Mở rào đón tết

05/02/2018 - 11:33

PNO - Tết đến, trong khi các gia đình khác đông đủ anh em, con cháu xa gần thì nhà tôi và nhà chú đều buồn hiu. Chiều 30 tết, ra nghĩa trang, thắp hương cho tổ tiên, bố đi trước, chú đi sau.

Hồi còn sống, bà nội tôi đã bỏ ra nhiều tiền để mua thêm mảnh vườn cạnh nhà, vì muốn con cái sau này quây quần bên nhau. Chú tôi xuất ngũ, về lấy vợ, được bà cho mảnh vườn đó để xây nhà. Nhà chú xây sau nên sạch sẽ, thoáng mát và có cái sân rất to.

Muốn sang nhà chú chơi, anh em tôi chỉ việc len qua hàng dâm bụt, đi nhiều thành lối mòn. Cả bà, bố mẹ và chú thím cũng đi lối ấy - nhanh và tiện. Có ấm chè ngon ới nhau sang uống, có củ khoai luộc cũng trao qua bờ rào. Nhiều hôm muộn, bố mẹ chưa về, tôi lại sang nhà chú “ăn chực”. Khi thím bận nấu cơm thì gọi tôi sang giúp trông em.

Mo rao don tet
Ảnh minh họa

Một ngày cuối đông, bà tôi ngã bệnh rồi mất. Ít lâu sau, bố mẹ tôi và chú thím xích mích, lời qua tiếng lại nhiều lần rồi không nhìn mặt nhau. Anh em tôi cũng bị cấm không cho sang nhà chú nữa. Dù vậy, thi thoảng bố mẹ vắng nhà, chúng tôi vẫn trốn sang đó chơi. Có lần, bố tôi về bắt gặp, chúng tôi bị đòn, không dám sang nhà chú nữa.

Chú tôi làm ăn phát đạt, nên một thời gian sau đã xây nhà to hơn. Hàng rào dâm bụt được chèn thêm nhiều loại cây khác để bít kín lối. Ngày giỗ bà, cả hai nhà đều hương khói. Nhà tôi cúng bà bữa trưa, còn nhà chú làm giỗ buổi chiều. Xóm làng thấy vậy cũng xì xào.

Tết đến, trong khi các gia đình khác đông đủ anh em, con cháu xa gần thì nhà tôi và nhà chú đều buồn hiu. Chiều 30 tết, ra nghĩa trang, thắp hương cho tổ tiên, bố đi trước, chú đi sau. Có lần, chú đi vào thì chạm bố đi ra, nhưng đều lầm lũi bước, chẳng hỏi nhau lấy một câu. Anh em tôi thấy cảnh đó cũng không dám mở lời chào chú. Bữa cơm tất niên nhà ai nấy lo, chẳng còn cảnh mẹ và thím cùng vào bếp nấu nướng, còn bố và chú khề khà bên chai rượu như hồi bà còn sống nữa.

Lớn lên, tôi đi học xa. Thi thoảng về nhà, hai đứa con của chú nhìn thấy, réo tên tôi từ xa. Dù bố mẹ tôi và chú thím vẫn giận nhau, giữa tôi và chúng như chẳng có khoảng cách nào. Mỗi lần về, tôi hay dành những đồng tiền gom góp được từ việc dạy kèm để mua cho chúng vài món quà nho nhỏ. Mẹ tôi mắng: “Nhà chúng nó thiếu gì, con cứ vẽ chuyện”.

Mẹ mắng cứ mắng, tôi vẫn quý chúng và chúng cũng quấn tôi. Nhưng rồi một ngày, chú thím tôi biết chuyện, họ bắt hai đứa mang hết những gì tôi mua cho sang trả. Nhìn ánh mắt tiếc rẻ của chúng mà tôi vừa xót xa vừa bất bình. Không biết mối bất hòa giữa bố mẹ và chú thím bao giờ mới hóa giải được. Đôi khi tôi ước: giá như bà tôi sống lại.

Ra trường, tôi nhận công tác trên thành phố, không có dịp về thăm nhà thường xuyên. Một ngày, mẹ gọi điện, giọng hốt hoảng: “Con về nhà đi, bố con có chuyện rồi”. Tôi tức tốc đón xe về thì bố đã được đưa vào bệnh viện huyện cấp cứu, rồi chuyển lên tuyến trên vì bị bỏng nặng. Mẹ tôi vừa khóc vừa kể: “Bố mày xông vào nhà kho, cứu hai đứa con của chú. Chúng nghịch dại, gây cháy, không biết tìm đường ra”.

Những ngày bố nằm viện, chú thím tôi cùng mẹ thay nhau túc trực. Chẳng ai nói được gì với ai, nhưng tôi biết chú thím ân hận và cảm kích bố lắm. Khi bố tỉnh lại, chú tôi quỳ bên cạnh, khóc, xin lỗi bố. Có lẽ cả bố mẹ và chú thím tôi đã nhận ra tình thân là thứ không thể đong đếm được.

Tối qua, tôi đang trực ca thì chú gọi điện, khoe: “Chú phá rào dâm bụt rồi con. Năm nay, chú mở rộng cái vườn sau nhà để chăn nuôi: lợn, gà, ngan, ngỗng... đủ cả. Mày có thích ăn đồ sạch thì về sớm nhé”. Xa quê, nghĩ đến cái tết đoàn viên đang đến gần, lòng tôi lại háo hức, rộn ràng. 

Hồng Lĩnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI