PNO - Chàng trai Sài thành lặn lội 2.000km đi thăm người yêu trên núi cao. Dịch COVID-19 bùng phát, anh “kẹt lại” và thành rể bản Sin Suối Hồ - là người Kinh duy nhất trong cộng đồng người H’mông tại đây. Chàng rể và vợ trở thành những nhân tố quan trọng thu hút du khách tới với bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ.
Cái tên Sin Suối Hồ theo tiếng H’mông nghĩa là "suối có vàng" được dân xê dịch ưu ái gọi là “vùng đất hạnh phúc”, nơi để “dắt nhau đi trốn”… Nằm lưng chừng núi Sơn Bạc Mây có độ cao gần 1.500m so với mực nước biển, Sin Suối Hồ quả thật “có vàng” nếu biết khai thác du lịch. Từ dòng thác đổ xuống như mây bạc, từ khung cảnh khói sương lãng mạn, từ trầm tích văn hóa bản địa… “vàng” ở đó.
Bản Sin Suối Hồ có cảnh sắc lãng mạn, có dịch vụ lưu trú lên đến 300 chỗ ngủ
Chỉ cần gọi tên các địa danh trong bản, Sin Suối Hồ cũng đã gợi lên sự thôi thúc phải đến. Đó là thác Tình yêu, thác Trái tim, hợp tác xã Trái tim, con đường “dắt nhau đi trốn” (Hide Away)… Trong bản có bức tường đất nghênh mưa đón gió đã 300 năm, cây tung qua sủ (loại cây chuyên dùng nhuộm vải) 300 tuổi, có những phiến “đá sổ đỏ” với những hình ảnh lưu giữ việc phân chia nhà cửa của người dân bản thời xưa, có rừng trúc xanh mát, có ruộng bậc thang uốn lượn… Thứ Bảy hằng tuần, bản họp phiên chợ đầy sắc màu và bất cứ lúc nào cũng có thể gặp váy áo thổ cẩm của thiếu nữ H’mông xập xòe trên con đường xuyên bản.
10 năm trước, Sin Suối Hồ gần như vô danh trên bản đồ du lịch Tây Bắc, chỉ có các “phượt thủ” đi ngang qua bản trong hành trình chinh phục Bạch Mộc Lương Tử (ngọn núi cao thứ tư Việt Nam). Xa hơn về thế kỷ trước, bản nổi tiếng là… bản nghiện, với 90% người nghiện thuốc phiện cùng tập tục chuyên canh cây anh túc. Thời đó, bản thuộc nhóm nghèo nhất tỉnh với “5 không”: không điện, không đường, không trường, không trạm y tế, không nước sạch.
Từ năm 1995, người dân bản bắt đầu công cuộc đưa người nghiện lên rừng sống tách biệt để cai nghiện. Mất 10 năm vất vả, bản đã xóa trắng nạn nghiện hút. Một lần nữa, Sin Suối Hồ trở thành bản “5 không”, nhưng là: không người nghiện, không rác, không người hút thuốc, không người rượu chè, không cờ bạc.
Với lợi thế trên cao, bản Sin Suối Hồ lý tưởng để đón du khách nghỉ mát vào mùa hè. Mùa đông đến, khi má các em bé trong bản hây hây hồng, chúng ra đường chào đón những đoàn khách ham thích khám phá cái lạnh Tây Bắc. Mùa xuân, bản rực trong sắc hoa đào, hoa lê, hoa mận… Dịp lễ tết, bản tổ chức lễ hội mùa xuân, có khi 15.000-16.000 lượt người tới vui chơi. Hiện mạng lưới homestay của bản có thể đón được 300 khách mỗi đêm.
Khu homestay Nhà tổ ong của vợ chồng Ngọc và Sú được giới thiệu trên các diễn đàn du lịch
Trưa hôm ấy, chúng tôi dừng trước cổng một homestay, hỏi về dịch vụ ăn nghỉ. Chủ homestay nói ông không thể nhận thêm khách vì đang phục vụ đoàn khách 30 người, nhưng ông sẽ đi gom thực phẩm từ các nhà xung quanh và thiết kế nhanh chóng một bữa đặc sản núi rừng. Ông cũng giới thiệu đến chúng tôi những hình thức ngủ, nghỉ trong bản, như: bungalow, nhà nghỉ dạng tổ chim trên cây, nhà nghỉ dạng tổ ong, nhà sàn, nhà sinh hoạt cộng đồng, chỗ ngủ tập thể…
Người đàn ông ấy chính là Vàng A Chỉnh - trưởng bản, cũng là một trong số những người tham gia từ đầu công cuộc đổi thay của bản. Cách chia khách, chia từng phần dịch vụ là điểm độc đáo của mô hình du lịch liên kết ở Sin Suối Hồ. Một gia đình không đủ sức lo từ A tới Z tất cả các dịch vụ, họ kết hợp lại, chia nhau các công đoạn, mọi việc trở nên nhẹ nhàng.
Xắn tay cùng vợ dựng bản
Bản làng đã sạch đẹp, người trong bản đã biết cách chào đón khách, nhưng làm cách nào để thu hút du khách, đó là vấn đề mấu chốt. Câu hỏi đó ở Sin Suối Hồ được đáp bằng 2 cái tên: Nguyễn Thanh Ngọc và Hảng Thị Sú.
Nguyễn Thanh Ngọc (sinh năm 1994) và Hảng Thị Sú (sinh năm 1995) đang quản lý khu homestay với 12 căn biệt lập mang tên Nhà tổ ong cùng quán cà phê Ka Sha. Quán cà phê nằm giữa vườn lê và đào, có “view triệu đô”, nhìn xuống là thung lũng bàng bạc khói sương, nhìn lên là đỉnh Sơn Bạc Mây huyền ảo. Chăn drap gối nệm của các phòng nghỉ lúc nào cũng trắng tinh, cùng thiết bị vệ sinh đạt chuẩn.
Cặp vợ chồng Kinh - H’mông đặc biệt Nguyễn Thanh Ngọc và Hảng Thị Sú
Sáng hôm đó, Thanh Ngọc vội vã “đi làm”. “Đi làm” ở bản khác với đi làm dưới xuôi. Làm không phải cho mình, cũng không có tiền công. Tuần ấy, anh Ngọc cùng những người đàn ông khác dựng nhà cho một hộ trong bản. Ở bản này, việc của một nhà cũng là việc của cả bản. Hảng Thị Sú nói chồng cô “hội nhập” nhẹ nhàng với cộng đồng người H’mông, vì anh thao tác tốt mọi việc, từ làm nhà, đào đất, làm mộc - điện - nước, làm vườn, làm ruộng…
Hảng Thị Sú và Nguyễn Thanh Ngọc quen nhau qua sự kết nối của chị gái Ngọc. Lần đầu Ngọc (vốn là một đầu bếp và nhiếp ảnh gia ở Phú Quốc) đến Hà Giang cũng là lần đầu anh qua Lai Châu gặp Sú. 3 tháng sau, Ngọc lại có mặt ở bản để thăm bạn gái. Vốn không định ở bản lâu, nhưng dịch COVID-19 bùng phát, “ai ở đâu thì yên đấy”. “Kẹt lại 4 tháng trên bản, chúng tôi quyết định… cưới luôn” - Hảng Thị Sú chia sẻ. Cả 2 chọn bản làm nơi khởi đầu cho hành trình mới.
Hảng Thị Sú lớn lên ở bản, xong phổ thông trung học, cô trở thành sinh viên Trường cao đẳng Y Dược Hà Nội. Học xong, Sú về Sa Pa (tỉnh Lào Cai) làm hướng dẫn viên du lịch. Ở Sa Pa có một phụ nữ H’mông nổi tiếng, chị Tẩn Thị Su - người sáng lập Sapa O’Châu - mạng lưới giúp khách du lịch liên kết với hướng dẫn viên bản địa, từng nằm trong danh sách “30 Under 30” (30 người trong độ tuổi 30 có thành tích nổi bật) của Forbes Vietnam vào năm 2016. Sú được truyền cảm hứng và học hỏi từ chị Tẩn Thị Su cách khai thác du lịch, tổ chức dịch vụ lưu trú…
Sú kể: “Hồi xưa bản tôi bẩn lắm, đi đường phải chọn chỗ đặt chân vì phân trâu bò, gà, lợn khắp nơi”. Con đường vào bản cứ mưa xuống là lầy lội, trơn trượt. Những người có uy tín trong xã vận động nhau góp tiền góp của làm đường. Cả bản chung tay đi xúc cát, rải đá, mua vật liệu… Riêng lối lên thác, dân bản đã phải bắc tới 7 cây cầu. Đường hoàn chỉnh, thùng rác cũng được đặt khắp nơi, chia mỗi nhà một đoạn đường để tự quản với lời dặn dò nhau: “Quét đường như quét nhà”.
Mới đầu, khi được hướng dẫn ăn sạch, ở sạch… bà con cự vì… quen lười, không quen sạch. Thế mà sau một thời gian, bà con cứ thấy bẩn thì không chịu được, lập tức cầm chổi quét đường, nhặt rác, trồng hoa, trang trí tiểu cảnh…
Hảng Thị Sú nhớ rất rõ những ngày đầu đồng bào của cô “tập tành” làm homestay: “Gọi là homestay, nhưng chỉ đơn giản là dọn mấy cái giường, mua mấy cái chăn trải ra. Sau đó chúng tôi đưa mọi người sang Sa Pa và những điểm du lịch tiện nghi để tham quan, học hỏi. Từ đó chăn, drap cotton trắng cũng xuất hiện ở bản, sạch sẽ, chỉn chu”.
Bây giờ, mỗi ngày, Sú và chồng chăm chút sáng tạo nội dung số về bản, liên tục cập nhật những điều hấp dẫn lên trang cá nhân để khách không mơ hồ về điểm đến. Sú còn tận dụng các kênh truyền thông báo đài; mở dịch vụ đặt phòng trên các trang Agoda, Booking, dịch vụ Airbnb, các website du lịch… Khách chỉ cần liên hệ, người của bản sẽ xuống núi, đón khách từ TP Lai Châu. Đó là lý do người nước ngoài tới với bản mỗi ngày một đông. Con em của bản lớn lên được đưa đi học ở thành phố lớn. Đi để trở về, những thanh niên trong bản giao tiếp tiếng Anh tốt, Sú cùng họ mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho 22 đứa trẻ của bản, ngay tại quán cà phê Ka Sha.
“Tôi yêu thích việc chia sẻ văn hóa. Mình cho thế giới thấy đời sống văn hóa của người H’mông, đồng thời góc nhìn thế giới của mình cũng rộng mở. Tôi có bạn bè khắp thế giới. Hiện các cô giáo Singapore đang giúp người lớn trong bản học tiếng Anh qua các lớp online buổi tối” - Sú nói.
Tôi hỏi Sú, nếu Thanh Ngọc không ở lại làm rể của bản, liệu cô có theo anh đến miền khác không. Sú cười nói, cô lớn lên ở bản, tận mắt chứng kiến sự đổi thay kỳ diệu của cộng đồng mình, cô chỉ muốn dồn hết tâm huyết xây dựng bản. Vậy nên cô chỉ chọn người cùng chung chí hướng, như thế mới có thể đi đường dài…
Năm 2023, trong khuôn khổ Diễn đàn du lịch ASEAN (ATF) 2023 diễn ra tại Indonesia, Sin Suối Hồ đã đoạt giải thưởng Du lịch ASEAN ở hạng mục Du lịch cộng đồng ASEAN lần thứ ba.