Mở lối về cho người lầm lỡ

21/12/2013 - 17:44

PNO - PN - Những năm qua, bà Quan Lệ Hạnh (SN 1951, Tổ phó Tổ phụ nữ khu dân cư 4, P.15, Q.5, TP.HCM) đã giúp nhiều thanh niên từng lầm lỡ tại địa phương tái hòa nhập cộng đồng. Cách nói chuyện chân thành, cộng với tính không ngại khó,...

edf40wrjww2tblPage:Content

Mẹ mất sớm, cha có gia đình mới, Đ.A. vướng vào ma túy khi đang là sinh viên năm thứ hai. A. bộc bạch: “Lúc đó, tôi thấy ghét cô Hạnh vì cô hễ gặp tôi là động viên, khuyên từ bỏ ma túy...”. Rồi A. bị đưa vào trung tâm cai nghiện. 27 Tết, bà Hạnh lên trại ở Tây Nguyên để bảo lãnh A. về. Thấy bà, A. rơi nước mắt vì xúc động. A. quyết tâm làm lại cuộc đời. Bây giờ anh đã có gia đình và làm việc trong một hãng sữa. Hôm gặp tôi, A. tâm sự: “Cô Hạnh đã tin tưởng, thương yêu tôi bằng tấm lòng của một người mẹ. Chính điều đó đã cứu cuộc đời tôi”.

Những ngày mới tìm đến nhà khuyên C.Đ. cai nghiện, bà Hạnh luôn bị xua đuổi. Bà bảo: “Bị đuổi thẳng là chuyện bình thường, nhưng khi quyết định làm việc này thì phải kiên trì, thậm chí “lì đòn” mới được”. Lần nọ, bà Hạnh bất chấp mưa gió, ngồi chờ Đ. trước cổng nhà anh hơn ba giờ đồng hồ. Cuối cùng Đ. cũng chịu gặp bà và sau hôm đó, Đ. quyết tâm cai nghiện. Giờ Đ. đã đoạn tuyệt hẳn với ma túy, sống vui vẻ, đầm ấm bên gia đình.

Một trường hợp khác là T.N., bà Hạnh cũng đã kiên trì thuyết phục N. cai nghiện. Bà chẳng quản ngày đêm, sáng chưa gặp được thì tối. Cứ thế, bà nói tình nói lý riết rồi N. cũng xuôi. Bà Hạnh bảo: “Giờ N. khỏe nhiều rồi. Mỗi sáng, N. còn đi tập thể dục chung với mọi người. Các con của N. học giỏi và ngoan ngoãn. Tôi hạnh phúc vì thấy N. bắt đầu hòa nhập xã hội mà trước đây đã nhiều lần N. chối bỏ vì mặc cảm tự ti”.

Mo loi ve cho nguoi lam lo

Bà Hạnh luôn ghi chép cẩn thận hoàn cảnh, những tiến bộ của từng thanh niên mà mình đã tiếp xúc, cảm hóa

Chúng tôi tìm đến nhà bà Hạnh vào một chiều muộn. Đang loay hoay bên khung tranh thêu còn dang dở, nghe hỏi chuyện cảm hóa, giúp đỡ thanh niên sau cai, bà khẽ mỉm cười: “Tôi cứ đi, vận động và nói theo kiểu “mưa dầm thấm đất” vậy mà”.

Năm 1989, bà Hạnh bắt đầu tham gia phong trào Hội. Do rành cả tiếng Hoa lẫn tiếng Việt, tiếng nói của bà trong chị em hội viên người Hoa rất có uy tín. Bà luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người nên bà con trong khu phố hễ có chuyện khó khăn, vướng mắc lại tìm “Cô Hạnh phụ nữ”. Ngoài công tác Hội, bà còn làm Tổ trưởng Tổ Cán sự xã hội tình nguyện của phường. Từ đó đến nay, bà đi sớm, về khuya, không ngại khó ngại khổ cùng đồng hành, lắng nghe và động viên thanh niên sau cai bằng những việc làm thiết thực. Nhờ đó, nhiều mảnh đời từng lầm lỡ đã quay về, sống thân thiện, hòa đồng với lối xóm.

Bà Hạnh còn là thành viên câu lạc bộ “Phòng chống bạo lực gia đình” của phường. Bà hay thăm hỏi, giúp đỡ, giới thiệu cho chị em vay vốn làm kinh tế, xin học bổng cho con em hội viên... Thông qua chương trình giảm nghèo tăng hộ khá, bà Hạnh đã đề xuất nhiều hội viên được vay vốn tín dụng tiết kiệm.

Bà còn viết nhiều tiểu phẩm tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS và trở thành “người hòa giải” những mâu thuẫn, tranh chấp ở địa phương. Đến nay, bà Hạnh đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của UBND TP.HCM, UBND Q.5, Hội LHPN Q.5 và P.15 về công tác quản lý sau cai nghiện, công tác Hội. Dù tuổi đã cao, nhưng bà bảo sẽ luôn đồng hành với chị em hội viên và thanh niên đến khi nào còn có thể. Với bà, hạnh phúc chính là được sẻ chia. Chị Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch Hội LHPN P.15, Q.5 cho biết: “Hơn 20 năm gắn bó với Hội, chị Hạnh đã luôn xông xáo, nhiệt tình và làm việc đầy tâm huyết. Mặc dù bản thân đang mang bệnh hiểm nghèo, nhưng không vì thế mà chị bi quan, chán nản. Tinh thần vượt khó và những nỗ lực cống hiến cho phong trào Hội của chị khiến chúng tôi rất cảm phục”.

 MẪN NHI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI