Mổ lợn giúp người quen, người đàn ông suy đa tạng do nhiễm khuẩn liên cầu lợn

01/10/2021 - 08:31

PNO - Sau khi đi mổ lợn giúp người quen về, người đàn ông xuất hiện sốt cao liên tục, rét run, nổi vân tím toàn thân phải nhập viện cấp cứu.

 

Bệnh nhân sốt cao, nổi vân tím toàn thân, có vết xước ở chân phải. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bệnh nhân sốt cao, nổi vân tím toàn thân, có vết xước ở chân phải - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Ngày 1/10, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Bắc Giang cho biết, có tiếp nhận một bệnh nhân nam nhập viện và được chẩn đoán nhiễm khuẩn liên cầu lợn.

Người nhà kể lại, mấy ngày trước bệnh nhân có đi mổ lợn giúp người quen sau về xuất hiện sốt cao liên tục, rét run.

Khi tiếp nhận, bệnh nhân tiếp tục sốt cao, nổi vân tím toàn thân, có vết xước ở chân phải, trụy mạch và được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực chống độc điều trị.

Bệnh nhân được làm các xét nghiệm, cấy máu thấy có dấu hiện suy thận, rối loạn đông máu, nhiễm trùng nặng, khí máu có lactate tăng cao, toan chuyển hóa nặng và được chẩn đoán là sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng do nhiễm liên cầu lợn.

Các bác sĩ đã dùng kháng sinh, lọc máu điều trị hồi sức tích cực nhưng tình trạng sốc, suy đa tạng không cải thiện, bệnh tiến triển ngày càng nặng, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong, gia đình đã xin cho bệnh nhân về.

Bác sĩ khuyến cáo người dân cách phòng chống nhiễm liên cầu lợn như sau:

Nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y.

Tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.

Nấu chín thịt lợn là điều rất quan trọng (Tổ chức Y tế thế giới - WHO khuyến cáo trên 70 độ C). Không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn.

Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống.

Phải giữ các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn. Dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín.

Bệnh liên cầu khuẩn lợn (liên cầu lợn) là bệnh lây truyền từ động vật sang người nguy hiểm, gây ra bởi liên cầu khuẩn Streptococcus suis (S.suis). Bệnh có diễn biến nhanh và nặng, thời gian điều trị kéo dài và chi phí điều trị tốn hàng trăm triệu đồng mỗi ca nhưng nhiều trường hợp vẫn không thể qua khỏi hoặc có qua khỏi cũng để lại những di chứng nặng nề.


An Bình

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI