PNO - Thay vì làm trung gian kết nối thông tin, các công ty này huy động tài chính đa cấp để lừa đảo, chiếm dụng vốn; huy động vốn để cho vay tràn lan...
Hiện mô hình vay ngang hàng (peer to peer lending - P2P) đang phát triển rất nhanh tại Việt Nam, xuất hiện những hoạt động biến tướng. Nhiều công ty chỉ có chức năng kết nối thông tin, tư vấn tài chính nhưng lại tạo nhiều ứng dụng (app) để cho vay trực tuyến với lãi suất lên đến 730%/năm.
Tư vấn tài chính nhưng cho vay công khai
Thời gian gần đây, nhiều người liên tục nhận được tin nhắn của một đơn vị tên “Doctor Đồng” hoặc cá nhân tự xưng là nhân viên của “Doctor Đồng” mời vay tiền, mời tải ứng dụng “Doctordong” về điện thoại. “Doctor Đồng” có website là doctordong.vn, chủ trang web này là Công ty TNHH một thành viên Tư vấn tài chính LGC (27B Nguyễn Đình Chiểu, P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM). Hiện nay, đối tác cho vay chiến lược các khoản vay của “Doctor Đồng” là Công ty TNHH một thành viên Thương mại Dịch vụ Vạn An Phát (VAP).
Mặc dù không được cấp phép cho vay vốn nhưng hai đơn vị này tạo ra ứng dụng “Doctordong” để cho vay trực tuyến, với mức vay từ 500.000 - 10 triệu đồng, hạn mức vay tối đa 30 ngày. Người vay chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân, ảnh chân dung, hình chụp thẻ chứng minh nhân dân, số tài khoản ngân hàng, số điện thoại người thân; sau 60 phút, khoản vay sẽ được duyệt, số tiền vay sẽ được chuyển vào tài khoản do người vay cung cấp. Khách hàng có thể thanh toán khoản vay trực tiếp cho “Doctor Đồng” hoặc VAP hoặc các kênh thanh toán hộ như Payoo, đại lý của Viettel, ứng dụng Bankplus của Viettel, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), điểm giao dịch ví điện tử Momo…
Ngoài LGC, nhiều doanh nghiệp khác cũng tự tạo các ứng dụng cho vay trực tuyến. Chẳng hạn, Công ty TNHH Thương mại 360 Việt Nam có ứng dụng “idong” (idong.com.vn), cho vay tối đa 10 triệu đồng, giải ngân trong 1-3 giờ; hoặc Công ty TNHH Cashwagon (cashwagon.vn) với ứng dụng “cashwagon” .
Nhiều điểm cho vay thực chất là “tín dụng đen” nhưng lại tự phong mình là công ty tài chính để tạo niềm tin với khách hàng về lãi suất. Điểm cho vay tại 198 Thoại Ngọc Hầu, P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM (website: chovaytienmatnhanh.com) tự nhận mình là Công ty Tài chính AK Finance, có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước nên có năng lực tài chính mạnh (cho vay tối đa đến 10 tỷ đồng), lãi suất trả góp ngang với lãi suất ngân hàng. Website: vaytienaz.com cũng quảng cáo mình là Công ty Tài chính VaytienAZ, có trụ sở tại 62 Phạm Ngọc Thạch, P.6, Q.3, TP.HCM, là đối tác liên kết với các ngân hàng lớn.
Người vay tiền tại “Doctor Đồng”, “idong” bị đòi nợ theo kiểu “khủng bố” công khai trên mạng xã hội
Điểm chung của các công ty “ma” này là người vay phải cung cấp toàn bộ thông tin cá nhân lên các ứng dụng hoặc tại các website, hợp đồng vay được gửi cho người vay bằng email, người vay không cần phải ký hợp đồng vay. Trước hạn thanh toán 5 ngày, sẽ có nhân viên gọi điện hướng dẫn người vay thanh toán.
Lãi suất “cắt cổ”, đòi nợ kiểu khủng bố
Không chỉ cho vay trái phép, các đơn vị này còn lấy lãi suất “cắt cổ”, khách nào chậm trả đều bị gọi điện đe dọa, phạt mức phí cao ngất ngưởng. Lãi suất vay được “Doctor Đồng” niêm yết trên website chỉ có 10,95%/năm, nhưng theo phản ánh của khách hàng, lãi suất lên đến 1-2%/ngày (tương ứng 365-730%/năm).
Chị V.L.M. - ngụ tại Q.8, TP.HCM - làm hồ sơ vay 1,5 triệu đồng trong thời hạn 10 ngày của “Doctor Đồng”. Chị “sốc” khi số tiền phải thanh toán là 1,8 triệu đồng, tức chị phải chịu lãi suất 2%/ngày, phần còn lại được tính vào phí quản lý. Còn theo phản ánh của anh V.Q.N. - ngụ tại Q.4, TP.HCM - do thiếu tiền nên anh đã vay của Cashwagon 2 triệu đồng, với số lãi sau 20 ngày là 600.000 đồng (lãi suất 1,5%/ngày). Anh N. đóng muộn 3 ngày nên bị phạt 250.000 đồng nên tổng tiền thanh toán là 2.850.000 đồng.
Để thu hút người vay, các điểm cho vay này thường đưa ra các chương trình khuyến mãi lãi suất, miễn phí lãi suất trong 10 ngày cho khách hàng đăng ký đầu tiên nhưng thực chất lại đẻ ra nhiều loại phí khác. Chẳng hạn, khách vay 3 triệu đồng, nếu hoàn trả đúng trong vòng 10 ngày sẽ không bị tính lãi nhưng số tiền thực lãnh của khách hàng chỉ là 2,5 triệu đồng, số còn lại được tính vào phí tạo hồ sơ (290.000 đồng) và phí gia hạn (210.000 đồng). Không ít khách hàng khủng hoảng tâm lý khi bị các điểm cho vay này truy cập vào danh bạ điện thoại, tài khoản Facebook, Zalo, tung hình lên mạng xã hội hoặc gọi đến danh sách bạn bè, gia đình để đe dọa.
Mới đây, chị L.T.H. - quê Cà Mau, tạm trú tại Q.Bình Tân, TP.HCM - tá hỏa khi bị “Doctor Đồng” đăng bài viết trên Facebook “tìm người trốn nợ” kèm hình chứng minh nhân dân, hình cưới của vợ chồng chị H., nơi con chị H. đang học với lời lẽ đe dọa, đồng thời gắn tất cả danh sách bạn bè của chị H. vào bài viết. Theo chị H., cách đây vài tháng, chị có vay “Doctor Đồng” 1,5 triệu đồng trong thời hạn 10 ngày, dù đã thanh toán toàn bộ số tiền trên với lãi suất 2% nhưng chị H. vẫn bị thông báo còn nợ 80.000 đồng tiền phí dịch vụ. Không đồng ý đóng mức phí trên, chỉ sau hai tháng, tiền lãi phát sinh đã lên đến gần 2 triệu đồng; tiếp đến, chị bị bôi xấu trên mạng xã hội.
Chưa quản nên còn biến tướng
Luật Các tổ chức tín dụng cho phép các tổ chức tín dụng được áp dụng lãi suất thỏa thuận với khách hàng, nhưng Bộ luật Dân sự năm 2015 giới hạn mức lãi suất không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Trên thực tế, không ít tổ chức tín dụng đang áp dụng mức lãi suất cao hơn quy định. Theo luật sư, tiến sĩ Bùi Quang Tín (Trường đại học Ngân hàng TP.HCM), cho vay với lãi suất lên tới 365-730%/năm là phạm tội “cho vay nặng lãi”, cơ quan chức năng có thể xử lý hình sự mà không cần đợi phát sinh tranh chấp.
Theo tiến sĩ Cấn Văn Lực (Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV), các đơn vị cho vay kể trên hoạt động theo hình thức cho vay ngang hàng và đang biến tướng, vi phạm pháp luật. Thay vì làm trung gian kết nối thông tin, các công ty này huy động tài chính đa cấp để lừa đảo, chiếm dụng vốn; huy động vốn để cho vay tràn lan; thực hiện chức năng thanh toán trung gian bất hợp pháp; sử dụng các biện pháp “bẩn” để đòi nợ, thu hồi nợ. “Nguyên nhân khiến cho vay ngang hàng nở rộ nhưng biến tướng là do chưa có quy định quản lý riêng và cũng chưa có quy định cấm mô hình này hoạt động” - tiến sĩ Lực nói.
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM - khẳng định, hiện trên cả nước, chưa có bất cứ tổ chức, cá nhân nào được cấp phép hoạt động vay ngang hàng. Khi không được cấp phép, dù cho vay với lãi suất 1%/năm cũng là vi phạm.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - ông Nguyễn Kim Anh - thông tin, Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị Chính phủ ban hành một nghị quyết để quản lý và ra quyết định cho phép thí điểm loại hình vay ngang hàng này. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng phương án, lộ trình và các quy định quản lý, giám sát lĩnh vực cho vay trực tuyến.
Nhiều thương hiệu trong lĩnh vực từ hàng gia dụng, thời trang, tới mỹ phẩm… đang ghi nhận doanh số tăng vọt khi chuyển đổi bán hàng qua hình thức livestream.
Quyết định giảm lãi suất 0,25% của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khiến giá vàng thế giới giảm mạnh, giá vàng SJC trong nước giảm gần 1,2 triệu đồng/lượng.