Cô trở lại nhà để lấy quần áo và các vật dụng cá nhân. Dự định thu xếp xong sẽ đi ngay, nhưng nhà cửa quá bộn bề nên cô nán lại. Cô nấu cho con bữa cơm chiều rồi lau hơn nửa sàn nhà thì anh về.
Thấy cô, anh mừng ra mặt. Dù biết không thể, nhưng anh vẫn hy vọng vợ đã thay đổi quyết định. Như mọi người xung quanh nói, đó chỉ là phút bồng bột, rồi cô sẽ nhanh chóng nghĩ lại.
Thấy chồng, cô vội buông cây lau sàn, chụp chìa khóa xe, vơ lấy các túi xách lớn nhỏ và chạy như kẻ trộm. Anh chụp tay vợ: “Ở nhà, đừng đi nữa. Anh tha thứ hết, bỏ qua hết, coi như chưa từng xảy ra chuyện gì. Anh năn nỉ em, ở lại với cha con anh”.
Người chồng muốn nói thêm nhưng cổ họng nghẹn lại, mắt ngấn nước, toàn thân mất hết sức lực. Cô không nói gì, lặng lẽ xếp các túi vào góc tường. Mãi một lúc lâu cô nói trống không: “Đợi tụi nhỏ về, ngủ lại một đêm với con. Mai đi!”.
|
Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK |
Cô đột ngột bỏ nhà đã hơn một tuần. Trước khi đi, cô làm ầm ĩ một trận, do cha mẹ, anh em và cả những người bà con thân cận đều bênh vực người chồng và đổ lỗi cho cô. Trước kia, khi muốn kết hôn với anh, cô cũng quậy cha mẹ một trận ồn ào như thế, vì ông bà không đồng ý.
Anh từng mắc phải một án tù cho những sai lầm ở tuổi hai mươi. Vì chuyện này, cha mẹ sợ cô lấy phải người không tốt. Nhưng trước sự quyết tâm của con gái, cha mẹ đành xuôi.
Sau lễ cưới, cô không chịu về sống cùng gia đình chồng. Ngay cả khi bố mẹ chồng hứa sẽ xây căn nhà bên cạnh nhà của họ để gia đình con trai sống riêng, cô cũng không đồng ý. Chiều con, ông bà cho phần đất sát vách, bố mẹ chồng “tài trợ” tiền xây nhà. Họ có một tổ ấm nho nhỏ và hai đứa trẻ chào đời liên tiếp sau đó.
Từ khi làm chồng làm cha, anh biết lo cho gia đình, chí thú với công việc. Nghề thợ hàn bậc cao của anh đem lại thu nhập khá, cô ở nhà nội trợ và chăm con cái. So với những phụ nữ ở các gia đình trẻ xung quanh, cô nhàn hạ hơn nhiều.
Hai đứa con qua tuổi mẫu giáo, đến lớp bán trú ở trường tiểu học. Có nhiều thời gian cho bản thân, cô đến phòng tập thể dục lấy lại vóc dáng. Mỗi chiều chờ rước bọn trẻ trước cổng trường, bạn bè đều khen cô đẹp hẳn ra.
Rồi bỗng dưng cuối tuần trước, cô đột ngột bảo vợ chồng đã hết duyên hết nợ, cô muốn ra đi. Cha mẹ hai bên và nhất là chồng cô đều sửng sốt.
Cuộc sống đang bình yên, ngày nào vợ chồng cũng cười nói vui vẻ với nhau. Tại sao việc trớ trêu lại xảy ra như cơn ác mộng bất ngờ?
Chưa kịp thay bộ đồ thợ hàn chi chít những vết sém, anh ngồi sụp xuống, van nài cô đừng đi. Anh nói cô hiền lành, có thể bị gã đàn ông nào đó lừa gạt. Hoặc nếu cô trót lỡ có tình cảm với người khác, không còn yêu anh, thì cũng nên nghĩ đến các con.
Nhìn con rể tổn thương vật vã, mẹ cô cố gắng thuyết phục con gái: “Chồng của con đâu có lỗi gì, sao lại đối xử với nó như vậy? Đừng gây tiếng xấu con ơi. Mẹ biết ăn nói sao với sui gia?”.
Không lay chuyển được con gái, mẹ cô cứng rắn hơn: “Nếu hôm nay mày vẫn quyết bước chân đi, thì đừng bao giờ trở về đây nữa. Sau này chết sống gì ráng chịu”. Thấy mẹ to tiếng, cô nói như quát, trách mẹ bênh vực con rể. Rồi cô leo lên xe phóng vút đi.
Đứa con lớn của hai vợ chồng có lẽ hiểu chuyện gì đang xảy ra. Con bé im lặng, cúi gằm mặt trong lúc rửa rau cho bà ngoại nấu giúp bữa cơm chiều. Đứa nhỏ chỉ biết ngồi tựa cây cột ở mái hiên, khóc tức tưởi đến sưng mắt.
Suốt một năm nay, cha mẹ già bệnh triền miên, cơm nước một tay chị Hai của cô lo liệu. Chị Hai cũng có nhà riêng cạnh bên nhà cha mẹ. Chị chỉ cần nấu thức ăn nhiều hơn một chút mang qua, nấu nồi cơm nở mềm cho hợp với người già…
Nhưng bây giờ, dù thương nhưng chị Hai không thể lo thêm chuyện ăn chuyện uống cho hai đứa cháu và em rể. Chị còn phải nhìn sắc mặt của chồng chị chứ. Thương cháu con, mẹ chị đành gắng gượng sang quét nhà, rửa chén và nấu nướng.
Anh đi làm từ sáng sớm đến chiều muộn, có hôm còn làm tối. Dường như anh không muốn về nhà. Không có cách nào thay đổi tình hình, anh sang nhà chị Hai, nhờ chị thuyết phục cô trở về.
Chị Hai nói hình như cô đã đổi số điện thoại, không thể nào liên lạc được. Chị nghi cô có bí mật giấu giếm mấy tháng nay vì quá chăm chút bản thân và thỉnh thoảng có thái độ rất lạ. Vài lần nhờ cô phụ cắt chỉ mớ quần áo chị may gia công, hàng đang gấp mà cô làm việc lơ đãng, lại lo nhắn tin cho ai đó suốt.
Nghe chị kể, anh xót xa nhận ra, thời gian qua đúng là cô rất khác. Cô hay nói hay cười và luôn cố gắng tránh né các cuộc xung đột giữa hai vợ chồng. Ngọt ngào, nhẹ nhàng hơn nhưng cô ít trò chuyện lâu với anh. Cô tạo cho anh cảm giác dễ chịu. Cứ tưởng đó là điều bình thường cho đến khi vỡ lở, anh tự thấy mình như gã ngốc.
|
Ảnh minh họa |
Nấu ăn cho cháu và con rể được mấy ngày, mẹ cô trở bệnh nặng. Nhưng thương bọn trẻ, mẹ gắng gượng từng chút. Dạy đứa cháu lớn rửa chén, quét nhà, bấm máy giặt. Chăm sóc đứa nhỏ để cháu vơi bớt cảm giác thiếu tình thương…
Rồi cũng đến lúc thân già còm cõi không đủ sức gánh gồng nữa, bà ngã xuống, phải vào cấp cứu ở bệnh viện.
Cô về. Hàng xóm xì xầm, có lẽ cô đã hối hận, mọi người đoán anh sẽ tha thứ và họ từ từ êm ấm trở lại. Kể cả cô một mực dứt áo ra đi cũng khó lòng khi nhìn thấy mới sau một tuần cuộc sống đảo lộn mà hai đứa trẻ tiều tụy đến thế nào.
Sau một đêm nằm bên cạnh con, cô đi thật. Phần nào đã quen với cú sốc, hai đứa trẻ không hụt hẫng nhiều như lần đầu.
Hàng xóm vẫn chưa thôi bàn tán về câu chuyện ồn ào của gia đình họ. Nhiều người chê trách cô bằng những lời lẽ thậm tệ. Cũng có người bênh vực rằng anh ăn ở ra sao nên cô mới ngoại tình. Lại có người chắc như đinh đóng cột: “Để rồi xem, thế nào cô cũng bị gã kia bỏ, ê chề vác mặt về xin lỗi chồng”.
Nhưng anh nói, nếu có ngày đó, anh sẽ tha thứ cho cô. Anh vẫn mở một lối về, chờ vợ quay trở lại... Bởi quy cho cùng, để đến nước này, anh thấy mình cũng có một phần trách nhiệm, anh chỉ lo làm ăn, nghĩ đem tiền về là đủ, dường như anh không cần biết vợ mình đang nghĩ gì, đang muốn gì.
Anh vẫn mong chờ cô quay lại để vợ chồng được làm lại...
Việt Quỳnh