Hiện thực vẫn nóng bỏng
Bạo lực học đường vẫn thường xuyên được phản ánh trên báo chí, mạng xã hội. Chỉ cần gõ từ khóa “bạo lực học đường”, Google sẽ cho ra 17,5 triệu kết quả liên quan. Hành hung, đánh hội đồng, lột quần áo, thậm chí đánh bạn đến tử vong hoặc gây tổn thương tinh thần dẫn đến tự tử… là những chuyện đau lòng xảy ra dưới mái trường.
“Vấn nạn bạo lực học đường nóng trở lại”, “Khẩn cấp ngăn chặn bạo lực học đường”, “Sinh viên hành hung bạn đổ máu, nhức nhối vấn nạn bạo lực học đường”, “Phụ huynh có nên dạy con chống trả khi bị bạo lực học đường không?”, “Hệ lụy khôn lường từ tình trạng bạo lực học đường”… là tiêu đề một số bài báo trong gần 48 giờ qua trên truyền thông. Hàng loạt vụ bạo lực học đường rúng động dư luận được điểm lại theo từng năm. Hiện thực về bạo lực học đường được phản ánh trên báo chí gióng lên những hồi chuông báo động khẩn cấp về thực trạng này.
|
Hoàng Yến (thứ hai từ phải sang) là 1 trong 2 tác giả được trao giải thưởng Tác giả trẻ của cuộc thi Truyện ngắn hay năm 2022 (do Tạp chí Văn nghệ TPHCM phối hợp với Hội Nhà văn TPHCM tổ chức) với tác phẩm viết về bạo lực học đường - ẢNH: NGỌC TUYẾT |
Tuy nhiên, báo chí có đặc thù là phản ánh khách quan, trung thực, cung cấp đủ thông tin cùng góc nhìn định hướng, phân tích, phản biện… rất khác với văn học là đào sâu cảm xúc, tâm trạng, số phận… Sự ám ảnh của hiện thực từ báo chí là cái khốc liệt của sự thật, còn với văn học, ngoài sự thật còn là sự lay động, chạm đến tận cùng cảm xúc của người tiếp nhận cùng với những số phận, diễn ngôn và chiều sâu được thể hiện qua tác phẩm. Bạo lực học đường đã và đang là hiện thực xã hội nóng bỏng, thế nhưng lâu nay rất hiếm có những tác phẩm văn học viết về đề tài này.
Nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM - luôn trăn trở về việc làm thế nào để có thể tổ chức một cuộc vận động viết riêng về bạo lực học đường. “Văn chương có sức lay động và lan tỏa rất lớn, viết về đề tài này không chỉ có các em học sinh, sinh viên là những người trong cuộc mà các nhà văn, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh… đều có thể tham gia. Tôi cho rằng đây không phải là đề tài quá khu biệt mà đang là vấn đề nhận được sự quan tâm của toàn xã hội” - chị chia sẻ. Lâu nay, có rất nhiều cuộc thi viết/sân chơi văn chương dành cho người trẻ, nhiều tác phẩm đậm dấu ấn về cuộc sống, suy tưởng của thế hệ hôm nay. Nhưng hầu hết đều không phải là những câu chuyện về bạo lực học đường. Cuộc phát động viết riêng về đề tài này hy vọng sẽ trở thành ngọn lửa tiên phong mở lối cho những tiếng nói từ học đường.
Chờ người trẻ cất tiếng
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, mỗi năm cả nước xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học. Hàng loạt vụ việc cho thấy mức độ ngày càng nghiêm trọng, hành vi bạo lực cũng ngày càng đa dạng, để lại hậu quả khôn lường. Các cuộc thi viết dành cho cây bút trẻ thường có biên độ rộng về đề tài: tuổi trẻ và cuộc sống hôm nay, khát vọng và tình yêu; những chuyến đi, thể hiện tinh thần công dân toàn cầu hoặc về văn hóa - lịch sử - con người ở các vùng đất… Bạo lực học đường chưa từng là chủ đề trọng tâm trong cuộc thi/giải thưởng văn chương nào dành cho người viết trẻ lâu nay.
|
Giải thưởng Văn học Trẻ chủ đề “Khởi nghiệp văn chương” của Đại học Quốc gia TPHCM phát hiện nhiều cây bút trẻ đầy triển vọng. Ảnh: Lục Diệp |
Hiện Hội Nhà văn TPHCM đang thực hiện dự thảo kế hoạch cuộc thi viết truyện ngắn chủ đề “Nỗi đau bạo lực học đường thời 4.0”, với mong muốn sẽ tạo được một vệt tác phẩm đậm dấu ấn và có sức lan tỏa, tác động xã hội về vấn đề này. Nhà văn Bích Ngân tin rằng việc đưa bạo lực học đường trở thành chủ đề một cuộc thi văn học sẽ góp phần thức tỉnh xã hội, vì văn chương sẽ đi vào câu chuyện của thân phận, góp phần rung lên hồi chuông báo động và đặc biệt đánh thức từng tế bào xã hội là gia đình. Điều này đã có thể được nhìn thấy qua tác phẩm Phía sau vết cắt của tác giả Hoàng Yến (16 tuổi, tác phẩm được trao giải thưởng Tác giả trẻ cuộc thi Truyện ngắn hay năm 2022 của Tạp chí Văn nghệ TPHCM vừa qua). Tác phẩm hiếm hoi của chính người trong cuộc viết về bạo lực học đường này đã thúc đẩy lãnh đạo Hội Nhà văn TPHCM quyết định tổ chức riêng cuộc thi viết về đề tài này.
Nhà văn có thể tham gia nhiều trại sáng tác/những chuyến đi thực tế, nhưng “bạo lực học đường” là đề tài không thể “đi thực tế quan sát”. Chỉ có chất liệu trên truyền thông và những cuộc tiếp cận, tìm hiểu, lắng nghe và cảm nhận của riêng mỗi người cầm bút. Vấn nạn ấy khởi sinh dưới mái trường cũng rất cần sự tham gia cất tiếng của chính những người trong cuộc, những ngòi bút trẻ nhìn nhận và thấu hiểu tâm tư của thế hệ mình.
Rất nhiều cây bút mới được phát hiện qua những cuộc thi/giải thưởng văn chương với những dấu ấn riêng. Lực lượng người viết trẻ đã và đang cùng nhau soi chiếu góc nhìn thế hệ, viết về những góc khuất, phản ánh thời đại sống, thể hiện tâm tư tình cảm và những suy tưởng rất bản lĩnh. Trao vào tay người trẻ một đề tài là “hiện thực nóng bỏng” và chờ đợi những sự cất tiếng có sức lay động cho một vấn nạn nhức nhối xã hội, hoàn toàn là điều có thể kỳ vọng.
Lục Diệp