Mở rộng đối tượng dự tuyển, bảo đảm tính khách quan

19/09/2024 - 06:31

PNO - Phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM có cuộc trao đổi với phó giáo sư, tiến sĩ Đinh Phương Duy - nguyên Phó giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM - về việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý các cơ quan nhà nước.

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về đề án Thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương năm 2022 của UBND TPHCM cũng như việc tiếp tục triển khai đề án cho năm 2024?

Phó giáo sư, tiến sĩ Đinh Phương Duy: Việc tổ chức thi tuyển mang lại một số điều tích cực như: các cơ quan nhà nước tuyển chọn được người có năng lực, có đạo đức làm lãnh đạo; người dân, người làm ở các cơ quan nhà nước và ngoài nhà nước dần có ý thức tự rèn luyện, tự nâng cao năng lực để có khả năng thi tuyển, cạnh tranh các chức danh lãnh đạo nếu có hoài bão; tinh thần thi tuyển này không dừng lại ở cấp phòng mà sẽ lan lên cấp cao hơn, tạo nên tính cạnh tranh dân chủ hơn trong bộ máy.

Tuy nhiên, tôi có mấy băn khoăn. Cách thức tổ chức hiện nay vẫn bỏ lọt nhiều người có năng lực, tâm huyết. Thêm nữa, “công thức quy hoạch” cán bộ vẫn còn đó. Hiện tại, việc thi tuyển mới chỉ dừng lại ở một số chức danh nào đó chứ chưa mở rộng, đặc biệt là các chức danh quan trọng.

* Vậy theo ông, làm sao để việc thi tuyển chức danh lãnh đạo các cấp thực chất?
- Theo tôi, trước hết, cần mở rộng tiêu chuẩn để có nhiều ứng viên tham gia hơn. Muốn tuyển một chức danh lãnh đạo “có đức, có tài” mà chỉ có 3-4 người thi là quá ít. Thậm chí qua tổng kết, một số chức danh không có thí sinh. Tại sao không có thí sinh thì các cơ quan có thẩm quyền phải tìm câu trả lời. Nhưng theo tôi, lý do là tiêu chuẩn để thành ứng viên dự tuyển vẫn chưa được rộng mở để nhiều người có đủ điều kiện tham gia. Nên mở rộng tiêu chuẩn, miễn là vẫn bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng.

Bên cạnh đó, cách thức thi lý thuyết rồi đến thực hành (giải quyết tình huống) chỉ nên áp dụng ở vòng sơ loại. Khi vào vòng trong, phải phỏng vấn trực tiếp nghiêm túc. Phỏng vấn cực kỳ quan trọng vì qua đó, ta biết được ứng viên am hiểu về hoạt động của sở, ngành đó, về hệ thống chính trị thế nào và bản lĩnh giải quyết các vấn đề ra sao. Khi phỏng vấn trực tiếp, hội đồng thi còn có cơ hội hiểu về thí sinh hơn qua cách ăn mặc, phong thái, lời ăn tiếng nói, xem có phù hợp để làm lãnh đạo hay không.

Ngoài đổi mới phương pháp, cần bảo đảm được nguyên tắc khách quan. Khi đã hội đủ tiêu chuẩn ban đầu để dự thi thì mọi thí sinh phải bình đẳng, không phân biệt trong hay ngoài quy hoạch, không có đối tượng ưu tiên… mà mọi thứ phải dựa vào điểm số. Để khách quan, thủ trưởng trực tiếp ở đơn vị có nhu cầu tuyển dụng chỉ nên là thành viên chứ không nên là người chủ trì ban giám khảo. Chẳng hạn, khi tuyển chọn lãnh đạo sở thì Phó chủ tịch UBND thành phố hoặc Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy chủ trì. Nếu cần, chúng ta nên mời các chuyên gia độc lập tham gia ý kiến về mặt năng lực, đạo đức, còn quyết định vẫn là của ban giám khảo (hội đồng thi). Các chuyên gia nên ở ngoài cơ quan nhà nước nhưng am hiểu, tâm huyết với chủ trương này.

* Nếu thí điểm thành công, theo ông, có cần một hội đồng thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp thành phố nhằm bảo đảm tính khách quan, công bằng, hiệu quả và thể hiện một ý chí chính trị xuyên suốt trong vấn đề cán bộ?

- Đúng, nên như vậy. Hiện nay, sở nào, phòng nào có nhu cầu thì mới lập hội đồng ở đó. Một hội đồng thi tuyển chung cấp thành phố chính là sự chuyên nghiệp hóa trong tổ chức và đề ra những quy định mang tính nhất quán, khẳng định chủ trương dài lâu, xuyên suốt.

* Xin cảm ơn ông.

Quốc Ngọc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI