Mô hình “VietGap” tại gia

01/06/2022 - 05:58

PNO - Nghe “hội chị em” đồn về vườn rau mát mắt của chị Huỳnh Thị Thái Hòa, ở ấp 2, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM, tôi liền tới... mục sở thị.

Đúng như lời đồn. Với diện tích 32m2, gần như rau gì cũng có trong vườn rau sân thượng của chị Hòa. Ngoài các loại rau gia vị như rau quế, rau é, húng lủi, rau hẹ, diếp cá, hành, ngò rí, ngò gai… còn có mồng tơi, bồ ngót, rau lang, các loại rau họ nhà cải như xà lách, cải ngọt, cải cay, cải xoong Nhật, rồi lá giang, rau đay, khổ qua, dưa leo, đu đủ, chanh; có cả cây lựu ra trái quanh năm. 

Chị Hòa tâm sự, muốn được ăn rau sạch để bảo vệ sức khỏe gia đình thì phải tự tay trồng. Ngày vừa nhen nhóm ý định trồng rau, anh Huy chồng chị liền tìm mua chậu, rồi sắp xếp các chậu ngay hàng thẳng lối. Anh mua cả xe ba gác đất trộn phân bò đã ủ hoai và những bao đất có vỏ trấu, tất cả trộn chung, rồi cho vào chậu, sau đó tiến hành trồng rau. 

Chị Hòa bên vườn rau “gì cũng có” xanh mướt
Chị Hòa bên vườn rau “gì cũng có” xanh mướt

Vườn rau được cô chủ cưng chiều, tưới tắm ngày hai buổi. Có lẽ thương người biết cách chăm sóc, nên vườn rau cũng báo đáp gia chủ bằng cách phổng phao hơn mỗi ngày. Hôm nào chị Hòa “quăng” rau lên “Phây”, mùi thơm của rau như lan khắp trang Facebook, ai cũng vào hít hà, xin rau, hỏi han cách trồng. 

Chị Hòa chia sẻ, “Có chăm thì mới có thu”. Để có rau sạch tươi tốt quanh năm, chị Hòa tận dụng đồ nhà bếp bỏ đi, từ nước vo gạo, tới vỏ rau củ quả, vỏ trứng, bã cà phê, kể cả rác lấy ra từ bồn rửa chén, tất cả ủ vào thùng xốp có đục lỗ dưới đáy thùng. Chị đổ nước vào thùng xốp, rồi hứng nước từ những lỗ đục sẵn, đem tưới cho các chậu rau. 

Chị Hòa là nhân viên văn phòng mà nói về nghề trồng trọt như nhà nông thứ thiệt. Nhìn vạt rau của chị Hòa, có thể nói vui, đây là “Mô hình VietGAP tại gia”, bởi quy trình từ trồng, tới chăm sóc, thu hoạch đều rất chuẩn. Rau nhà chị Hòa cho cảm giác yên tâm tuyệt đối khi sử dụng. Còn rau chợ mua về, mỗi lần nấu phải ngâm kỹ, có khi sau rửa, rau đến giập mà chưa hẳn đã an toàn.

Chị Hòa kể, mấy đợt dịch COVID-19 bùng phát, khi giãn cách xã hội, nhiều nhà có gạo, có cá, có thịt, nhưng lại không có rau ăn, vì rau không thể để dành nhiều ngày. Có thể nói không ngoa, nhờ vạt rau nhà trồng, gia đình Hòa vượt qua những ngày dịch bệnh một cách nhẹ nhàng. Thời gian này, chị Hòa làm giàn, trồng mấy dây bí đỏ. Nhờ bí quyết chăm sóc, gia đình chị ăn ngọn bí, hoa bí, quả bí non “mệt nghỉ”. 

Những ai tận mắt nhìn thấy vườn rau nhà chị Hòa, hoặc nhìn trên Facebook, đều nung nấu ý định bắt chước chị mà trồng rau. Kết quả là, đã có vài nhà hàng xóm lân cận học theo cách của Hòa. Như chị Thanh, chị Nguyệt. Ban công nhà các chị ấy dù diện tích khiêm tốn, nhưng vẫn có rau sạch để ăn. Chị Hòa chia sẻ thêm, đối với những loại rau biết “leo trèo”, chẳng hạn như mùng tơi, lá giang, là những loại có thể vươn cao, chỉ cần trồng một ít cây là đủ ăn, tiết kiệm được diện tích đất trồng. Khổ qua, dưa leo thì làm giàn.

Đã trồng thì trồng mỗi loại mỗi ít, để rau gì cũng có, vừa tiện dùng, còn cho người trồng cảm giác hưng phấn, no mắt. Thỉnh thoảng chị Hòa cho đất nghỉ ngơi, xong lại bón phân, làm đất, rồi mới gieo hạt. 

Ở thành phố mà có vườn rau như chị Hòa, ai cũng ao ước, những ao ước không ngoài tầm tay, chỉ cần một chút siêng năng, chịu khó cõng đất lên ban công, sân thượng. Chị Hòa nói, vạt rau thu hút mọi thành viên trong nhà. Ba đứa con trai hay theo mẹ lên sân thượng hóng mát, phụ mẹ làm vườn.

Những buổi sáng cuối tuần, gia đình chị Hòa quây quần trên sân thượng, có khi trưa trầy trưa trật mới chịu rời đi. Ở đó, họ cùng tưới nước, bắt sâu, nhổ cỏ, nâng niu từng lọn rau như nâng niu hạnh phúc gia đình. 

Vườn rau nhà chị Hòa khá đa dạng chủng loại. Hôm nay ăn rau dền, ngày mai rau lang, ngày kia rau cải, ngày nọ khổ qua. Muốn ăn gà, có khi phải cân nhắc đến... đau đầu, kiểu, nên nấu gà lá giang, hay gỏi gà lá chanh, hay nấu gà lá é. Trong rổ rau sống quen thuộc của người miền Trung nói chung, hay của riêng nhà chị Hòa, thường đủ loại rau gia vị, mà rau gia vị nhà trồng, cho mùi tinh dầu thơm lừng. Trái khổ qua nhà trồng dù nhỏ, nhưng cho vị đắng đúng như một tên gọi khác: mướp đắng.

Có lẽ rau, quả không bị ép lớn, nên tạo mùi rõ ràng, mà những loại có mùi đặc biệt, thường chỉ là rau sạch, khá đắt đỏ và không phải dễ tìm mua. 

Song Nguyên

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI