PNO - Chiều hôm ấy trời mưa như trút nước. Nữ bị cáo được xốc nách để đưa vào phòng xét xử. Chị thảng thốt đưa mắt về hàng ghế phía dưới tìm con, rồi bật khóc khi thấy hai đứa trẻ. Chị bị xét xử về tội giết chồng.
Trong cơn ghen cuồng loạn, chị đã quên mất mình còn có hai đứa con. Gần một năm từ ngày bị tạm giam, chị chưa một lần được gặp con vì pháp y xác định chị có vấn đề về tâm lý, cần theo dõi điều trị.
Đêm định mệnh
Nữ bị cáo ấy là D.K.P. (SN 1976). Cuộc hôn nhân của chị đã được 20 năm, khá hạnh phúc. Hai năm gần đây, nghi ngờ chồng có người đàn bà khác nên chị thường ghen tuông, vợ chồng phát sinh mâu thuẫn. Tối 4/1/2015, gia đình chị có tiệc. Sau khi khách khứa về hết, vợ chồng cãi nhau vì một chuyện cũ. Lời qua tiếng lại chỉ chấm dứt khi cô con gái đề nghị ba mẹ đi ngủ để sáng mai các con còn đi học. Hai đứa trẻ không ngờ rằng buổi tối định mệnh ấy sẽ chôn vùi tổ ấm của mình mãi mãi.
Khoảng 4g sáng, cậu con trai nghe thấy tiếng khóc, giật mình thức giấc. Mở mắt ra, cậu thấy ba mình đang ngồi giữa tấm nệm, mẹ cậu ôm phía sau lưng ba, chị cậu thì đang cố kéo tay mẹ ra khỏi người ba. Thấy thân thể ba mình đầm đìa máu, cậu con trai vội vã gọi người thân đưa ông đi cấp cứu. Mọi người vừa đưa được người chồng từ trên lầu 3 xuống tầng trệt để đi bệnh viện, thì người vợ gieo mình từ lầu cao xuống đất tự tử. Người chồng tử vong trước khi nhập viện. Người vợ bị thương tật vĩnh viễn 70%, sau đó bị bắt giữ để điều tra về tội giết người. Phút chốc, một gia đình tan nát. Hai đứa con đang tuổi ăn học chịu cảnh mất cha, còn mẹ phải vào tù.
Tự đào mồ chôn mình
Trước vành móng ngựa, cách cư xử và trả lời không bình thường của chị P. khiến ai cũng ngỡ ngàng. Vị chủ tọa cho biết, theo kết quả giám định, chị P. bị rối loạn tâm lý và trầm cảm. Trước, trong và sau khi gây án, chị đã bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Cộng thêm cú ngã từ lầu cao, chị thực sự như một bệnh nhân tâm thần. Tuy nhiên, chị vẫn còn đủ tỉnh táo để nhớ lại sự việc. Khi tòa hỏi tối hôm xảy ra vụ việc, vợ chồng bị cáo có mâu thuẫn gì nghiêm trọng không, chị bật khóc: “Hôm đó ăn uống xong, khi đi lên cầu thang bị cáo thấy chồng đọc tin nhắn của người đàn bà khác nên trách mắng, ghen tuông”.
Vừa khóc, chị vừa cho biết, sau khi cãi nhau, họ đi ngủ. Hơn 4g sáng, chị đang ngủ thì chồng đi qua vô tình đá vào chân nên chị tỉnh giấc. Rồi anh bỏ ra ngoài ngồi. Khi chị hỏi sao không ngủ tiếp mà đi đâu, anh nói đã chán sống với chị lắm rồi. Nghe vậy, chị đi lấy dao, dọa sẽ tự tử, chết trước mặt anh nếu anh dám bỏ chị. Thấy vợ quyết liệt, sợ chị làm liều, anh lao tới giật lấy con dao. Khi hai bên giằng co, lưỡi dao vô tình đâm trúng ngực anh.
Thấy chồng ôm vết thương gắng gượng vào phòng, chị theo vào và phát hiện anh đã bất tỉnh. Hoảng sợ, chị chỉ còn biết ngồi ôm chồng mà khóc cho đến khi các con tỉnh dậy. Sau đó, do quá hoảng loạn, chị nhảy lầu để tự tử chết theo chồng. Chị cho biết thêm, suốt hai mươi năm qua chị luôn một lòng chung thủy với chồng. Từ khi nghi ngờ chồng có người khác, chị đau khổ nên thường xuyên mất ngủ, bị trầm cảm nặng. Bác sĩ khuyên chị theo dõi, điều trị nhưng chị chỉ xin thuốc về uống. Khi nghe chồng nói chán sống với mình, lại thấy anh bị thương, chị cũng không muốn sống nữa.
Viện Kiểm sát cho rằng, có thể do trầm cảm, loạn trí mà chị P. cố ý giết chồng. Kết quả khám nghiệm hiện trường không ghi nhận có vết máu của chị nên có thể không phải vì giằng co con dao mà bị cáo vô tình gây ra cái chết cho chồng. Từ đó, Viện Kiểm sát đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo từ 14 đến 16 năm tù về tội “giết người”.
Chị P. khóc nấc trong đau khổ và hối hận
Đáng giận và đáng thương
Đến dự khán, hai con của chị P. đều thừa nhận cha mình có người phụ nữ khác, các cuộc cãi nhau của cha mẹ đều vì chuyện này. Hai cháu cũng nhận thấy cha mẹ không còn hạnh phúc như trước. Mẹ thường khóc và kể lể. Hai đứa trẻ đều rưng rưng xin giảm nhẹ hình phạt cho mẹ mình. Khi người anh chồng của chị P. bước lên để phát biểu, bất ngờ chị quỳ mọp xuống đất, chắp tay lạy anh chồng, nói trong nước mắt: “Em xin hai bác thương tình chăm sóc cho hai đứa con em trưởng thành. Xin bác nhận của em dâu một lạy”.
Người anh chồng nhìn chị, dường như chỉ còn nỗi xót xa, đau đớn chứ không chút căm giận nào. Anh mím môi, gật đầu, quay về ghế ngồi. Giờ nghị án, hai đứa con chạy lên xin đứng gần mẹ. Vừa được đồng ý, cả hai lao vào ôm chặt lấy người mẹ đau khổ. Chị P. dang tay ôm con, cả ba cùng òa khóc nức nở. Những người dự khán hôm ấy đều không khỏi xót xa cho bi kịch gia đình người phụ nữ đã gây ra vì ghen tuông mù quáng.
Sau khi nghị án, hội đồng xét xử đã tuyên dưới khung hình phạt, 10 năm tù dành cho bị cáo P. vì khi gây án, chị đã bị rối loạn và hạn chế về nhận thức lẫn hành vi. Hai con của chị và đại diện gia đình bên chồng đều xin xem xét giảm hình phạt cho chị. Phiên tòa khép lại, chị P. kiệt sức, được dìu về trại giam. Hai đứa trẻ chạy theo níu lấy tay mẹ. Chị cố ngoái nhìn về phía sau cho đến khi cánh cửa xe tù đóng sập. Rồi đây, chị lại tiếp tục những ngày nửa tỉnh nửa mê trong tù.
Sau những lúc loạn trí, liệu chị có còn đủ tỉnh táo để nhận ra mình đã đánh mất tất cả vì những suy nghĩ và hành động mù quáng? Luật pháp đã cho chị một bản án bao dung nhất, nhưng bản án lương tâm mới đáng sợ, sẽ theo chị đến suốt đời. Đáng thương nhất là hai đứa trẻ, đã không còn một tổ ấm để quay về.