Mổ lợn chết làm thức ăn cho cá, người đàn ông rơi vào hôn mê

26/11/2022 - 18:01

PNO - Sau khi mổ thịt lợn chết để làm thức ăn cho cá, người đàn ông ở Bắc Giang bỗng nhiên sốt cao và sau đó mất ý thức, hôn mê.

 

Nhiều bệnh nhân mắc liên cầu lợn dù không ăn mà chỉ chế biến, tiếp xúc với thịt lợn khi còn sống

Nhiều bệnh nhân mắc liên cầu lợn dù không ăn mà chỉ chế biến, tiếp xúc với thịt lợn sống (ảnh minh họa)

Ngày 26/11, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết vừa tiếp nhận một bệnh nhân nguy kịch do nhiễm liên cầu lợn.

Theo đó, nam bệnh nhân ở Bắc Giang có tiền sử khỏe mạnh. Cách thời điểm vào viện vài ngày, nhà hàng xóm có lợn ốm và chết, ông đã tham gia mổ lợn để lấy thịt cho cá ăn. Sau đó, người đàn ông này bị sốt và rơi vào rối loạn ý thức rất nhanh. Sau khi đưa tới cơ sở y tế gần nhà, ông được chuyển tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương do tình trạng nặng.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, nam bệnh nhân trong tình trạng sốt cao, rối loạn ý thức, rơi vào hôn mê. Bệnh nhân có xuất huyết tại tay và chân.

Do tình trạng nguy cấp, bệnh nhân lập tức  được đặt ống nội khí quản, thở máy. Hiện sau 4 ngày, ông được rút ống nội khí quản, tỉnh táo, tuy nhiên, ý thức chưa trở lại bình thường. Bác sĩ Nguyễn Văn Phúc – Phó trưởng khoa điều trị tích cực (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho hay, nếu tình hình được kiểm soát, bệnh nhân này dự kiến mất thêm khoảng 10 ngày điều trị mới có thể ra viện.

Các bác sĩ cảnh báo, không chỉ ăn, việc tiếp xúc với lợn ốm, lợn chết cũng có nguy cơ khiến cho người giết mổ thịt bị nhiễm liên cầu khuẩn thông qua các vết chầy xước trên da. Mới đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cũng thông tin có 1 trường phát hiện do liên cầu lợn dù không ăn tiết canh, không mổ lợn chết. Người đàn ông này chỉ chế biến đồ ăn trong gia đình. Trong năm 2022, CDC Hà Nội cho biết đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong do liên cầu lợn.

Các bác sĩ cảnh báo, mắc liên cầu lợn, bệnh nhân có thể gặp biểu hiện, bệnh cảnh viêm màng não như: Sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác, xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể. Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc tiêu hoá: sốt, đi cầu nhiều lần, phân lỏng, cơ thể lạnh, run...

Để phòng tránh bệnh cần nấu chín thịt lợn. Đặc biệt, không nên giết mổ lợn ốm chết, không sơ chế thịt lợn sống bằng tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay. Cần đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống, rửa tay sạch sau khi chế biến thịt.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI