Mô hình một cửa tiếp nhận 47 ca liên quan đến bạo lực, xâm hại...

19/01/2024 - 14:00

PNO - Qua 10 tháng thí điểm, mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn TPHCM tiếp nhận 47 ca liên quan đến bạo lực, xâm hại và quan hệ có sự đồng thuận.

Ngày 19/1, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM tổ chức họp Hội đồng tư vấn mở rộng mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Thông tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em ra mắt từ tháng 3/2023. Qua 10 tháng tổ chức thí điểm mô hình, từ cổng Bệnh viện Hùng Vương và Trung tâm công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề Thiếu niên Thành phố đã tiếp nhận 47 ca liên quan đến bạo lực, xâm hại và quan hệ có sự đồng thuận. Trong đó, nạn nhân ở độ tuổi từ 10 đến 33 tuổi, nhiều nhất từ 13 - 16 tuổi.

Theo đó, chỉ có 15% số ca đồng ý báo công an xử lý, 40% số ca được gia đình chấp nhận trẻ bị xâm hại, thỏa hiệp với thủ phạm và gia đình chờ trẻ đến tuổi để làm đám cưới, hơn 35% số ca có gia đình, nạn nhân từ chối hỗ trợ, không hợp tác, gần 9% số ca là gia đình không khai báo.

Tuy nhiên qua gần 10 tháng thí điểm thực hiện mô hình, các đơn vị gặp một số khó khăn về nhân lực chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa có nguồn tuyển dụng chính thức cho vị trí việc làm tại mô hình. 

Liên quan đến vấn đề pháp lý cũng là một thách thức, bởi đầu ra của mô hình chỉ tiếp nhận nạn nhân có nhu cầu tạm lánh từ bệnh viện Hùng Hương, nên Trung tâm công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề Thiếu niên Thành phố chưa tiếp nhận được nạn nhân từ cộng đồng.

Đại biểu tham dự hội nghị cũng có các kiến nghị liên quan đến kinh phí, định mức tiền ăn cho nạn nhân mang thai tạm lánh, chưa có hướng dẫn định mức chi cho hoạt động của mô hình.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM Lê Văn Thinh nhấn mạnh cần gỡ khó để tiếp tục duy trì thực hiện mô hình
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM Lê Văn Thinh nhấn mạnh cần gỡ khó để tiếp tục thực hiện mô hình

Ông Lê Văn Thinh - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM - nhận định: "Tôi rất trăn trở, 47 ca trong gần 10 tháng không phải là con số nhỏ. 

Quá trình thực hiện mô hình còn khó khăn liên quan đến nội dung chưa thống nhất, vấn đề kinh phí… Tôi khẳng định thành phố có kinh phí để thực hiện công tác hỗ trợ, chăm lo cho những hoàn cảnh khó khăn.

Chính vì vậy, việc cần làm hiện nay là cần tính toán để làm chứ không phải bàn để lùi. Cần tập trung nội dung còn khó của quy trình để điều chỉnh quy trình, tính toán tổ chức lại các phòng ban chức năng, bồi dưỡng viên chức phụ trách mô hình…. Đặc biệt, cần có sự đồng hành từ địa phương, tiếp tục truyền thông, hướng dẫn để phụ nữ và trẻ em biết cách để bảo vệ mình".

Diễm Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI