Mở lòng với người già

30/03/2016 - 14:36

PNO - 80 tuổi, nhưng sức khỏe bác không đến nỗi tệ. Chỉ là bệnh người già như đau nhức xương khớp, bước đi chậm chạp, nhớ nhớ quên quên.

Mo long voi nguoi gia
Ảnh mang tính minh họa

Bác tôi thỉnh thoảng vẫn nhắc vui câu “nhà em có nuôi một ông nội” với đứa cháu gái, nhất là mỗi khi bác bệnh, phải nhờ cháu cơm nước, hay đấm bóp. Câu nói vui tỏ ý “ông đang làm phiền cháu đây”.

80 tuổi, nhưng sức khỏe bác không đến nỗi tệ. Chỉ là bệnh người già như đau nhức xương khớp, bước đi chậm chạp, nhớ nhớ quên quên. Vui khỏe thì thôi, nhưng mỗi lần buồn thì luôn xem mình là gánh nặng cho con cháu. Bác hay mang câu nói cũ rích ấy ra, như than thở cho cái phận già. Mỗi lần như thế, đứa cháu gái (đã được ba mẹ… huấn luyện) đáp lại “Nhiều người muốn có một ông nội để… nuôi lắm, mà ước có được đâu”. Cháu động viên ông bằng cách chuyện trò, xoa bóp. Thế là ông vui lại. Con trai bác bảo tính tình người già “mưa nắng” thất thường. Muốn làm họ vui cũng chẳng khó, nếu con cháu dành thời gian chăm sóc.

Bác hay sang nhà người bạn già hàng xóm, không chỉ nói chuyện giải khuây, mà bác bảo ông bà cụ ấy neo đơn quá, con cái đứa thì ở xa, còn những đứa ở gần lại không sống cùng, nên quạnh quẽ lắm. Mỗi lần con cháu về họp mặt là tổ chức ăn uống, hát hò, bác hay mang sang nhà ông bà ấy khi thì ít trái cây, mấy lon nước ngọt để chia sẻ niềm vui tuổi già với người bạn già. Có lần ở nhà đôi vợ chồng già ấy về, bác bảo thấy mình may mắn vì được sống trong gia đình ba, bốn thế hệ. Điều kiện sống như thế giúp người già cảm thấy hạnh phúc hơn, và giúp cân bằng cuộc sống.

Bác tôi luôn sợ làm phiền con cháu. Mỗi lần bệnh, bác cầu trời khẩn phật sao cho được chết nhanh và không đau đớn. Nhớ có đợt bác bệnh, con cháu mang thuốc cho bác uống, bác hẹn cứ để đó lát sẽ uống, nhưng bác giấu số thuốc ấy dưới gối, định để dồn uống một lượt cho… khỏe. Khi phát hiện, cả nhà mới tá hỏa. Sau dạo ấy, con cháu yêu cầu bác uống thuốc ngay tại chỗ, mới yên tâm.

Bác tôi là hội viên Hội Người cao tuổi ở địa phương. Mỗi lần có đợt gặp gỡ giữa các hội viên, hay đau ốm mà có hội tới thăm, có thêm chút quà nữa là bác vui lắm. Mỗi khi hội họp về, bác nhắc nhở con cháu chuyện an toàn giao thông như ra đường phải đội nón bảo hiểm, không chở ba, chạy xe đúng quy định… hay dặn dò con cháu đề phòng nạn trộm cắp, các tệ nạn xã hội… Mấy chuyện ấy, con cháu thuộc “sáu câu”, nhưng mỗi lần bác dặn, cả nhà ai cũng gật đầu, như nghe thông tin mới mẻ. Những lúc ấy, bác vui lắm. Nhưng bác cũng rất nhạy khi gia đình có chuyện không vui. Tôi nghĩ, chắc bác đã có quá nhiều trải nghiệm về hạnh phúc gia đình, về nuôi dạy con cái, nên dễ dàng nhận biết. Con cháu dù có giỏi giấu diếm, cũng khó mà qua mặt người già.

Giữa bác và cháu con cũng không tránh khỏi những bất đồng. Có khi chỉ là những mâu thuẫn nhỏ, nhưng cũng có khi là cơn giận dài ngày của người già. Bác mà nằm vùi vài ngày là cả nhà rối lên, ai cũng tìm cách vỗ về, dụ dỗ. Có lần bác kể ở Hội Người cao tuổi, có hai ông bà già yêu nhau. Cả hai đều mất vợ, mất chồng, rồi đồng cảm, “kết” nhau khi nào chẳng rõ. Ở hội không những không ai phản đối mà còn vun vén cho họ.

Trong khi đó, con trai con dâu nhà bác cho rằng họ là những ông bà “không nên nết”, già gần xuống lỗ rồi mà còn… Bác tỏ ra “thoáng” hẳn: chỉ những ai lâm vào hoàn cảnh cô đơn mới thông cảm cho họ. Rằng họ cần có người hiểu để chia sẻ, đó là nguồn an ủi lớn nhất của người già. Chuyện người ta mà bác và con cái giận nhau mấy hôm liền, để rồi nghĩ lại, con trai bác bỗng chột dạ: biết đâu ba cũng cảm thấy cô đơn như họ, còn cháu/con lại thiếu độ lượng khi hiểu về ông/cha mình. Anh “xuống nước” bằng cách gợi mở chuyện trò để thăm dò nỗi lòng của cha.

Cha mẹ già và con cái không thể không có những bất đồng về quan điểm, vì khác thế hệ, cách nghĩ cách làm hoàn toàn khác biệt. Con cái vì cuộc sống ngắn ngủi còn lại của cha mẹ mà mở lòng, độ lượng. Đó là cách mà con cái nhà bác tôi luôn cố thực hiện để cha được vui khỏe tuổi già.

Khánh Thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI