn thuế (đối với nhãn hiệu quốc tế), bù trừ giá đã giảm, hỗ trợ chi phí mặt bằng, điểm bán hàng cho doanh nghiệp. 

Song song đó, cần tăng cường công tác an sinh xã hội (bao gồm cả việc tạo việc làm và thu nhập, tăng lương) để người dân có tiền mua sắm, đồng thời khơi thông dòng vốn cho đầu tư công, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay thuận lợi hơn nữa thay vì để tiền thừa trong ngân hàng, bơm vốn vào quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa… để khôi phục  kinh tế.

Hoa Lài 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI