Mô hình 'trạm y tế đa khoa' hoạt động với giấy phép… tạm

28/08/2017 - 17:00

PNO - Qua 3 tháng hoạt động, việc thí điểm mô hình xã hội hóa trạm y tế đầu tiên cả nước tại phường 11 (Q.3, TP.HCM) nhìn chung tạo được sự hài lòng của người dân

Tuy nhiên, do “vướng các thủ tục pháp lý”, đến nay phòng khám này xem như vẫn đang hoạt động “chui”.

Mo hinh 'tram y te da khoa' hoat dong voi giay phep… tam
 

Thực hiện chủ trương của Chính phủ đẩy mạnh công tác xã hội hóa y tế, UBND TP.HCM đã chấp thuận cho UBND Q.3 hợp tác với Công ty cổ phần Y tế Việt Anh tổ chức thí điểm phòng khám đa khoa tại Trạm y tế P.11 (Q.3).

Sau khi chính thức ra mắt vào cuối tháng 5, mô hình trên đã góp phần làm thay đổi cái nhìn của người dân: “trạm y tế đa khoa” với cơ sở vật chất khang trang, chất lượng phục vụ hơn hẳn một trạm y tế “truyền thống”. 

Bệnh nhân tăng gấp đôi

Ngoài ra, con số thống kê mới nhất tại đây cũng cho thấy dấu hiệu khá lạc quan. Trao đổi với chúng tôi chiều 27/8, đại diện phòng khám cho biết, số lượng bệnh nhân đến Trạm y tế P.11 tăng cao. Thống kê trong tháng 6, phòng khám tiếp nhận trên 600 lượt bệnh nhân. Qua tháng 7, con số này vượt lên gần 700 lượt. So với cùng kỳ năm ngoái, tức thời điểm chưa triển khai mô hình xã hội hóa, lượng bệnh nhân đã tăng gấp đôi.

Những kết quả ban đầu đó đã phần nào hiện thực hóa kỳ vọng của Chính phủ rằng các mô hình xã hội hóa sẽ góp sức giảm quá tải bệnh viện, cùng Nhà nước nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.

Sơ kết sau 3 tháng hoạt động, “trạm y tế đa khoa” được lãnh đạo TP.HCM đánh giá đã tạo được sự tín nhiệm của người dân tại địa phương. Khi đến khám chữa bệnh tại Trạm Y tế P.11 hiện nay, người dân khá hài lòng với cung cách phục vụ, cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại mà nhà đầu tư đã sửa chữa, nâng cấp.

Giá cả khám bệnh của phòng khám tương đương với cơ sở y tế công lập. Trong khi đó, phòng khám vẫn có thể đảm đương chức năng dự phòng của trạm y tế như phòng chống dịch, tiêm chủng mở rộng, các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế…

Hay, nhưng đang… “không phép”

Thế nhưng, theo thông tin mà chúng tôi có được, cho đến lúc này, phòng khám đa khoa tại Trạm y tế P.11 vẫn đang trong tình trạng chưa có giấy phép hoạt động khám chữa bệnh. Do đó, phòng khám chưa đầy đủ  hồ sơ pháp lý để khám cho bệnh nhân BHYT. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại cuộc họp ngày 22/8 vừa qua, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu các sở ngành tháo gỡ khó khăn về thủ tục pháp lý, tạo điều kiện cho Trạm y tế P.11, Q.3 hoạt động hiệu quả. Cụ thể, UBND TP chỉ đạo Sở Y tế xem xét, cấp giấy phép hoạt động khám chữa bệnh theo quy định trước ngày 31/8. Song song đó, sở cần sớm cấp giấy phép nhà thuốc tại trạm nhằm tạo điều kiện cho cơ sở hoạt động khám chữa bệnh và kinh doanh thuốc đúng quy định chuyên môn của Bộ Y tế để có thể đăng ký khám chữa bệnh BHYT và BHXH TP.

Lý giải vướng mắc trên, Sở Y tế TP.HCM cho biết, do mô hình quá mới nên cần xem xét, cân nhắc kỹ các vấn đề pháp lý. Từ khi thành lập đến nay, phòng khám hoạt động… tạm. Sở cũng cho biết, ngay trong tuần này, giám đốc sở sẽ ký giấy phép hoạt động cho phòng khám.

Đứng ở góc độ người dân mới có thể thấy cám cảnh dường nào, khi một mô hình được kỳ vọng, do chính Nhà nước chủ trương, hơn nữa đang tạo ra được những hiệu quả ban đầu, nhưng vẫn bị làm “khó” bởi các cơ quan chức năng! Điều này làm chúng tôi nhớ đến hình ảnh “khác biệt Đông Tây” mà chính Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã ví von nhằm vừa phê phán sự quan liêu, vừa khích lệ mô hình thí điểm xã hội hóa Trạm y tế P.11 trong chuyến thăm cơ sở này hồi đầu tháng 6.

“Thứ khác nhau rất căn bản giữa Đông và Tây, đó là người phương Tây khi có ý tưởng mới thì được động viên làm và sẽ khẳng định đúng sai, hay dở trong thực tế. Ngược lại, trước các ý tưởng mới, người phương Đông thường đặt ra rất nhiều câu hỏi. Câu hỏi đầu tiên là cái này có hại gì không? Trả lời câu hỏi này mất một thời gian. Sau đó, hỏi tiếp cái này có lợi không? Mất thêm một thời gian nữa để trả lời. Sau đó hỏi tiếp, cái này khả thi không? Trả lời xong là… xong luôn”, ông Đam cười buồn.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trong nhiều cuộc trao đổi đã bày tỏ sự lo lắng khi các chỉ số năng lực cạnh tranh của TP.HCM đang ở mức không tương xứng với tốc độ và quy mô phát triển. Trong đó, ông nêu rõ, các chi phí không chính thức, tính năng động, thiết chế pháp lý và cạnh tranh bình đẳng đều ở mức dưới trung bình, cũng có nghĩa là cải cách hành chính vẫn còn nhiều thách thức.

Tại kỳ họp thứ 11 Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM vào tháng 8 vừa qua, người đứng đầu Thành ủy TP.HCM đã truyền đạt tinh thần: phải làm sao từ năm tới, chúng ta nâng vị trí bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh lên ở top 5, chứ không thể top 10 như hiện nay. 

Xem ra, quyết tâm của Bí thư Thành ủy TP.HCM cho một thành phố có chỉ số năng lực cạnh tranh cao vẫn còn gặp nhiều lực cản từ chính năng lực quản lý và điều hành của các cấp trong hệ thống. 

Nam Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI