Mô hình tôm - lúa mang lại lợi ích toàn diện

02/04/2024 - 07:02

PNO - Mô hình tôm - lúa là một hình thức canh tác nông nghiệp độc đáo, thuận thiên gắn liền với vùng đồng bằng sông Cửu Long và khí hậu nhiệt đới gió mùa của vùng này. Đây là mô hình bền vững, đồng thời tăng được thu nhập cho nông dân trồng lúa.

Đặc trưng của mô hình tôm - lúa là sự luân phiên giữa mùa mưa nước ngọt và mùa khô nước mặn, tạo ra điều kiện sinh thái phù hợp cho cả lúa và tôm sinh trưởng. Vào mùa khô, với nguồn nước mặn từ biển đổ về phía đất liền, các vùng đồng bằng ven biển trở thành môi trường lý tưởng để nuôi tôm. Tôm được thả nuôi hoàn toàn trong điều kiện tự nhiên, không cần sử dụng thức ăn công nghiệp mà chỉ tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên phong phú từ rễ cây lúa, gốc rạ, tăng sức đề kháng cho tôm. Khi đến mùa mưa, nguồn nước ngọt về, các vùng đất phì nhiêu này lại thành cánh đồng lúa màu mỡ. Dinh dưỡng từ phân tôm lại bồi đắp lên thửa ruộng, tạo thành phân bón hữu cơ tự nhiên cho cây lúa sinh trưởng.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Mô hình tôm - lúa cho năng suất bình quân mỗi héc ta từ 5-8 tấn lúa và 300 - 1.000kg tôm. Như vậy, mỗi năm, thu nhập từ mô hình này tối thiểu là 250 triệu đồng, còn trung bình 500 triệu đồng và có thể lên tới 1 tỉ đồng/năm/ha nếu trúng.

Quy trình luân chuyển qua 2 mùa nước, 2 môi trường sống đối lập này tạo nên sự cân bằng, tính bền vững cho mô hình tôm - lúa. Mỗi thành phần vừa là đầu ra, lại vừa trở thành đầu vào cho nhau trong một hệ thống sản xuất khép kín, tuần hoàn tối ưu các nguồn lực và dòng vật chất. Chính điểm độc đáo, mang tính thích ứng cao với điều kiện tự nhiên này đã giúp mô hình tôm - lúa trở nên bền vững, gần gũi với môi trường của các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long.

Đã vậy, mô hình tôm - lúa còn không cần nhiều vốn, do nông dân chỉ bỏ tiền ra mua lúa giống và tôm giống. Vấn đề là cần liên kết lại thành thửa ruộng lớn, khoảng 7 - 10ha và cánh đồng tôm - lúa lớn, khoảng 1.000 - 10.000ha. Tức là nhiều hộ liên kết lại thành tổ hợp tác và nhiều tổ hợp tác liên kết thành hợp tác xã kiểu mới. Lúc đó mới cần kinh phí để đầu tư cơ sở hạ tầng như kênh cấp nước, kênh thoát nước và đường giao thông để cơ giới hóa trong khâu giống, thu hoạch, nhằm giảm chi phí và tăng năng suất, sản lượng. Ước tính bình quân mỗi héc ta cần đầu tư hạ tầng từ 0,5-1 tỉ đồng thì cả vùng đồng bằng sông Cửu Long (hiện có hơn 200.000ha tôm - lúa) cần 100.000-200.000 tỉ đồng.

Khi được liên kết thành nhiều hợp tác xã kiểu mới thì doanh thu và lợi nhuận của mô hình này sẽ tăng đến 10 lần. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đang hợp tác với các địa phương và nông dân triển khai mô hình tôm - lúa đạt chứng nhận ASC, BAP, hữu cơ, sinh thái, giúp nông dân bán sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường.

Mô hình tôm - lúa không chỉ mang tính bền vững về môi trường mà còn đảm bảo bền vững về kinh tế và xã hội. Thu nhập hàng trăm triệu đồng đến hàng tỉ đồng mỗi năm trên 1ha đất sẽ giúp nông dân ổn định cuộc sống và làm giàu ngay trên chính mảnh đất của mình, không phải rời bỏ nghề nông để đi làm công nhân ở nơi xa.

Với tiềm năng to lớn và sự bền vững về mọi mặt, cùng sự chuyển hướng đúng đắn theo chủ trương phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp thuận thiên, chúng ta có thể thu hút nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức trong nước và quốc tế để phát triển mô hình tôm - lúa theo hướng sản xuất quy mô công nghiệp, trở thành mô hình sản xuất chủ lực, hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển, đồng thời giữ gìn bản sắc làng quê, gìn giữ nghề truyền thống lâu đời của vùng đất phương Nam.

Lê Văn Quang

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thủy sản Minh Phú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI